Sau ngày chết chóc, Mỹ tăng biện pháp chống dịch Covid-19

Văn Khoa
Văn Khoa
05/04/2020 02:00 GMT+7

Chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ có tới gần 1.500 người chết vì Covid-19 ở Mỹ , buộc chính quyền Washington tiến hành thêm biện pháp chống dịch.

AFP hôm qua 4.4 dẫn dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins cho hay từ 20 giờ 30 phút ngày 2.4 đến 20 giờ 30 phút ngày 3.4 (theo giờ Mỹ) có thêm 1.480 người chết vì Covid-19. Con số này đánh dấu Mỹ lập “kỷ lục” mới trên toàn cầu là quốc gia có số người chết vì Covid-19 trong 24 giờ cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) hồi cuối tháng 12.2019.
Trước đó vào ngày 26.3, Mỹ đã vượt qua Trung Quốc và Ý, dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm Covid-19. Tính đến 11 giờ sáng 4.4 (giờ Mỹ), tổng số ca nhiễm ở Mỹ tăng lên hơn 279.000, trong đó có hơn 7.170 ca tử vong, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.

Đến lượt Pháp vượt Trung Quốc về số ca Covid-19 tử vong, New York có thêm “ngày chết chóc” mới

Chạy đua với thời gian

Cho đến nay, ca nhiễm Covid-19 đều được ghi nhận tại tất cả các tiểu bang, thủ đô Washington D.C và các vùng lãnh thổ khác của Mỹ. Trong đó, New York là bang bị ảnh hưởng nặng nhất, với hơn 113.700 ca nhiễm và hơn 3.565 ca tử vong.
“New York đang khủng hoảng, hãy cứu New York”, Thống đốc bang Andrew Cuomo kêu gọi tại cuộc họp báo hôm qua, theo Reuters. Ông Cuomo cảnh báo nhiều người sắp chết vì thiếu máy thở và giường bệnh.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa kêu gọi các nhà ngoại giao nước ngoài hiện đang ở ngoài Trung Quốc không trở lại nước này cho đến ngày 15.5, giữa lúc bệnh Covid-19 lây lan nhanh. “Các nhà ngoại giao được hưởng sự miễn trừ, nhưng vi rút không miễn nhiễm đối với họ”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nhấn mạnh hôm 3.4, theo tờ South China Morning Post (SCMP). Bà Hoa không nói ra quốc tịch của những nhà ngoại giao bị nhiễm Covid-19.
Minh Trung
Với tình trạng như trên, Thống đốc Cuomo tuyên bố sẽ ký sắc lệnh cho phép chính quyền bang trưng dụng các máy thở và thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) của những cơ sở không sử dụng và phân phối lại cho các khu bị ảnh hưởng nặng. Ông Cuomo còn kêu gọi triển khai các nguồn lực từ những nơi khác ở Mỹ đến New York để hỗ trợ chống dịch.
Sau đó, Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang (FEMA) cho hay đã dành 1,1 tỉ USD để hỗ trợ New York chống dịch. CNN dẫn thông cáo từ FEMA cho biết thêm những thiết bị và nhu yếu phẩm y khoa cung cấp cho New York gồm có 4.400 máy thở, 219.000 áo choàng phẫu thuật, hơn 1 triệu khẩu trang N95, 1,8 triệu khẩu trang phẫu thuật và một số đồ dùng khác.
Cùng ngày, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cho hay thành phố này, với hơn 56.200 ca nhiễm và trên 1.860 ca tử vong, “đang chạy đua với thời gian”, và ông tái kêu gọi chính quyền liên bang huy động quân đội đến hỗ trợ chống dịch Covid-19, theo Reuters.

[VIDEO] Số người chết vì Covid-19 tại New York ngang với vụ khủng bố 11.9

“Chúng ta chống chọi với một kẻ thù đang giết chết hàng ngàn người Mỹ. Mọi người không thể nói mỗi bang, mỗi thành phố tự lo. Đó không phải là nước Mỹ”, ông de Blasio nhấn mạnh.

Cấm xuất khẩu khẩu trang

Nhằm đáp ứng nhu cầu khẩu trang và PPE trong nước, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua ký sắc lệnh hướng dẫn chính quyền của ông dừng xuất khẩu khẩu trang N95 và PPE.
Trong thông cáo, Tổng thống Trump nhấn mạnh sắc lệnh mới theo đạo luật Sản xuất quốc phòng “là bước đi kế tiếp trong cuộc chiến chống nạn tích trữ, bán giá đắt và đầu cơ trục lợi bằng cách ngăn chặn tình trạng xuất khẩu gây hại về PPE vốn đang rất cần”, theo Reuters.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cảnh báo công dân về việc điều chỉnh chính sách của Úc 

Tin từ Bộ Ngoại giao VN tối 4.4 cho biết, ngày 3.4, nhiều báo Úc và quốc tế đưa tin Thủ tướng Scott Morrison khuyến cáo khách du lịch và sinh viên nước ngoài nên sớm rời Úc nếu không còn khả năng trang trải chi phí.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Đại sứ quán VN tại Úc đã chủ động trao đổi với các cơ quan chức năng sở tại để làm rõ nội dung phát biểu của Thủ tướng Scott Morrison. Theo đó, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính phủ Úc khuyến cáo khách du lịch nước ngoài về nước nếu không tự lo được vấn đề tài chính.
Đối với gần 600.000 du học sinh nước ngoài, chính phủ Úc khuyến khích trông cậy vào hỗ trợ của gia đình, việc làm bán thời gian (cho phép tối đa 40 giờ trong 2 tuần) và từ nguồn tiết kiệm cá nhân để trang trải chi phí. Những sinh viên đã ở Úc hơn 1 năm có thể xin rút tối đa 10.000 AUD từ quỹ hưu trí trong năm tài khóa hiện nay để phục vụ cuộc sống. Chính phủ Úc cũng sẽ tiếp tục làm việc với ngành giáo dục để thảo luận các biện pháp hỗ trợ khác cho sinh viên quốc tế.
Vũ Hân
Ngoài ra, phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng cùng ngày, Tổng thống Trump cho hay chính phủ Mỹ đang kêu gọi người dân đeo khẩu trang nhằm phòng ngừa Covid-19, nhưng ông sẽ không đeo khẩu trang. Khi được hỏi lý do tại sao, Tổng thống Trump tỏ dấu hiệu rằng đeo khẩu trang có thể gây cản trở trong việc tiếp tổng thống, thủ tướng, vua và hoàng hậu của các nước.

[VIDEO] Tổng thống Trump không đeo khẩu trang vì thấy bất tiện khi tiếp lãnh đạo nước ngoài

Cũng nhằm ngăn chặn Covid-19, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr hôm qua tuyên bố Cục Nhà tù liên bang (BOP) đang đối mặt tình trạng khẩn cấp do dịch gây ra, mở đường cho BOP phóng thích thêm tù nhân và đưa họ vào diện bị hạn chế đi ra khỏi nhà, theo Reuters.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.