Thăng trầm 100 năm chữ quốc ngữ

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
22/12/2019 09:00 GMT+7

Hội thảo khoa học với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia về ngôn ngữ tên tuổi để cùng nhìn nhận quá trình thăng trầm 100 năm chữ quốc ngữ.

Sáng 21.12, Hội Ngôn ngữ học TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia về ngôn ngữ tên tuổi để cùng nhìn nhận quá trình 100 năm chữ quốc ngữ đi vào đời sống của người Việt với bao thăng trầm.

Ông tổ chữ quốc ngữ là ai?

“Sách quốc ngữ/Chữ nước ta/Con cái nhà/Đều phải học/Miệng thì đọc/Tai thì nghe/Chớ ngủ nhè/Chớ láu táu/Con lên sáu/Đang vỡ lòng/Học cho thông/Thầy khỏi mắng...”, nhà nghiên cứu Vu Gia mang đến hội thảo tiếng đọc bài ê a một thời của những lớp người tuổi 60 - 70 như ông. “Ai cũng xem đó là điều hiển nhiên, chẳng bận tâm. Nhưng với tôi, khi vào những cấp học cao hơn thì óc hiếu tri nổi dậy, tôi mới biết đó là mấy câu đầu của bài thơ Lên sáu mà Tản Đà sáng tác vào năm 1919. Cứ thầm nghĩ mấy cụ nhà Nho của ta giỏi thật, từ chữ vuông tượng hình khó hiểu chuyển cái rụp qua chữ Latin hóa tiếng Việt dễ học, dễ viết”, ông chia sẻ.
Ông Vu Gia nhấn mạnh: “Một trong những đóng góp to lớn của các thừa sai và dòng Tên ở Việt Nam là sáng tạo ra một hệ thống chữ viết dựa trên mẫu tự Latin mà ngày nay gọi là chữ quốc ngữ. Lối chữ viết này lúc đầu chỉ được dùng trong nội bộ Công giáo. Theo thời gian, người Việt qua cách viết này mà tiếp cận được các ngôn ngữ phương Tây, làm giàu có và phong phú nền văn hóa, văn chương nước nhà”.
Trước giả thuyết của một số tác giả cho rằng linh mục Francisco de Pina chính là người sáng tạo thực sự của chữ quốc ngữ qua những tài liệu mà Roland Jacques (Pháp) công bố, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang khẳng định: “Việc sáng tạo, hình thành chữ quốc ngữ là một quá trình, kết tụ công sức của nhiều người, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử. Ở giai đoạn phôi thai (1618 - 1622), có những linh mục tiên khởi như: Francesco Buzomi (Ý), Francisco de Pina (Bồ Đào Nha) và Christophoro Borri (Ý)”. Tuy nhiên, ông đặt nghi vấn: “Linh mục Pina đến Đàng Trong năm 1617, sống và truyền giáo ở Nước Mặn, Hội An và Dinh Chiêm, rồi qua đời ở cửa biển Đại Chiêm năm 1625. Các tu sĩ dòng Tên đến truyền giáo ở Đàng Trong năm 1615, Đàng Ngoài 1627. Vậy Pina chưa đến Đàng Ngoài thì liệu cho rằng Manuductio ad Linguam Tunckinensem (Bước đầu học tiếng Đàng Ngoài) được soạn lại từ bản ban đầu của Pina viết năm 1623 liệu có phù hợp?”.
Vậy ai được cho là ông tổ của chữ quốc ngữ? Ông Nguyễn Thanh Quang cho rằng: “Đầu thế kỷ 20, chữ quốc ngữ bắt đầu được sử dụng chính thức ở Việt Nam và người ta cố truy tìm lịch sử của nó. Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) từng sớm được công nhận là người khai sinh ra việc chuyển vần Latin vào tiếng Việt. Tuy nhiên, năm 1994 khi Roland Jacques công bố nghiên cứu Bồ Đào Nha và công trình sáng chế chữ quốc ngữ, thì “ông tổ” của chữ quốc ngữ bị xem xét lại. Các học giả nhìn nhận Đắc Lộ chỉ là người có công lớn tổng hợp và hệ thống hóa những kết quả sáng tạo của những thừa sai đi trước. Không có cơ sở để xác định ai là người đầu tiên duy nhất. Công lao của nhiều giáo sĩ khác: Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa và nhất là Alexandre de Rhodes thường được kể từ sau năm 1626”.

