Mục tiêu của bóng đá Đồng Tháp: Làm lại từ đầu

21/02/2021 19:32 GMT+7

Người hâm mộ bóng đá Đồng Tháp rất cần sự đầu tư, chung tay hỗ trợ từ các ban ngành để vực dậy nền bóng đá có bề dày lịch sử của Việt Nam.

Vai trò của DFF với bóng đá Đồng Tháp

Liên đoàn bóng đá (LĐBĐ) Đồng Tháp với tên gọi quốc tế: Dong Thap Football Federation (DFF) được thành lập ngày 20.12.2012, là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, tập hợp những người, tổ chức xã hội yêu thích hoạt động bóng đá trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, nhằm mục đích rèn luyện sức khỏe thể lực cho quần chúng, góp phần thúc đẩy phát triển phong trào bóng đá của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và quốc gia nói chung.
Nhiệm kỳ 1 của LĐBĐ Đồng Tháp kéo dài từ năm 2012 đến 2017, trong dó ban Chấp hành có đến 33 thành viên. Riêng Ban Thường vụ có 8 thành viên. Ông Ngô Bé, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Tháp, đắc cử Chủ tịch LĐBĐ địa phương.
Hầu hết thành viên của LĐBĐ Đồng Tháp đều kiêm nhiệm nhưng trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Ngô Bé cùng cộng sự đã có nhiều cố gắng. DFF đã củng cố hệ thống thi đấu của tỉnh; phối hợp với VFF đăng cai vòng loại các giải trẻ như U.17, U.19 quốc gia; thực hiện chương trình “Giấc mơ sân cỏ” trong học sinh; tổ chức các lớp đào tạo trọng tài; làm tốt công tác xã hội hóa bóng đá, với nguồn kinh phí huy động hàng trăm triệu đồng mỗi năm; tổ chức nhiều chương trình bóng đá thiện nguyện; lập ra Chi hội Cựu cầu thủ bóng đá Đồng Tháp…

Bóng đá Đồng Tháp rất cần một chiến lược bài bản

DFC

VFF đánh giá cao nỗ lực, những thành tựu đạt được của DFF trong việc phát triển phong trào bóng đá tại địa phương. Đó là tiền về để DFF bước sang nhiệm kỳ 2 từ năm 2018 đến 2023 với nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện hiệu quả “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Ngoài ra, số lượng thành viên Ban chấp hành cũng được tinh gọn từ 33 xuống còn 17 thành viên.

2 nhiệm kỳ với nhiều biến cố

Làm tốt việc phát triển bóng đá phong trào đến tận cơ sở, nhưng LĐBĐ Đồng Tháp lại có vai trò khá mờ nhạt với bóng đá đỉnh cao tại địa phương, gắn với đội 1 Đồng Tháp và đội U.21 của tỉnh. Đội 1 Đồng Tháp thuộc quyền quản lý trực tiếp của Công ty cổ phần phát triển bóng đá Đồng Tháp (DFC). Còn lứa U.21 thuộc biên chế của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh, chịu sự quản lý về Nhà nước của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Đồng Tháp.
Là tổ chức xã hội nghề nghiệp, dĩ nhiên LĐBĐ Đồng Tháp không có quyền hành trực tiếp đến đội 1 Đồng Tháp cũng như lứa U.21. Tuy nhiên việc tham mưu, định hướng và phối hợp với các bên liên quan để thúc đẩy bóng đá đỉnh cao tại địa phương, LĐBĐ Đồng Tháp đã làm chưa được tốt. 
Trong 2 nhiệm kỳ của DFF, người hâm mộ xứ Tháp Mười chứng kiến đội 1 Đồng Tháp rớt xuống hạng nhì từ mùa 2021. Đặc biệt, vụ việc 11 cầu thủ đội U.21 Đồng Tháp dính đến tiêu cực tại vòng loại U.21 Quốc gia 2019, dẫn đến việc Huỳnh Văn Tiến bị treo giò 5 năm, số còn lại bị cấm thi đấu 6 tháng.

Bóng đá Đồng Tháp sẽ thay đổi

Là cơ quan quản lý ngành thể thao Đồng Tháp nói chung và bóng đá nói riêng, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Đồng Tháp (Sở VH-TT-DL) cũng có một phần lớn trách nhiệm trong sự xuống dốc của bóng đá địa phương.
Có thể thấy sự phối hợp giữa Sở VH-TT-DL Đồng Tháp với DFC và DFF không tốt, không đạt được sự thống nhất, ăn ý cần thiết. Việc phía Sở VHTTDL Đồng Tháp ký Công văn gửi UBND muốn DFC giao lại đội bóng cho mình quản lý sau khi xuống hạng Nhì 2021 đã phần nào cho thấy rõ điều đó.

CLB Đồng Tháp quyết tâm làm lại từ đầu

DFC

Sở VH-TT-DL Đồng Tháp cũng tự thấy những hạn chế trong công tác đào tạo trẻ, vốn thiếu tính ổn định, bền vững so với tiềm năng của địa phương. Thống kê cho thấy trong năm 2019, 2020 có 5 đội từ U.13 đến U.21 của tỉnh không đạt được bất cứ danh hiệu nào ở hệ thống giải quốc gia. Ngoài ra, đội Đồng Tháp cũng không có thành viên nào góp mặt ở đội U.23 hay tuyển Việt Nam (thủ môn Tấn Trường có lên tuyển, nhưng anh đang khoác áo đội Hà Nội).
Ông Nguyễn Bình Minh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Đồng Tháp, cam kết bắt đầu từ năm 2021 đơn vị sẽ có những thay đổi. Theo kế hoạch, Sở sẽ xúc tiến việc thành lập Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của tỉnh để hướng đến việc bồi dưỡng chuyên sâu các lứa cầu thủ, có tính kế thừa tốt với cơ chế riêng và có sự phối hợp tốt ăn ý với Sở Giáo dục và Đào tạo để phát triển bóng đá trong học đường cũng như với DFF để có thêm nhiều câu lạc bộ bóng đá phong trào, sân 5, sân 7… Hy vọng sẽ có thêm sự kết nối phối hợp giữa Sở và DFC.
Bình Định – Địa phương từng có thời gian rất thăng trầm với bóng đá, thậm chí đội bóng của họ đã rớt xuống hạng 3. Tuy nhiên trong 2 năm gần đây, với sự trợ giúp của một Mạnh Thường Quân lớn, họ đã trở lại V-League với kinh phí hoạt động 300 tỉ đồng từ năm 2021 đến 2023. UBDN tỉnh Bình Định thông qua Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Bình Định đã tạo mọi điều kiện, đặc biệt về cơ chế để giúp đỡ đội bóng. Điều đó được thể hiện rõ khi tỉnh rót ngân sách 15 tỉ đồng để cải tạo toàn diện sân Quy Nhơn, từ mặt cỏ đến dàn đèn… Sự chung sức, đồng lòng đó là niềm mơ ước của bóng đá Đồng Tháp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.