Thâm nhập đường dây 'tín dụng đen' qua app: Tiềm ẩn rủi ro

06/06/2020 07:21 GMT+7

Qua điều tra, cơ quan công an xác định thực chất Công ty Cashwagon và Công ty TNHH Lendtech (công ty giải ngân tiền cho vay) dựng lên để 'hợp thức hóa', làm bình phong che đậy hoạt động tín dụng đen trên mạng.

Liên quan loạt bài điều tra Thâm nhập đường dây “tín dụng đen” qua app, trả lời Thanh Niên, thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an, cho biết tình trạng vay tiền qua app, ứng dụng trực tuyến đã và đang có nhiều dấu hiệu phức tạp.

Xuyên đêm kiểm tra công ty cho vay qua app của các “thánh chửi”

Chuyển hồ sơ vụ việc cho Công an TP.HCM

Ngày 5.6, Cơ quan CSĐT Công an Q.1 (TP.HCM) cho biết đã hoàn tất hồ sơ vụ việc ban đầu về Công ty TNHH Cashwagon, trụ sở đặt tại tòa nhà cho thuê số 17 - 19 Tôn Thất Tùng, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1 (gọi tắt Công ty Cashwagon - cho vay qua app) và bàn giao cho Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM, để tiếp tục điều tra, mở rộng vụ việc theo thẩm quyền. Sau khi Báo Thanh Niên đăng tải loạt bài nói trên, PC02 phối hợp với Công an Q.1 vào cuộc điều tra và nhận thấy công ty này có dấu hiệu cho vay nặng lãi, đe dọa đòi nợ khách nên tiến hành khám xét khẩn cấp.
Qua điều tra, cơ quan công an xác định thực chất Công ty Cashwagon và Công ty TNHH Lendtech (gọi tắt Công ty Lendtech - công ty giải ngân tiền cho vay) dựng lên để “hợp thức hóa”, làm bình phong che đậy hoạt động tín dụng đen trên mạng.
Tại trụ sở công an, ông C.M.Q (43 tuổi, ngụ Q.3, Giám đốc Công ty Lendtech) khai được một người đàn ông (chưa rõ danh tính) thuê đứng tên đại diện pháp luật cho Công ty Lendtech và làm ủy quyền cho bà N.T.T.H (43 tuổi, ngụ Q.7, Giám đốc Công ty Cashwagon) về việc giải quyết các vấn đề an ninh trật tự trong quá trình hoạt động kinh doanh của Công ty Lendtech. Ông Q. chỉ đứng tên giám đốc và không biết Công ty Lendtech liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi.
Cơ quan công an đã ra lệnh phong tỏa tài khoản và yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê giao dịch của 2 công ty trên để điều tra, làm rõ việc cho vay với lãi suất “cắt cổ”, đe dọa đòi nợ, khủng bố khách hàng.
Liên quan tội phạm “tín dụng đen” qua app, ngày 14.5, Phó chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu đã có văn bản giao Công an TP kiểm tra, xác minh và báo cáo trước ngày 31.5. Tuy nhiên, đến ngày 5.6, Công an TP vẫn chưa gửi báo cáo về Văn phòng UBND TP. Sau khi Báo Thanh Niên đăng loạt bài điều tra nói trên, Văn phòng UBND tiếp tục đề nghị Công an TP sớm báo cáo về thực trạng để có biện pháp đấu tranh triệt phá đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Những “thánh chửi” trong đường dây cho vay trăm tỉ qua app lãi suất “cắt cổ”

Giao các đơn vị công an xử lý

Theo thiếu tướng Trần Ngọc Hà, từ năm 2018, sau khi hàng loạt vụ mất an ninh trật tự xảy ra tại nhiều địa phương do liên quan đến tín dụng đen, Bộ Công an đã tham mưu Thủ tướng ban hành Chỉ thị 12 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen vào tháng 4.2019. Sau đó, tình trạng này đã giảm hẳn, nhưng lại nổi lên hình thức cho vay tiền qua app với nhiều phương thức như cho vay lãi suất thấp, lãi suất 0 đồng…
“Thực chất đây là hoạt động tín dụng đen sử dụng công nghệ cao, ẩn dưới dạng cho vay trực tuyến, với lãi suất rất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả người vay và người cho vay”, thiếu tướng Trần Ngọc Hà nói, đồng thời khẳng định Bộ Công an đã nhận diện đầy đủ về những phương thức thủ đoạn có dấu hiệu vi phạm pháp luật và đã giao các đơn vị thuộc Bộ, công an các địa phương đấu tranh, xử lý.
Trong đó, đối với hoạt động cho vay liên quan đến lĩnh vực tài chính, tiền tệ, trách nhiệm xử lý thuộc về lực lượng cảnh sát kinh tế, an ninh kinh tế. “Các đối tượng lợi dụng việc nợ nần để sử dụng vũ lực và các hình thức xâm phạm đến nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của người khác, lực lượng cảnh sát hình sự sẽ xử lý. Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động đấu tranh và sẵn sàng tiếp nhận thông tin để xử lý nghiêm và triệt để”, thiếu tướng Trần Ngọc Hà khẳng định.
Bên cạnh đó, Chánh văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô cho rằng thực tế nhu cầu vay tín dụng khá lớn nên là mảnh đất để tín dụng đen mới hoạt động mạnh. Ông Xô cho hay, theo báo cáo của C02, tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi hiện chiếm 22,6% các loại tội phạm, với các thủ đoạn đa dạng, ở hầu hết các địa phương, khu vực. Lực lượng công an phải đấu tranh làm mạnh, đặc biệt là lực lượng cảnh sát hình sự và cảnh sát chống tội phạm công nghệ cao.

Có thể khởi tố thêm tội cưỡng đoạt tài sản

Về hành vi buộc người thân con nợ trả tiền vay thay, luật sư Nguyễn Minh Cảnh (nguyên thẩm phán TAND TP.HCM) cho rằng trường hợp mức lãi suất mà bên cho vay áp dụng trên 20%/năm (theo quy định của điều 461 bộ luật Dân sự 2015) thì người cho vay đã phạm tội cho vay nặng lãi theo quy định của điều 201 bộ luật Hình sự 2015; còn hành vi của những người cho vay đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác đối với người vay tiền hoặc người thân họ nhằm chiếm đoạt tài sản đã phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản, được quy định tại điều 135 bộ luật Hình sự 2015.
Phan Thương

Các bộ phải phối hợp

Gần đây, nổi lên tình trạng tín dụng đen bất hợp pháp là cho vay qua ứng dụng (app) sử dụng mạng internet, đang để lại nhiều hệ quả phức tạp. Tôi cho rằng đây là hoạt động bất hợp pháp, cần có sự ngăn chặn quyết liệt, thậm chí xử lý trách nhiệm hình sự mạnh tay của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, các đối tượng này sử dụng các ứng dụng trên nền tảng internet, nên việc điều tra, phát hiện hết sức khó khăn. Vì vậy, các cơ quan có trách nhiệm và chuyên môn là Bộ TT-TT và Cơ quan An ninh mạng của Bộ Công an cần phải có sự phối hợp chặt chẽ ngăn ngừa, đấu tranh triệt phá.
ĐB Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội)
Lê Hiệp (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.