Tết cận kề ở phường có hơn 10.000 dân bám biển: Giữ biển và chuyện chẳng sợ gì nhưng vợ... nên sợ

22/12/2022 18:01 GMT+7

P.Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) là vùng đồng bằng ven biển cuối cùng của tỉnh Quảng Ngãi về phía đông nam, rộng khoảng 30 km 2 . Toàn phường có khoảng 24.000 dân, hơn một nửa trong số này lấy biển làm nguồn thu nhập chính.

Biển vẫn là một phần máu thịt của ngư dân

Chỉ vài ngày nữa là sang tháng chạp. Tết đã cận kề. Trong khu vực cảng, hàng trăm con tàu nhòa nhạt trong màn mưa bụi cuối năm. Nhiều ngư dân đang lui cui dọn dẹp, chằng buộc ngư cụ. “Tụi em sửa sang lại tàu thuyền cho gọn gàng. Mình ăn tết, tàu cũng ăn tết chứ”, một trai biển trẻ măng nói.

Ông Sáu trong một chuyến ra khơi

TRẦN CAO DUYÊN

Hỏi mười ngư dân, anh đi biển hồi nào thì hết chín anh trả lời “đi từ hồi chưa thấy cái giấy chứng minh nhân dân nó tròn méo ra sao”. Động cơ ra biển thì kể không hết nhưng chủ yếu là nối nghiệp cha.

Biển hào phóng là chuyện của những năm trước. Hồi đó, ở làng biển nhà cửa, xe cộ xênh xang. Chỉ đi bạn thôi, cuộc sống cũng ổn. Riêng chủ tàu thì giàu to. Mỗi phiên biển, tổng số tiền bán cá trừ chi phí còn lại chia “tứ lục”. Chủ tàu giữ 6 phần. 4 phần còn lại chia đều cho dàn bạn hơn 10 người.

Hiện nay, nghề cá bầm giập vì nhiều thứ, trong đó có giá xăng dầu sụt xuống, trồi lên. Mỗi phiên biển thường kéo dài khoảng một tháng. Phải dự trữ cả nghìn lít dầu, tu bổ ngư cụ, mua nhu yếu phẩm phục vụ cho trên 10 thuyền viên, tổng chi hơn 300 triệu đồng. Nhưng khi tàu vô bờ, bán cá xong chỉ được khoảng 170 - 180 triệu đồng.

Ngư dân kiểm tra ngư lưới cụ cho một phiên biển mới

TRẦN CAO DUYÊN

Kiểm tra thuyền thúng trước khi ra khơi

TRẦN CAO DUYÊN

Những ngày ở bờ, ông Sáu thường xuyên liên lạc với tài công để nắm bắt tình hình

TRẦN CAO DUYÊN

Ngư dân chuẩn bị cho một chuyến đánh bắt mới

TRẦN CAO DUYÊN

“Lỗ thê thảm! Dàn tàu đánh bắt xa bờ phải nằm bờ ba phiên biển rồi. Nhiều chủ tàu là con nợ. Hàng tuần, họ đều bị chủ cây xăng gọi điện “hỏi thăm”. Còn nhân viên ngân hàng thì tới tận nhà ngó quanh ngó quất...”, ông Võ Thuần, chủ tàu cá QNg 98919 TS, nói.

Nhưng rồi tàu cá vẫn nhấp nhô trên biển. Biển vẫn là một phần máu thịt của dân đánh cá. Dân biển vốn chai lì. Nếu làm ăn lụn bại, họ tỉnh queo: “Tàu đó! Lấy đi”.

Cảng cá Sa Huỳnh

TRẦN CAO DUYÊN

Thu nhập từ biển phập phù nên chủ tàu đỏ mắt đi tìm bạn. Bí quá phải lên tận Ba Tơ (miền tây Quảng Ngãi) tuyển thợ rừng xuống đi biển. Bạn đòi ứng tiền trước. Nhận tiền xong, có anh tậu xe máy rồi dông tuốt. Có anh ẩu xị, ứng tiền của cả 2 tàu. Giờ đi biển anh bị giành qua giựt lại tả tơi. Làng có câu vè: “Thân này ví xẻ làm đôi/ Nửa đi tàu nọ nửa ngồi tàu kia”.

