Bà Ngozi Okonjo-Iweala đã làm nên lịch sử khi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc WTO vào ngày 15.2, trở thành người phụ nữ đầu tiên và là người châu Phi đầu tiên giữ chức vụ này.
Việc đắc cử ghế lãnh đạo WTO được cho là sự công nhận về những thành tựu mà bà Okonjo-Iweala đã đạt được trong nhiều năm công tác trong chính quyền Nigeria lẫn các tổ chức quốc tế.
Bà Okonjo-Iweala (67 tuổi) sinh ra tại bang Delta ở miền tây Nigeria. Bà đến Mỹ vào năm 1973 và tốt nghiệp cử nhân kinh tế tại Đại học Harvard năm 1976. Năm 1981, bà nhận bằng tiến sĩ về kinh tế khu vực và phát triển tại Viện Công nghệ Massachusetts.
Theo AP, bà Okonjo-Iweala có 25 năm kinh nghiệm làm việc cho Ngân hàng Thế giới (WB) và là người chủ trương tăng trưởng kinh tế và phát triển cho các nước nghèo. Những nỗ lực đã giúp bà Okonjo-Iweala leo lên chức Giám đốc điều hành, vị trí quyền lực số 2 tại WB, phụ trách các khu vực châu Phi, châu Âu, Nam và Trung Á.
Năm 2012, bà tranh cử chức Chủ tịch WB với sự ủng hộ của châu Phi và các nước đang phát triển, nỗ lực phá vỡ sự thống trị của người Mỹ đối với vị trí này.
Dù nỗ lực này không thành công nhưng bà Okonjo-Iweala cũng được ca ngợi là “người mở đường” và được nhiều người ủng hộ. Bà quay về Nigeria vào năm 2003 làm Bộ trưởng Tài chính, trở thành người phụ nữ đầu tiên ngồi vào chiếc ghế này. Bà Okonjo-Iweala cũng có thời gian ngắn làm Ngoại trưởng vào năm 2006 trước khi tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Tài chính một lần nữa vào năm 2011-2015.
|
Gần đây, bà được bổ nhiệm làm đặc phái viên của Liên minh châu Phi để huy động sự hỗ trợ của quốc tế trong nỗ lực của châu lục nhằm giải quyết hệ quả kinh tế do đại dịch Covid-19.
Những người ủng hộ cho rằng nhờ kỹ năng đàm phán cứng rắn đã giúp Nigeria chốt thỏa thuận với các nước chủ nợ để xóa hàng tỉ USD nợ vào năm 2005.
“Bà ấy không chỉ được quý mến tại Nigeria. Bà ấy được yêu mến vì bà ấy là biểu tượng. Mọi người ủng hộ bà ấy vì những điều bà ấy đại diện cho phụ nữ”, bà Idayat Hassan thuộc Trung tâm vì dân chủ và phát triển cho khu vực châu Phi nói với AFP.
Gần đây, bà Okonjo-Iweala cảnh báo về sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc trong đại dịch Cvid-19 và nhấn mạnh rằng các rào cản thương mại nên bị hạ thấp để giúp thế giới phục hồi. Cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria tự mô tả là người tiên phong trong việc chống tham nhũng, nói rằng mẹ bà từng bị bắt cóc vì nỗ lực chống tham nhũng của bà.
Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng bà Okonjo-Iweala nên làm nhiều hơn để ngăn chặn tham nhũng khi còn đương nhiệm, thay vì im lặng và chỉ lên tiếng sau khi đã mãn nhiệm.
Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phản đối việc bổ nhiệm bà Okonjo-Iweala vì cho rằng bà thiếu kinh nghiệm về thương mại, đàm phán. Tuy nhiên, tân Tổng giám đốc WTO bác bỏ và khẳng định rằng đã làm việc về chính sách thương mại trong suốt sự nghiệp.
Về việc trở thành người phụ nữ đầu tiên và là người châu Phi đầu tiên làm Tổng giám đốc WTO, bà Okonjo-Iweala thừa nhận cảm thấy thêm áp lực nhưng khẳng định sẽ đem lại những thành quả để khiến châu Phi và phụ nữ tự hào.
Trên cương vị Tổng giám đốc WTO, bà Okonjo-Iweala được cho là sẽ đối diện với thách thức trong việc thúc đẩy đối thoại thương mại quốc tế trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung. Bên cạnh đó, tân Tổng giám đốc WTO còn phải chịu áp lực cải cách quy tắc thương mại quốc tế và đối phó với chủ nghĩa bảo hộ.
Cựu Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy nhận định bà Okonjo-Iweala có đủ tầm vóc, kinh nghiệm, mối quan hệ và sự nỗ lực để hoàn thành công việc. “Tôi nghĩ bà ấy là sự lựa chọn tốt. Chìa khóa cho thành công của bà ấy sẽ là năng lực vận hành giữa tam giác Mỹ-EU-Trung Quốc”, ông Lamy nói.
Bình luận (0)