Tăng vay tín chấp nông nghiệp, nông thôn lên 100 triệu đồng
26/12/2018 14:39 GMT+7
Trước tình trạng tín dụng đen gây nhiều bức xúc trong xã hội, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức hội nghị trực tuyến 63 tỉnh thành với sự có mặt của các cơ quan ban ngành tham gia ngày 26.12 bàn các giải pháp đẩy lùi tệ nạn này.
Tự động phát
Tín dụng đen tiến vào Nam và Tây Nguyên
Ngày 26.12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 116/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp của ngành ngân hàng góp phần hạn chế tín dụng đen.
Cơ quan thanh tra giám sát NHNN cho hay, thời gian qua ngân hàng đã phối hợp tham gia xử lý 218 vụ việc liên quan đến tín dụng đen tại 16 tỉnh, thành với tổng số tiền là khoảng 117 tỉ đồng. Trong đó, 72 vụ việc đã xử lý, khởi tố 14 vụ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ.
|
Theo đại diện Bộ Công an, đối tượng cho vay tín dụng đen có xu hướng chuyển từ các tỉnh thành phía bắc vào nam và khu vực Tây nguyên. Cơ quan này đang thống kê các hoạt động tín dụng đen ở các địa phương để từ đó có phương án xử lý. Đại diện NHNN chi nhánh Gia Lai thừa nhận, hoạt động tín dụng đen đang lộng hành, nhất là 4 tháng trở về đây do mưa nhiều nên các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp gặp khó khăn, nhất là hồ điều, người đi vay ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn hơn nên hoạt động tín dụng đen càng bành trướng.
Thế nhưng, dự nợ cho vay nông nghiệp nông thôn lại phản ánh con số ngược lại. Tính đến cuối tháng 11 dư nợ ước đạt khoảng 1,69 triệu tỉ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2017 (cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế) với hơn 14 triệu lượt khách hàng còn dư nợ; chiếm tỷ trọng gần 24% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Hiện có khoảng 70 tổ chức tín dụng (TCTD), hơn 1.100 Quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách Xã hội tham gia cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn.
|
Tuy nhiên , thời gian qua, tình hình tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh khu vực phía Nam và Tây nguyên, gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế - xã hội. Để hạn chế tín dụng đen, ngoài việc tham gia tích cực của các cơ quan ban ngành, ngành ngân hàng tham gia tích cực hơn trong việc hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn vay, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn, người nghèo…
Vay tín chấp tăng gấp đôi mức cũ.
Đó là điểm đột phá của Nghị định 116. Cụ thể, tăng mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo của khách hàng là cá nhân, hộ gia đình lên gấp 2 lần mức cho vay tối đa cũ (cụ thể, cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng).
Việc nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các khách hàng này góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng khách hàng thiếu vốn sản xuất kinh doanh và không có tài sản bảo đảm phải tìm đến các nguồn vốn khác như tín dụng đen.
Ngoài ra, Nghị định còn bổ sung quy định mở rộng đối tượng được vay không có tài sản bảo đảm đầu tư nông nghiệp công nghệ cao; tổ chức tín dụng được nhận tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp làm tài sản bảo đảm cho khoản vay của khách hàng nhằm tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho khách hàng.; bổ sung quy định về quản lý dòng tiền cho vay liên kết trong sản xuất nông nghiệp, góp phần hạn chế rủi ro tín dụng và tạo cơ sở pháp lý khuyến khích tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay…
Bình luận (0)