1. Cơn cục cựa của ADN “xê dịch”
Cách đây hai năm, khi đang trò chuyện vãn trong lúc cùng nhau rong ruổi trên cung đường thanh vắng từ Los Angeles đến San Francisco, tôi thổ lộ sự áy náy vì đã khiến nhà văn Hữu Tài phải dành hai ngày nghỉ cuối tuần, bay một chuyến dài từ Washington DC. sang California để dắt tôi đi chơi. Để rồi, tôi không khỏi bật cười lúc nghe anh thủ thỉ: “Mỗi lần kéo vali ra tới sân bay, anh thấy toàn thân mình run lên, cơn sung sướng tràn ngập từ gót chân đến đỉnh đầu. Một trăm lần là run rẩy sung sướng một trăm lần. Chưa bao giờ anh thấy những chuyến bay dài như nỗi ám ảnh, mà chỉ sướng tê người khi tưởng tượng cảm giác đặt chân xuống vùng đất mình đang đến”. Tôi trêu anh, hóa ra em chỉ là cái cớ cho đôi chân “xác người hồn ngựa” của anh được tung vó. Hai anh em cười, tự nhận mình là hậu duệ của Nguyễn Tuân, mang trong mình sợi ADN mê “xê dịch”. Đến giờ, tôi vẫn còn nghe được tiếng cười rộn của chúng tôi bay qua thảo nguyên xanh rờn, đồi hoa puppy vàng rực rỡ tháng ba, những cối xay gió trắng muốt khổng lồ xoay xoay giữa trời xanh Cali rộng rãi.
Cuốn sách du ký Tám với chú Sam của tác giả Hữu Tài (Ducabooks, NXB Hà Nội ấn hành) vừa ra mắt bạn đọc |
nvcc |
Vậy mà từ sau chuyến đi ấy đến nay, dẫu có cả chục cái cớ, từ cái cớ nhớ nhà, nhớ nắng gió, nhớ đĩa bánh căn Ninh Hòa thơm ngậy đến cái cớ thèm chơi, thèm du ngoạn, cả nhà văn Hữu Tài lẫn cô độc giả là tôi đây đành ngồi bó gối, mơ về chuyến bay 24 giờ băng xuyên Thái Bình Dương.
Trận đại dịch Covid-19 khiến cả nhân loại đang ồ ạt, thậm chí nhiều khi thấy thừa mứa rã rời, những chuyến đi dọc ngang khắp địa cầu, bỗng đứng khựng lại ngơ ngác trước các đường biên giới xa xôi.
Và khi Hữu Tài trao cho tôi tập bản thảo Tám với chú Sam, tôi thấy sợi ADN “xê dịch” trong mình hồi sinh, cục cựa. Những trang sách, các câu chuyện kể của anh mang cho tôi một chuyến du ngoạn đặc biệt: du ngoạn nước Mỹ bằng tâm trí. Dường như, trong hoàn cảnh bị phong tỏa này, trải nghiệm của anh, cái tài kể chuyện hấp dẫn, vừa hài hước lém lỉnh, vừa sâu sắc trữ tình của anh đã kích hoạt trí tưởng tượng của người đọc, dội những thèm khát phiêu lưu lên trang giấy. Chừng đó, lúc này, cũng đã đủ làm vỡ òa niềm vui khám phá, xoa dịu cơn khát kéo vali ra sân bay, lên tàu lửa, bước vào ô tô. Đọc Tám với chú Sam, với tôi, là liệu pháp trì hoãn hai bàn chân, để cho tâm trí và trái tim được tự do khoái trá thưởng lãm xứ cờ hoa rộng lớn đa văn hóa, đa sắc tộc và lắm điều mời gọi.