Vừa mưu sinh, vừa giữ biển

Hai năm qua nghề biển phập phù. Tài nguyên biển không còn phong phú, đại dịch tấn công, xăng dầu những tháng trước tăng giá khiến đời sống chủ tàu và thuyền viên khá bấp bênh. Nhưng trong cuộc họp vạn chài cuối năm, những điều trên được điểm qua khá “nhẹ nhàng”, có vẻ như nhắc cho có. Cái chính là họ đang lên kế hoạch tổ chức xuất hành đầu năm thật khí thế.

Bộ đội biên phòng làm các khẩu hiệu để nhắc nhở ngư dân

TRẦN CAO DUYÊN

Lễ cầu mưa thuận gió hòa, làng biển an cư lạc nghiệp, dựng rạp hát sắc bùa, hát bả trạo, múa cầu ngư… là những nội dung được bàn luận sôi nổi. Văn hóa dân gian vùng biển với niềm tin “biển trời không lấy đi chén cơm của ai” vẫn in đậm trong đời sống tâm linh dân chài cho dù nhiều khó khăn vẫn đang lởn vởn trước mắt họ.

Giúp chồng vá lưới

TRẦN CAO DUYÊN

Ngư dân Võ Nguyên nói chắc nụi, thời gian qua làm ăn không ra bề thiệt. Nhưng làm sao bỏ nghề được? Tôi hỏi: “Cũng Hoàng Sa, Trường Sa?”. Nguyên cười: “Chớ đâu nữa! Biển của mình thì mình bủa lưới thôi. Tàu to ăn hiếp thì mình gọi tàu bạn tụ lại cho đông rồi điện cho cảnh sát biển tới hỗ trợ”.

Nguyên nói “nhà báo” muốn rõ hơn thì gặp ông Sáu. Ổng kia kìa. Ông Nguyễn Sáu là vạn trưởng, có hơn 50 năm đi biển, là một thuyền trưởng uy tín. Tàu của ông có công suất lớn, đến 900 CV. Ông Sáu xởi lởi, ông hay chia sẻ sự từng trải của nghề biển nên được nhiều ngư phủ coi là pho kinh nghiệm sống. Ông nói nghề biển ngày xưa nhỏ lẻ và ích kỷ. Hễ trúng luồng cá là im re, bí mật vùng nước bủa lưới, không cho thuyền khác biết. Chủ thợ luôn dặn bạn chài: “Muốn có ăn, đừng nói những gì cần phải làm thinh”.

Lễ xuất hành ở làng cá Sa Huỳnh, P.Phổ Thạnh

TRẦN CAO DUYÊN

Giờ khác rồi. Có lộc không hưởng một mình. Anh một miếng, tui một miếng. Như đất liền, những con tàu trên biển cũng là một cộng đồng gắn kết, không để đứt liên lạc với bờ, với tàu bạn. Tất cả cùng hợp lực, hỗ trợ nhau khi gặp tai ương.

Ông Sáu kể, xưa đi biển thì nhìn sao, nhìn trăng để định hướng. Nay sướng rồi, có la bàn, máy tầm ngư, định vị, giám sát hành trình. Tàu anh đi những đâu, Tổng đài Quảng Ngãi biết hết. Phát hiện tàu “đi lạc”, biên phòng tỉnh cảnh báo liền: “Tàu số hiệu QNg... đang đi vào vùng biển nước bạn. Quay lại ngay”.

Có tài công ham luồng cá, lập tức ông Sáu lập tức mở máy nhắc nhở. Có tàu trước khi “vượt tuyến” lấy giẻ bịt thiết bị giám sát. Đài bờ liền cảnh báo: “Tàu anh X. chú ý! Không được che ống kính. Làm ăn cho đàng hoàng”. Vợ ở nhà bật chức năng giám sát hành trình (cài trong điện thoại) cũng la lên: “Ông lộn biển rồi, bị bắt là... chết với tui. Có ít ăn ít. Oánh cá trộm là tù nghe chưa”. Chồng le lưỡi quay lui.

Từ chuyện đó, ông Sáu hóm hỉnh đúc kết: “Đời ngư phủ sóng gió không sợ nhưng vợ thì... nên sợ. Chồng là sấm, vợ là sét. Sấm đùng đùng chỉ làm người ta giựt mình. Còn sét đánh một phát là nghỉ thở”.

Với nghề biển, bến cảng là chỗ trọ. Biển mới là nhà. Không ngư phủ nào nhớ bao nhiêu hải trình, bao nhiêu cơn bão đã đi qua. Họ chỉ khắc ghi một điều: Ra khơi không chỉ là câu chuyện mưu sinh mà còn thể hiện lòng yêu biển và tinh thần giữ biển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.