Trung Quốc âm mưu kiểm soát đa tầng trên Biển Đông

14/09/2019 07:18 GMT+7

Bằng cách triển khai hệ thống thiết bị bay không người lái ở Biển Đông, Trung Quốc đang tiến hành bước tiếp theo để hình thành một mạng lưới kiểm soát đa tầng nhằm đạt được dã tâm thâu tóm vùng biển này.

Mới đây, tờ South China Morning Post dẫn thông báo từ Cục Nam Hải thuộc Bộ Tài nguyên Trung Quốc cho biết đã triển khai mạng lưới thiết bị bay không người lái (UAV) ở Biển Đông để theo dõi, giám sát những thực thể và vùng biển xa bờ.
Theo thông báo trên, mạng lưới giám sát UAV gồm các thiết bị được tích hợp camera độ phân giải cao, có phạm vi quan sát rộng, truyền hình ảnh theo thời gian thực để chuyển về các cơ sở mặt đất và cho chất lượng hình ảnh như thực. Các UAV thu thập hình ảnh hoặc quay phim trực tiếp và truyền về bộ phận thu phát tín hiệu trên mặt đất.
Từ đây, dữ liệu tiếp tục được đăng tải lên mạng lưới vệ tinh viễn thông, giúp kỹ thuật viên ngồi ở trung tâm điều khiển tại tỉnh Quảng Đông có thể theo dõi diễn biến trực tiếp từ những hòn đảo, vùng biển cách xa hàng ngàn ki lô mét. Theo tờ South China Morning Post, những phương tiện thu phát tín hiệu có thể di chuyển linh hoạt trên đảo hoặc cũng có thể được đặt trên tàu thuyền, do đó phạm vi hoạt động của mạng lưới giám sát này được cho là rất rộng.

Một mẫu UAV của Trung Quốc tích hợp camera độ phân giải cao truyền hình ảnh theo thời gian thực

Ảnh: Asiatimes

Chiêu trò tinh vi

Có thể kết luận, UAV giúp Bắc Kinh tổ chức thu thập thông tin, giám sát và do thám 24/7 Biển Đông trong mọi thời tiết

TS Koh Swee Lean Collin

Ngày 13.9, nhận xét với Thanh Niên về diễn biến trên, PGS Stephen Robert Nagy (thuộc Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) cho rằng: “Thực tế đang cho thấy Bắc Kinh ngày càng tinh vi bằng cách thực hiện những biện pháp kiểm soát thực tế mà không triển khai phương tiện quân sự. Ví dụ mới nhất của chiến lược này chính là việc triển khai mạng lưới UAV để giám sát hàng hải lẫn các thực thể tại Biển Đông”.
Cụ thể, mạng lưới UAV mà Bắc Kinh vừa tuyên bố triển khai được thực hiện bởi Cục Nam Hải thuộc Bộ Tài nguyên Trung Quốc, nhằm “núp bóng” dưới vỏ bọc dân sự - một chiêu trò mà Trung Quốc từng nhiều lần thực hiện. Điển hình như cuối năm 2016 thì Bắc Kinh mở đường bay dân sự đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp; hay tháng 7.2018, Cục Hải dương và Ngư nghiệp Hải Nam ngang nhiên kêu gọi “mọi tổ chức hay cá nhân” đăng ký tham gia “phát triển du lịch và xây dựng” những đảo không người ở tại các khu vực mà nước này chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông... Tất cả được giới chuyên gia quốc tế nhận định là chiêu trò núp bóng biện pháp “dân sự” để kiểm soát Biển Đông, dù thực tế còn là để phục vụ mục tiêu quân sự. Ví dụ, kêu gọi đầu tư xây dựng trên những thực thể không người ở ẩn chứa tiền đề phát triển hạ tầng quân sự.

Mở rộng kiểm soát thực tế

Lo cho ngư dân Việt Nam

Các UAV mà Trung Quốc triển khai ở Biển Đông là nhằm tăng cường khả năng giám sát vùng biển và các rạn san hô mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Tôi đặc biệt nghi ngờ khả năng Trung Quốc sẽ triển khai UAV tập trung khu vực quần đảo Hoàng Sa. Đây là một phần trong tham vọng của Bắc Kinh khi tìm cách thiết lập quyền kiểm soát lớn hơn đối với các hoạt động tại Biển Đông. Để thực hiện điều này, Trung Quốc lắp đặt các trạm giám sát, bao gồm cả nhiều trạm tự động, trên khắp khu vực. Kèm theo đó là các cơ sở thu thập thông tin, do thám, trao đổi tín hiệu thông qua vệ tinh, radar. Đây có thể là một kết hợp cùng với ý đồ tuyên bố Vùng nhận diện phòng không (ADIZ). Tuy nhiên, trước mắt thì tôi lo lắng cho ngư dân Việt Nam hơn là các rủi ro cho ngành hành không.
Ông Gregory B.Poling (Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ)
Với việc Bắc Kinh triển khai mạng lưới UAV ở Biển Đông, PGS Nagy đánh giá việc “núp bóng” dân sự giúp Trung Quốc chối bỏ rằng đó không phải là hành vi đối đầu quân sự. “Tuy nhiên thực tế thì dựa vào những hạ tầng và phương tiện này, Trung Quốc mở rộng kiểm soát Biển Đông”, ông Nagy nhận định và chỉ ra: “UAV có thể giúp Bắc Kinh mở rộng hoạt động sang nhiều khu vực ở Biển Đông để có được các thông tin về địa hình trong lòng biển, độ sâu, dòng chảy...”. Đây là những cơ sở quan trọng để Bắc Kinh triển khai các phương tiện, thiết bị dưới mặt nước để kiểm soát khu vực. Qua đó, Trung Quốc có thể nhận diện và cản trở phương tiện của các quốc gia khác hoạt động trong vùng biển. Đơn giản hơn thì đây là cách để Trung Quốc tìm cách kiểm soát tàu ngầm, tàu lặn và cả tàu nổi cũng như thiết bị không người lái của những nước khác triển khai trong khu vực. Mục tiêu ở đây còn có thể nhằm vào các hoạt động thực thi tự do hàng hải (FONOP) mà Mỹ hay Nhật Bản, Anh, Pháp, Úc... tiến hành gần đây.