2. Nước Mỹ: Một gương mặt khác, rất khác
Trong tâm thức người Việt Nam, có lẽ, nước Mỹ là một đất nước đặc biệt vì các câu chuyện lịch sử thời đất nước bị chia cắt và cuộc chiến kéo dài 20 năm, vì những chuyến di cư và ngày trở về quê hương, vì giấc mơ du học của giới trẻ và vì hình ảnh người Mỹ, nước Mỹ chưa bao giờ hết thu hút trong nhiều tác phẩm điện ảnh Hollywood suốt mấy mươi năm qua. Thế nhưng, nước Mỹ trong tưởng tượng của cộng đồng và nước Mỹ trong trải nghiệm thực tiễn của từng cá nhân có thể có độ lệch, những cập kênh mà ai đã từng sống, từng đi qua nước Mỹ mới cảm nhận một cách thấm thía.
Nhà văn Hữu Tài (phải) trong buổi giao lưu ra mắt cuốn sách Tám với chú Sam tại Đường sách TP Hồ Chí Minh sáng 10.7 |
hạ minh |
Di cư đến Mỹ từ năm 18 tuổi, Hữu Tài không chỉ đếm từng năm, mà đếm từng ngày sống trên đất nước này bởi những niềm vui nỗi buồn của kẻ không bao giờ quên mình là người xa quê, đi ngụ xứ người. Nhưng nhiều khi, chính Tài cũng giật mình khi thấy số năm sống trên đất Mỹ đang dài ra dần, vượt xa dần số năm tháng sống ở quê nhà. Và dù cho Tài là một người giữ rất chặt cái gốc Việt, ngấm rất sâu cái chất “nhà quê” xứ miền Trung trong mình, thì cũng không thể phủ nhận rằng, nước Mỹ cũng đã trở thành một phần trên da thịt anh, trong tâm hồn anh. Để rồi, anh cũng có những câu chuyện riêng rất Mỹ, những khóc cười riêng rất Hữu Tài suốt 21 năm qua.
Nối tiếp Nước Mỹ có gì vui, Nước Mỹ những ngày xê dịch, cuốn du ký Tám với chú Sam đưa độc giả dấn bước vào lòng nước Mỹ, khám phá nhiều khía cạnh ẩn sâu trong cuộc sống thường nhật mà du khách không thể nhìn thấy, cũng không thể hiểu được trong những chuyến du lịch ngắn ngày xuyên qua bờ Đông, bờ Tây.
- Giá bất động sản ở Mỹ kỳ lạ đến hoang đường, có biên độ từ một đô đến vài chục triệu đô, tại sao người ta không thực hiện được giấc mơ Mỹ bằng cách mua căn nhà vài đô để sở hữu tấm thẻ xanh huyền thoại?
- Vì sao những kẻ lừa đảo trên mạng được gọi bằng cái tên mỹ miều là Nigerian 419?
- Người Việt thường hình dung nền giáo dục Mỹ có tính khai phóng, vậy cơn cớ gì những quyển giáo trình (textbook) lại là nỗi ám ảnh kinh hoàng của sinh viên?
- Có người bảo ở Mỹ đi bệnh viện không tốn tiền. Người thì bảo lỡ nằm viện mà không có bảo hiểm chắc sạt nghiệp. Vậy chuyện ấy ra sao?
- Người châu Á sống trong lo sợ ra sao giữa đại dịch Covid-19 khi Trung Quốc bị Tổng thống Donald Trump cho là nơi xuất phát của coronavirus?
- Chúng ta thường trầm trồ hình ảnh những Việt kiều Mỹ trở về quê nhà với xấp đô la xanh căng túi, quần áo, giỏ xách, giày dép hàng hiệu, nhưng chúng ta biết gì về cuộc sống của họ ở bên kia bán cầu? Chúng ta biết gì về nỗi niềm “làm nail hay làm hãng”, về những ngày tháng cày bừa quần quật với bao toan tính tiền thuế, tiền bảo hiểm, tiền sinh hoạt luôn dí sát lưng? Nước Mỹ có chế độ an sinh xã hội tốt, nhưng mỗi người cần có những điều kiện gì để được nhận trợ cấp thất nghiệp để sống qua ngày đoạn tháng và thậm chí, để cầm cự, tránh cái cảnh “màn trời chiếu đất” của kiếp vô gia cư (homeless) luôn chực chờ?
