Nước cờ mạo hiểm của Triều Tiên

Kể từ khi nắm quyền đến nay, nhà lãnh đạo Kim giờ đây có vẻ vừa có bước đi sai đầu tiên, hay nói chính xác hơn là động thái dẫn đến tương lai khó lường.

Trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng do CHDCND Triều Tiên được cho là nối lại các hoạt động của chương trình tên lửa đạn đạo, ông Harry J.Kazianis, (ảnh - Giám đốc chương trình nghiên cứu về Triều Tiên - Trung tâm lợi ích Mỹ, Tổng biên tập The National Interest) - chuyên gia phân tích tình hình Triều Tiên cho Đài Fox (Mỹ), có bài viết gửi đến Thanh Niên.
Nước cờ mạo hiểm của Triều Tiên1

Ảnh: NVCC

Lãnh đạo Kim là một nhà chiến lược sắc sảo về địa chính trị, đã đưa ra nhiều bước đi táo bạo và thông minh về mặt chiến thuật trong vài năm qua. Dù bị đặt trong tình thế khá khó khăn bởi vị trí địa lý nằm cạnh một Trung Quốc hùng mạnh, “ngay trước nhà” thì có Nhật cùng Hàn Quốc và lực lượng quân sự Mỹ trú đóng, nhưng ông Kim đã bắt đầu theo đuổi điều mà cha và ông nội mình đã làm được: tồn tại giữa bối cảnh các nước lân cận chỉ muốn thấy “Triều Tiên bị ném vào đống tro tàn của lịch sử”.

Thế khó

Kể từ khi nắm quyền đến nay, lãnh đạo Kim giờ đây có vẻ vừa có bước đi sai đầu tiên, hay nói chính xác hơn là động thái dẫn đến tương lai khó lường. Cụ thể, ông đưa ra thời hạn cuối năm nay để Tổng thống Mỹ Donald Trump phải có những đề xuất nhượng bộ then chốt. Đó có nghĩa là Washington phải hạ mức trừng phạt và có động thái đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng.
Yêu cầu trên được Triều Tiên đưa ra giữa lúc nội bộ chính trị Mỹ đang sóng gió. Hiện nay, Tổng thống Trump đang phải tập trung vượt qua phiên luận tội từ quốc hội Mỹ. Vì thế, vào thời điểm này, khó có chuyện chủ nhân Nhà Trắng đưa ra một nhượng bộ nào với Triều Tiên - vốn được xem là quốc gia thù địch của Mỹ. Nếu nhượng bộ, Tổng thống Trump sẽ chỉ chuốc thêm chỉ trích từ nội bộ chính trị Mỹ.
Khi Nhà Trắng không nhượng bộ, lãnh đạo Kim sẽ phải đưa ra các động thái mới, mà có thể là thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), như một “món quà Giáng sinh” gửi cho Tổng thống Trump. Trong tình huống như vậy, với bối cảnh hiện tại, Washington chắc chắn sẽ “ăn miếng trả miếng”. Như thế, nguy cơ căng thẳng từng xảy ra vào năm 2017 trở nên hiển hiện: các tuyên bố đầy giận dữ được đưa ra, những ngụ ý đe dọa về cuộc chiến tranh hạt nhân tiềm ẩn.

[VIDEO] Triều Tiên không muốn đàm phán về phi hạt nhân hóa với Mỹ

Trong khi đó, bối cảnh hiện nay lại thiếu những cầu nối như từng có của lần trước. Không có một Thế vận hội Mùa đông diễn ra vào năm 2018 tại Hàn Quốc để tuyển thủ 2 miền Triều Tiên bên nhau, làm dịu quan hệ trên bán đảo Triều Tiên. Còn Tổng thống Trump thì khó có thể tuyên bố đã chế ngự được sức mạnh quân sự của Triều Tiên, nên nếu căng thẳng trở lại, thì Nhà Trắng sẽ thể hiện rõ sự thù địch đối với Bình Nhưỡng bằng các biện pháp chứng minh sức mạnh quân sự.

Cơ hội hy vọng

Tuy nhiên, vẫn còn một hy vọng cho tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên. Thực tế thì trong mọi cuộc khủng hoảng đều có cơ hội để chuyển biến thành một bước ngoặt tích cực cho lịch sử.
Nếu Tổng thống Trump không có động thái nhượng bộ trong tháng 12 như lãnh đạo Kim đòi hỏi, Bình Nhưỡng vẫn tặng “món quà Giáng sinh” nhưng không phải là thử nghiệm ICBM hay thử vũ khí hạt nhân. Như thế, Triều Tiên sẽ không vi phạm cam kết với Mỹ, cá nhân ông Kim cũng không thất hứa với Tổng thống Trump. Cách phản ứng này có thể là một “thiện ý” để ông Trump đáp lại một cách tích cực, mở ra hy vọng mới cho quan hệ Mỹ - Triều.
Bên cạnh đó, ông Trump sẽ tìm cách đạt quan hệ tích cực với Triều Tiên nhằm ghi điểm cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Hai bên có thể thỏa thuận Triều Tiên đóng cửa các cơ sở tại Trung tâm hạt nhân Yongbyon, đổi lại Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận xuất khẩu than và dệt may cho Triều Tiên, đồng thời đảm bảo không tìm cách thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng. Và càng tuyệt vời hơn nếu hai bên trao đổi thiết lập văn phòng liên lạc với nhau, tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.
Bình Nhưỡng có thể thông báo chấm dứt đối thoại
Viện Chiến lược an ninh quốc gia Hàn Quốc (INSS) ngày 13.12 công bố báo cáo cho rằng Triều Tiên có thể thông báo chấm dứt cuộc đối thoại phi hạt nhân với Mỹ tại phiên họp toàn thể của Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên vào cuối tháng này, nếu như Mỹ không đưa ra đề xuất mới, theo Yonhap. INSS dự báo Triều Tiên cũng sẽ tính toán thời điểm để thực hiện những hành động gây hấn nhằm đổ lỗi cho Mỹ về thất bại trong cuộc đối thoại, tuy nhiên mức độ khiêu khích sẽ không quá mạnh nhằm tránh bị Mỹ tăng cường cấm vận. 
Bảo Vinh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.