Những đóng góp của người Việt

Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng khẳng định những đóng góp to lớn của người bản xứ trong việc giúp giáo sĩ Alexandre de Rhodes xây dựng được bộ chữ Việt, đó là những cái tên: Trâm, Văn Triều, Sang, Văn Tang, Cai, Văn Nhất... mà Đắc Lộ từng nhắc đến trong hồi ký của mình.
Theo hai nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hiệp và Lê Nam: “Ngay từ lúc khởi thảo đến lúc định hình văn bản, chữ quốc ngữ đã có nhiều thay đổi và có thể khẳng định bộ từ điển Nam Việt - Dương Hiệp tự vị của J.L.Taberd (1838) trên cơ sở cuốn từ điển viết tay của Pigneau de Béhaine, đã đánh dấu sự định hình của chữ quốc ngữ. Nếu chữ quốc ngữ sớm khẳng định được vị trí ở Nam kỳ thì con đường thắng thế tại Bắc và Trung kỳ lại rất dài. Ngoài các dự án cải cách chữ quốc ngữ năm 1902 của người Pháp thì những năm sau đó, người Việt cũng có nhiều đề xuất cải cách. Nhà thơ Tản Đà từng tham gia cải cách chữ quốc ngữ. Trong tập sách dạy vần Lên sáu in năm 1919, thi sĩ nhận xét: “Chữ quốc ngữ của ta chưa chu toàn”, do đó ông đề nghị viết ong, ông, ung, ưng, oc, uc, ức bằng onh, ônh, unh, ôc, uch, ưnh...”.
Năm 1928, một lối chữ quốc ngữ mới được Nguyễn Văn Vĩnh đề xuất, hướng tới sự tiện lợi trong việc dùng các máy in lớn của Âu - Mỹ, vốn không có dấu phụ để ghi thanh điệu, dấu phụ cho một số nguyên âm và phụ âm như: ư, ơ, â, đ... Rồi qua năm 1932, Dương Tự Nguyên dựa trên những đề xuất của Nguyễn Văn Vĩnh, còn đề nghị thay tất cả những chữ nguyên âm có dấu phụ bằng các con chữ kép. Nhà nghiên cứu Vu Gia phát hiện thêm: “Việc mở trường học, mở những tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở Nam kỳ trở thành “mùa xuân của chữ quốc ngữ”, cùng với đó là một loạt sáng tác văn học, khảo cứu của học giả Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Trọng Quân, việc dịch thuật từ tiếng Pháp sang tiếng Việt trở nên cần thiết... đã làm cho chữ quốc ngữ trở nên hoàn thiện và phổ dụng”.
Trải qua 100 năm thăng trầm, GS-TS Đinh Văn Đức khẳng định: “Chính chữ quốc ngữ là động lực làm biến đổi ngữ pháp tiếng Việt vào cận cuối thế kỷ 19. Và sau những thăng trầm của lịch sử, chữ quốc ngữ đã trở thành một thành tố quý hóa của văn hóa Việt”.
“Mục đích ban đầu của việc dùng chữ Latin để ghi tiếng Việt đã tạo ra một công cụ thuận lợi cho công việc truyền bá đạo Thiên Chúa. Nhưng kết quả khách quan mà việc làm đó mang lại đã vượt xa mục đích sáng chế ban đầu: cho tiếng Việt một hệ thống chữ viết mới, tiện lợi và tiến bộ, trở thành chữ viết quốc gia ngày nay”.
NGƯT Trần Chút, Chủ tịch danh dự Hội Ngôn ngữ học TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.