- Và nỗi lo lớn nhất của những người ở Mỹ - nhất là người gốc Việt, gốc châu Á vốn quen cuộc sống gia đình, cộng đồng - là sẽ gửi gắm tuổi già của mình vào đâu, khi con cháu đã ảnh hưởng sâu đậm lối sống cá nhân đặc thù của văn hóa Mỹ? Viện dưỡng lão sáng choang cửa kiếng với vườn cây ngập nắng thường thấy trên ti vi có phải là thiên đường của những năm tháng cuối đời? Các con số chi phí kèm theo ký hiệu đồng đô la hay ký hiệu phần trăm thuế cùng với một loạt quy định về những chế độ dưỡng lão sẽ khiến bạn hình dung ra một tuổi già bận rộn tính toán tiền nong, chứ không chỉ an nhàn ngồi trên xe lăn với gương mặt thanh thản và được cô y tá tươi cười đẩy ra vườn hoa.
Đó là những câu chuyện thực về nước Mỹ. Một gương mặt nước Mỹ khác. Thô ráp. Sần sùi. Dữ dội. Chật vật. “Nước Mỹ bận rộn, nước Mỹ tôn sùng cá nhân, nước Mỹ cô đơn, nước Mỹ đầy rẫy người trốn trong nhà mỗi khi đi làm về, thui thủi đối diện bản thân với áp lực tiền bạc”.
Hữu Tài viết như thể đang đắp một tấm khăn sũng nước lạnh lên mặt chúng ta, lay ta thức dậy, kéo ta ra khỏi những mơ màng tưởng tượng toàn màu hồng về cường quốc giàu có bậc nhất thế giới này. Anh không muốn chúng ta ảo tưởng về nước Mỹ, nhưng anh cũng không muốn chúng ta có cái nhìn bi ai về nước Mỹ. Tài chỉ muốn mang lại một cái nhìn chân thật về hiện thực ở Mỹ, một hiện thực pha trộn đủ đầy hạnh phúc lẫn đau khổ, xa hoa lẫn đói nghèo, cơ hội lẫn thách thức, bao dung lẫn nghiệt ngã. Biết đâu, bức tranh đa màu sắc về nước Mỹ mà anh vẽ nên, sẽ giúp cho hành trang của ai đó chuẩn bị sang Mỹ du học hay định cư trở nên phong phú thêm.
Những kiến thức và kỹ năng xã hội từ các câu chuyện về một “nước Mỹ không như bạn nghĩ” của anh có thể khiến cho tâm lý chúng ta vững chãi, cân bằng hơn, vượt qua được những cú sốc khi chạm vào hiện thực. Mà hiện thực thì khác với giấc mơ.
“Giấc mơ Mỹ không phải là thứ từ trên trời rơi xuống. Và kiếm được đồng tiền trên đất nước Hoa Kỳ, không phải là chuyện dễ dàng. Cái gì, cũng có cái giá xứng đáng của nó!”.
21 năm - từ cái ngày ngơ ngáo ôm túi xách cùng cha sang Mỹ, rồi cái ngày lớ ngớ tham gia buổi phỏng vấn xin việc, đề xuất mức lương mà sếp còn thấy thương, tự nâng lên giùm, cho đến cái ngày chạm tuổi 40, lâu lâu loay hoay tự hỏi mình cứ mãi làm gì trên đất khách - biết bao ngọt bùi cay đắng của đời gã trai quê đầu cháy nắng Ninh Hòa đã tích tụ, để thốt ra một đúc kết tưởng chừng đơn giản như mấy câu trích kia, nhưng thấm thía biết bao vui buồn, tủi nhục của đời người.
3. Phượt và tám, với chú Sam
Mà thôi, cứ tạm gác lại toan lo, vì tuổi 40 của Tài cũng còn trẻ lắm, mà nước Mỹ thì đâu phải chỉ có cái cảnh hối hả làm lụng mưu sinh. 50 bang nước Mỹ mênh mông, mỗi bang lại có một màu sắc, một hình hài, một nét văn hóa và lịch sử riêng biệt, thú vị. Đi với Tài, chúng ta có chuyến du ngoạn độc nhất vô nhị, không tour du lịch nào có thể thay thế được vì sẽ được lân la tẩn mẩn đến từng địa điểm nổi tiếng, hấp dẫn của từng bang, được phượt tự do không bị bó buộc giờ giấc, không bị hướng dẫn viên hối thúc sau lưng và không phải tiếc nuối vì chẳng được ghé đến nơi mình muốn vì phải tuân theo lịch trình chung.