Tìm cách kiểm soát 24/7

Ảnh hưởng lợi ích chung của cộng đồng quốc tế

Việc Trung Quốc triển khai mạng lưới UAV ở Biển Đông nằm trong chiến lược chung và tham vọng của Trung Quốc. Chính việc triển khai UAV cộng thêm việc Trung Quốc đã quân sự hóa các đảo, đá một cách trái phép ở 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam làm cho nguy cơ Trung Quốc kiểm soát toàn diện Biển Đông càng trở nên cao hơn.
Biển Đông là khu vực quan trọng không chỉ với các nước xung quanh mà với toàn thế giới. Chính vì vậy, trong luật pháp quốc tế đã quy định rất rõ về tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Nếu Trung Quốc dùng các công trình quân sự hóa, cùng mạng lưới UAV nhằm giám sát và kiểm soát toàn khu vực trên thực tế thì nó sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi ích chung của cả cộng đồng quốc tế, mà trước mắt là các quốc gia trong khu vực Biển Đông.
Từ nhiều năm nay các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo nhưng phản ứng của cộng đồng quốc tế với các nguy cơ từ hành động đơn phương của Trung Quốc là chưa đủ mạnh. Nếu có tiếng nói lớn hơn từ các nước và cộng đồng quốc tế thì có lẽ Trung Quốc sẽ phải dè chừng.
Nếu không, Trung Quốc sẽ xem đó là phép thử thành công và cứ thế lấn tới nhiều động thái ngang ngược hơn nhằm hiện thực hóa mưu đồ độc chiếm Biển Đông của mình.
Chuyên gia Hoàng Việt (Ban Nghiên cứu luật Biển và Hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam)
Minh Trí - Ngọc Mai (thực hiện)
Cùng ngày 13.9, trả lời Thanh Niên, TS Koh Swee Lean Collin (chuyên gia về quốc phòng tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) nhận xét: “Các UAV là một phần của mạng lưới tình báo thu thập thông tin, giám sát và do thám (ISR) của Trung Quốc trên Biển Đông. Mạng lưới ISR không chỉ dựa vào nền tảng của một vài loại cảm biến đơn thuần vốn có thể bị cản trở, ví dụ như vệ tinh bị mây che phủ. Vì thế, UAV giúp lấp đầy những khoảng trống nhất định. Hơn nữa, thực hiện các nghiệp vụ ISR bằng UAV thì chi phí rẻ hơn là triển khai máy bay có người lái. Nên với UAV, Bắc Kinh có thể tiến hành thu thập thông tin, giám sát và do thám ở quy mô lớn với chi phí thấp”.
Tuy nhiên, theo TS Collin thì: “Do hạn chế về trọng lượng và thời gian hoạt động, UAV vẫn bị những giới hạn về phạm vi cũng như số lượng cảm biến và thiết bị mang theo, nên chắc chắn Bắc Kinh vẫn phải triển khai thêm máy bay có người lái, thậm chí chiến đấu cơ hay máy bay trinh sát, để hoạt động bên cạnh UAV”.
Ông Collin cho rằng với các hạ tầng và phương tiện đã có trong suốt quá trình quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc vẫn đang theo đuổi, Bắc Kinh hiện đã có thể tuyên bố Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) tại đây.
Nhưng đó là ở tầm cao. Còn mạng lưới UAV vừa được thiết lập thì có thể ở tầng thấp hơn. Như vậy, Trung Quốc đang dần hình thành mạng lưới kiểm soát đa tầng.
TS Collin nhấn mạnh: “Có thể kết luận, UAV giúp Bắc Kinh tổ chức thu thập thông tin, giám sát và do thám 24/7 Biển Đông trong mọi thời tiết”.
Trước các hành động trên của Trung Quốc, PGS Nagy cho rằng cộng đồng quốc tế cần có trách nhiệm tăng cường các hoạt động hàng hải đa phương và thường xuyên hơn để gửi thông điệp: Việc Bắc Kinh sử dụng công nghệ núp dân sự hay phương tiện quân sự hòng độc chiếm Biển Đông đều không được thế giới chấp nhận.

Tàu khu trục Mỹ thách thức Trung Quốc

Trong một động thái thách thức chủ quyền vô lý mà Trung Quốc tự đặt ra tại Biển Đông, khu trục hạm USS Wayne E.Meyer của hải quân Mỹ ngày 13.9 đã di chuyển gần các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp.
“Tàu khu trục USS Wayne E.Meyer đã thách thức những hạn chế đối với di chuyển vô hại do Trung Quốc đặt ra và cũng phản đối yêu sách của Bắc Kinh đối với đường cơ sở bao quanh quần đảo Hoàng Sa”, theo Reuters dẫn lời trung tá Reann Mommsen, phát ngôn viên của Hạm đội 7 thuộc hải quân Mỹ. Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc hiện chưa bình luận về thông tin trên.
Tàu khu trục USS Wayne E. Meyer ngày 28.8 cũng đã áp sát đá Vành Khăn và Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo phi pháp. Trung tá Mommsen khi đó cũng tuyên bố rằng chiến hạm USS Wayne E.Meyer thực thi chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) tại Biển Đông.
Huỳnh Thiềm
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.