Dịp này, Tân An cũng kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố, vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Phạm Văn Rạnh cho rằng, đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của TP.Tân An.
Năm 2007, thị xã Tân An được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III, đến năm 2009 được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh. Trải qua 12 năm xây dựng và phát triển, TP.Tân An đạt nhiều kết quả về phát triển kinh tế - xã hội, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II vào ngày 5.9 vừa qua.
Tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Tân An Trần Kim Lân cho biết công tác thu hút đầu tư vào Tân An được tập trung, đạt kết quả khá tốt. Thành phố có trên 8.500 doanh nghiệp, hộ kinh doanh thường xuyên hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng số vốn trên 1.000 tỉ đồng, trong đó có 30 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm qua từng năm, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của thành phố chỉ còn 0,9%.
Đặc biệt xây dựng quy hoạch phát triển đô thị
Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình ghi nhận những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân TP.Tân An. Phó thủ tướng Thường trực lưu ý trong thời gian tới, TP.Tân An khẩn trương rà soát, kịp thời cập nhật, bổ sung, điều chỉnh hoặc lập mới các quy hoạch, đặc biệt xây dựng quy hoạch phát triển đô thị…
TP.Tân An có 9 phường và 5 xã với tổng diện tích tự nhiên hơn 8.192 ha, dân số hơn 150.000 người. TP.Tân An là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật của tỉnh Long An. Thành phố vừa nằm trên tia phát triển của địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam, vừa là cửa ngõ kinh tế của các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, có trục giao thông chính thủy bộ chạy qua trung tâm là Quốc lộ 1, Quốc lộ 62 và sông Vàm cỏ Tây.
Với vị trí địa lý như trên tạo cho TP.Tân An có lợi thế so sánh tương đối về địa lý kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An nói chung và TP.Tân An nói riêng.
Bình luận (0)