Độc giả giao lưu và chúc mừng tác phẩm thứ 12 - Tám với chú Sam của nhà văn Hữu Tài |
hạ minh |
Mục tiêu đặt chân đến 50 bang nước Mỹ của Hữu Tài sắp hoàn thành. Và những gì anh đã trải qua, đã nhìn ngắm, nghe ngóng, sờ chạm trong những chuyến đi dọc ngang thân mình nước Mỹ chắc chắn sẽ không thôi lôi cuốn độc giả. Bởi lẽ, cho đến giờ, số nhà văn kiêm phượt thủ mê đi, mê huyên thuyên kể chuyện đi và có khả năng lang thang khắp xứ cờ hoa như anh không nhiều.
Tài gọi những chuyến chu du của mình là những chuyến phượt và tám với chú Sam (Uncle Sam, có tên viết tắt trùng với tên nước Mỹ: US) - người đàn ông cung cấp thịt bò cho quân đội Mỹ những năm tháng chiến tranh đầu thế kỷ 19 đã trở thành một biểu tượng truyền thống cho tinh thần nhẫn nại, chịu thương chịu khó, trung thực và yêu nước của con người ở xứ sở hùng mạnh này. Chú Sam là biệt hiệu (nick name) của nước Mỹ, vừa thể hiện tinh thần hài hước, phóng khoáng, vừa để lại dấu ấn văn hóa, lịch sử ấn tượng. Đi qua 50 bang, nhà văn đã đồng hành cùng chú Sam, vừa đi vừa trò chuyện để hiểu rõ hơn hình hài, sắc vóc và tâm hồn của đất nước thuộc về những đoàn người di cư này.
Ở phần thứ hai của tập sách, nhà văn khoác vai chú Sam và những người bạn đồng hành rong ruổi qua vùng New England - xứ sở của những người Thanh giáo di cư và bang California, nơi quen thuộc, gần gũi nhất với người Việt Nam. Màu xanh biếc ngút ngàn vịnh Casco, thực đơn hơn trăm món ăn với tôm hùm của Maine (thủ phủ của tôm hùm), cây tùng ngàn tuổi Sequoia - một trong những loài cây cao nhất thế giới - đứng hùng vĩ, uy nghi, trầm mặc, khu rừng hóa đá Petrified Forrest, Antelope “đệ nhất hùng quan” với kiệt tác thiên nhiên lạ lùng và đầy sửng sốt được tạo nên sau hàng triệu năm “gió và nước mân mê cùng đá”, cây cầu Cổng vàng lừng danh và độc đạo Lombard uốn lượn khiêu vũ đổ thành con dốc hình sin kỳ diệu của thành phố núi đồi San Francisco… Muôn vàn điều lạ lẫm, hấp dẫn, gợi tò mò sẽ khiến độc giả thích thú, không ngừng theo chân nhà văn đi hết nơi này đến nơi khác, ngắm cảnh đẹp, nghe chuyện lạ, thưởng thức những món ngon, có cả đặc sản Ninh Hòa cho người nhớ quê và đặc sản xứ Mỹ cho người thèm của lạ.
Đặc biệt, xứ sở hồn ma New England với câu chuyện về cuộc hành quyết tập thể các phù thủy ở Salem vào cuối thế kỷ 17, với cuộc dạo chơi “thót tim” trong bảo tàng ma quỷ, những huyền thoại ma ám rợn người trên từng ngôi nhà, trước toà giáo đường, trong gian ngục giam… sẽ là dấu ấn khó quên khi độc giả níu áo Tài, cùng anh đi tour “oan hồn” ở Salem. Những cảm giác khi đọc Đồi gió hú, Frankensteins, khi xem Annabelle, Vùng đất câm lặng (The Silent Hill) cùng ập về. Và có thể, bạn đọc cùng toát mồ hôi hột, ngộp thở khi cùng Tài trải qua những cơn bóng đè thâu đêm giữa vùng đất của các linh hồn này.
