Tận dụng quỹ đất để thu hút đầu tư

20/11/2019 06:33 GMT+7

Vốn đầu tư cho các công trình giao thông nói chung và đối với TP.HCM nói riêng luôn là bài toán mà trong đó, chi phí cho công tác giải phóng mặt bằng “khó nhằn” nhất.

Thực tế rất nhiều công trình mở rộng cầu, đường trên địa bàn TP loay hoay không triển khai được, về đích chậm cũng là do thiếu vốn, thiếu mặt bằng.
TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Viện Nghiên cứu và phát triển GTVT Việt Đức, khẳng định TP muốn xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đáp ứng đủ nhu cầu phát triển phải cần rất nhiều tiền bởi không chỉ xây cầu, làm đường, TP phải song song phát triển giao thông công cộng thay thế dần phương tiện cá nhân.
Theo UBND TP, tổng nguồn lực tập trung thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2018 - 2020 là 96.159 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí thực hiện các dự án là 84.645 tỉ đồng; kinh phí đầu tư phương tiện phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng là 11.514 tỉ đồng.
Ông Tuấn nhận xét với nhu cầu về nguồn lực khổng lồ như vậy, việc huy động nguồn lực từ xã hội là điều bắt buộc. Đánh giá giao thông tại TP.HCM còn nhiều cơ hội thu hút đầu tư, ông Tuấn phân tích, TP sở hữu quỹ đất lớn, mở đường, xây cầu sẽ nâng giá trị đất khu vực xung quanh lên rất nhiều lần.
Cần nghiên cứu chính sách thu về giá trị đất đó để quay lại tái đầu tư cho mạng lưới đường sá. Đơn cử, TP.HCM muốn phát triển hệ thống metro thì phải thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận, đó là phải kết hợp phát triển đường sắt song song với phát triển đô thị. Tận dụng các nguồn kinh tế có sẵn như quỹ đất dọc tuyến để lấy chi phí xây dựng tiếp thành một mạng lưới metro rộng khắp.
Đây là mô hình mà các TP khác trên thế giới đã triển khai thành công. “Thời gian qua loạt dự án triển khai chậm, hoãn do TP vướng về trần pháp lý và chưa có cơ chế minh bạch trong quản lý phương thức BOT, BT khiến các nhà đầu tư “nản chí”. Khó khăn, vướng mắc TP đều đã thấy và có đủ thẩm quyền để giải quyết. Để ra được các chính sách đề đất đai, đòi hỏi phải có sự quyết liệt của lãnh đạo TP, cùng cái tâm trong sáng. Minh bạch và khuyến khích thì chắc chắn sẽ thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng giao thông”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Đồng tình, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng TP.HCM đang sở hữu nguồn đất rất lớn nhưng chưa tận dụng hiệu quả. Giao thông phát triển, thông thoáng thì giá trị các dự án xung quanh cũng tăng lên rất nhiều. Ở nước ngoài, mỗi khi mở đường, làm đường mới, chính quyền thường yêu cầu các hộ gia đình, nhà đầu tư tại khu đất hai bên đường phải đóng góp bằng chính sách thuế mới.
Người dân khi đó sẽ có 2 sự lựa chọn: một là bán đất, rời đi; hai là tiếp tục ở lại nhưng đóng thuế cao hơn, tương ứng với giá trị đất tăng lên sau khi có đường mới. Tiền này sẽ được xoay vòng trở lại đầu tư vào việc thi công, thực hiện dự án. “Làm như vậy sẽ vừa giải quyết được vấn đề giải phóng mặt bằng, vừa giúp xoay vòng vốn, vừa công bằng”, ông đánh giá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.