Thách thức bao trùm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung

15/11/2021 06:57 GMT+7

Giữa hàng loạt bất đồng trong nhiều vấn đề, hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc được cho là khó có thỏa thuận đột phá, mà nguyên nhân phần nào còn do diễn biến chính trị nội bộ mỗi bên.

Dự kiến sáng mai (16.11, theo giờ VN), hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Thông tin trên được phát đi bởi website của Nhà Trắng. Theo đó, hội nghị sẽ thảo luận về việc kiểm soát có trách nhiệm đối với sự cạnh tranh giữa hai nước, cũng như cách thức để Washington và Bắc Kinh hợp tác ở những lợi ích song phương.

Hai nhà lãnh đạo Joe Biden và Tập Cận Bình trong một hội nghị vào năm 2012 tại Washington, Mỹ

Reuters

“Ăn miếng trả miếng” trước hội nghị

Hôm qua (14.11), trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ phát đi thông cáo liên quan nội dung cuộc đối thoại giữa Ngoại trưởng nước này Antony J.Blinken với ông Vương Nghị - người đồng cấp Trung Quốc, nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo 2 nước. Trong đó, ông Blinken nhấn mạnh mối quan tâm lâu dài của Washington đối với hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan và bày tỏ lo ngại về áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế liên tục của Bắc Kinh đối với Đài Loan.

Cũng ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Biden ngày 11.11 ký ban hành đạo luật Thiết bị an toàn nhằm ngăn Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) cấp giấy phép mới cho các thiết bị mạng của các công ty Trung Quốc như Huawei hay ZTE. Theo đó, FCC sẽ không xem xét hay phê duyệt thêm đơn xin cấp phép các thiết bị gây rủi ro đối với an ninh quốc gia. Những năm qua, Washington đã đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty công nghệ của Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực viễn thông và kết nối không dây. Và lĩnh vực này là một trong các bất đồng lớn giữa hai bên.

Trong khi đó, ngày 11.11, phát biểu trong một hội nghị kinh doanh trực tuyến, bên lề Hội nghị cấp cao APEC vừa diễn ra mới đây, ông Tập Cận Bình cảnh báo về nguy cơ các căng thẳng thời Chiến tranh lạnh trở lại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Phát biểu được đưa ra giữa lúc Washington và Bắc Kinh có nhiều căng thẳng xoay quanh vấn đề eo biển Đài Loan. Vì thế, phát biểu trên của ông Tập Cận Bình được cho là mang thông điệp gửi đến Washington.

Không chỉ vậy, quan hệ 2 nước gần đây còn gặp không ít sóng gió do bất đồng trong nhiều vấn đề như nguồn gốc lây lan dịch bệnh Covid-19, vấn đề Tân Cương, Hồng Kông, Biển Đông, biển Hoa Đông…

Hướng vào “khán giả” trong nước ?

Trả lời Thanh Niên ngày 14.11, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) nhận định: “Hội nghị thượng đỉnh ảo giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình ẩn chứa thách thức đối nội mà cả hai nhà lãnh đạo phải đối mặt”.

“Đối với Tổng thống Biden, bất kỳ khuynh hướng nào cho rằng ông “mềm” với Bắc Kinh sẽ bị đảng Cộng hòa đánh giá là ông không đủ sức giải quyết các thách thức từ phía Trung Quốc. Điều này sẽ tạo cơ hội để đảng Cộng hòa gây áp lực với ông trong cuộc bầu cử giữa kỳ, và xa hơn là cuộc bầu cử tổng thống lần tới vào năm 2024”, PGS Nagy phân tích và đánh giá thêm: “Bên cạnh đó, ông Biden đang ưu tiên thiết lập vị thế lãnh đạo mạnh mẽ giữa các đối tác liên minh của Mỹ và trong các diễn đàn đa phương như G-7, NATO, “bộ tứ an ninh” (gồm Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ) và Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Vì thế, biện pháp hợp lý cho Washington vẫn là xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ nhất với các đối tác để gây áp lực lên Trung Quốc. Cho nên, nếu chưa thiết lập đủ vị thế với các liên minh và đối tác truyền thống, ông Biden sẽ khó có được thành quả như ý khi tiến hành hội nghị thượng đỉnh song phương với ông Tập Cận Bình”.

Ở phía ngược lại, theo PGS Nagy, ông Tập Cận Bình và đảng Cộng sản Trung Quốc hiểu rằng hội nghị thượng đỉnh sắp tới với Mỹ có thể khiến nhà cầm quyền Bắc Kinh đối mặt với những bắt bẻ khó chịu từ phía đối phương về mọi vấn đề, từ nguồn gốc gây ra đại dịch Covid-19 đến vấn đề eo biển Đài Loan, tình hình ở Tân Cương cũng như Hồng Kông.

“Khi Đại hội đại biểu toàn quốc của đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 sắp diễn ra vào năm tới (2022), ông Tập Cận Bình không muốn để mất vị thế chính trị lẫn thể diện trước Mỹ”, PGS Nagy đánh giá và dự báo: “Từ các vấn đề trên, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung sắp tới sẽ là một cuộc gặp mà chủ yếu hướng đến dư luận nội bộ đất nước mỗi bên, chứ không hướng đến việc thiết lập nền tảng cho một mối quan hệ đối ngoại mang tính xây dựng giữa hai bên”.t

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.