Và để giảm cơn hồi hộp, hãy cùng Tài phiêu lưu trên hẻm núi đẹp nhất thế gian, nơi cát và nắng chảy như lụa là, đẹp đến mức nhà văn sẵn sàng đánh cược: “Tôi cá với bạn, một khi đã tới đây, thả lỏng tâm trí vào tận cõi hư vô, bạn sẽ thấy không nơi nào trên quả đất này lại có thể đẹp vĩ kì đến vậy. Tổng thống Theodore Roosevelt vào năm 1903 đến đây và nói ‘Grand Canyon làm tôi sợ hãi. Nó vượt xa so với mô tả, vượt ra ngoài thế giới rộng lớn. Hãy để kỳ quan thiên nhiên tuyệt vời này tồn tại như bây giờ. Không gì có thể làm cho nó vĩ đại, hùng vĩ và tuyệt mỹ hơn bạn. Bạn không thể thay đổi được nó. Nhưng những gì bạn có thể làm là giữ nó cho con bạn, con của con bạn, và tất cả những người đến sau bạn, như một cảnh tượng tuyệt vời mà mọi người Mỹ nên thấy”.
Rồi cũng có lúc, độc giả ngậm ngùi, thương cho những nỗi buồn lâu lâu rớt giữa cuộc chơi, khi Tài cùng những người đồng hương nhớ cái Tết đầu tiên trên xứ Mỹ, lụi cụi đặt mua một bịch hoa mai nhựa về treo trên cành cây khô để đỡ nhớ nhà. Rồi khi Tài mừng mừng tủi tủi, đứng tâm tình với người đàn ông bán cá gốc Vạn Giã giữa Dorchester, nghe xót xa xộc lên khi thấy những người đàn ông đàn bà Việt Nam vốn sống đời nhàn hạ, đánh đổi sang xứ người buôn gánh bán bưng để mong mỏi một cuộc đổi đời cho con cháu.
Tài như nam châm, đi đến hang cùng ngõ hẹp nào của nước Mỹ cũng hút được những nỗi niềm tha hương vào người, cũng hút được mùi mắm, mùi bún cá, mùi rau é xứ Ninh Hòa vào tận tâm can.
Mà chắc có lẽ, tôi phải viết lời giới thiệu dày bằng quyển sách của Tài, thì mới nói hết những cái hấp dẫn, mê mị tôi trong quyển sách này.
Thôi đành tiếc nuối đi đến những dòng cuối cùng, để tiết lộ nốt một điều thú vị nữa trong Tám với chú Sam. Dù đang kể những chuyện tê tái kiếp người, Tài lại lúng liếng hóm hỉnh với cái giọng tưng tửng, hài hước. Nếu Nước Mỹ có gì vui, Nước Mỹ những ngày xê dịch là một nước Mỹ mang giọng trầm buồn, nao nao của kẻ đa mang nỗi sầu ly hương thì nước Mỹ trong Tám với chú Sam lại hiện lên trong giọng điệu trào lộng, nhiều khi tinh nghịch của người đang rong chơi.
Tám với chú Sam là quyển sách thứ 12, và tôi nghĩ, cũng là đứa con tinh thần đặc biệt mà Hữu Tài khó có thể quên được. Bởi anh “thai nghén”, “mang nặng đẻ đau” đứa con này trong cơn vần vũ của cả nước Mỹ giữa đại dịch Covid-19, trải qua bao ngày tháng nặng nề, vật vờ trong lo âu và trì trệ.
Nghĩ đến đây, tự dưng thấy biết ơn những người cầm bút kể chuyện một cách thấm thía. Nhờ những trang sách của anh, tôi tự dựng đôi chân mình dậy, thoát ra khỏi cơn ủ ê của một kỳ phong toả dài thê lương, khoác vai chú Sam và đi phượt khắp cùng kỳ nước Mỹ.
Bình luận (0)