Tàu thăm dò Trung Quốc đã làm gì trên mặt trăng?

Nhật Uyên
Nhật Uyên
18/12/2020 22:30 GMT+7

Thiết bị chứa mẫu vật thuộc sứ mệnh Hằng Nga 5 của Trung Quốc đã đáp xuống khu Nội Mông hôm 17.12 sau khi trở về từ mặt trăng.

Thiết bị chứa mẫu vật thuộc sứ mệnh Hằng Nga 5 của Trung Quốc đã trở về từ mặt trăng và đáp xuống khu Nội Mông vào sáng 17.12, lần đầu tiên mang đất đá từ mặt trăng trở về trái đất kể từ sau thập niên 1970.
Khoang tàu đã đáp xuống khu vực Tứ Tử Vương ở Nội Mông vào sáng sớm, theo Cơ quan Không gian Quốc gia Trung Quốc.
Thành công của sứ mệnh này giúp Trung Quốc trở thành nước thứ 3 có thể đem mẫu đất đá về từ mặt trăng, sau Mỹ và Liên Xô. Tàu Hằng Nga 5 đặt mục tiêu thu thập 2 kg đất đá, và đã mang về được 1,8 kg.
Đây là một phần trong chương trình thám hiểm mặt trăng Hằng Nga của Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) nhằm mục đích tiếp tục phát triển năng lực công nghệ, đặt nền móng cho những cuộc đổ bộ của con người trong tương lai.

Khoang tàu chứa mẫu vật từ mặt trăng đã đáp xuống khu Nội Mông.

Reuters

Tàu thăm dò Hằng Nga 5 đã được phóng bằng tên lửa Trường Chinh 5 vào ngày 23.11 từ Trung tâm Phóng tàu vũ trụ Văn Xương tại tỉnh Hải Nam.
Với khối lượng 8,2 tấn, tàu Hằng Nga 5 có tổng cộng 4 mô đun, trong đó có 2 mô đun ở nguyên tại quỹ đạo mặt trăng.
Hai mô đun còn lại – một lấy mẫu vật và một chứa dụng cụ chuyên dụng để thu thập mẫu vật – đã đáp xuống mặt trăng vào hôm 1.12 gần một ngọn núi lớn nằm tại Oceanus Procellarum (tạm dịch: Đại dương Bão), một khu vực núi lửa rộng lớn đã được thám hiểm bởi một số sứ mệnh thám hiểm mặt trăng, trong đó có sứ mệnh Apollo 12.
Tàu Hằng Nga 5 là một trong bốn tàu không gian đang hoạt động của Trung Quốc trên bề mặt mặt trăng vào thời điểm hiện tại. Ba tàu còn lại là tàu đổ bộ Hằng Nga 3, tàu đã đáp thành công xuống mặt trăng vào năm 2013; tàu đổ bộ Hằng Nga 4 và xe tự hành Thỏ Ngọc 2 (Yutu 2) đã cùng hạ cánh ở phía xa của mặt trăng vào tháng 1 năm 2019.
Trong vòng vài giờ sau khi đổ bộ, tàu Hằng Nga 5 đã bắt đầu vận hành cánh tay robot để lấy mẫu vật từ bề mặt mặt trăng, bao gồm đào sâu xuống 2 mét bằng máy khoan.
Tàu Hằng Nga 5 sử dụng năng lượng mặt trời, vì thế nó phải hoàn thành tất cả các nhiệm vụ trong 2 tuần theo lịch trái đất, trước khi mặt trời lặn tại khu vực.

Tàu Hằng Nga 5 sử dụng năng lượng mặt trời.

CNSA/NASA

Một ngày trên mặt trăng tương đương với 29 ngày ở trái đất, vì vậy các bề mặt trên mặt trăng được nhận liên tục ánh sáng mặt trời trong hai tuần.
Trong thời gian trên mặt trăng, tàu Hằng Nga 5 đã cắm quốc kỳ của Trung Quốc có khối lượng là 12 gam – lá cờ vải đầu tiên của Trung Quốc được cắm trên bề mặt mặt trăng. Các sứ mệnh Hằng Nga trước đây đều vẽ quốc kỳ của nước này trên thành tàu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.