Những phẩn thức ăn được các bạn trẻ chuẩn bị chu đáo để phát cho bà con khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 |
Duy Tân |
Xác minh và trao tận tay
Trương Thị Tâm Hậu (28 tuổi, ở TP.Quảng Ngãi, Quảng Ngãi) đã gắn bó với công việc từ thiện suốt gần 4 năm qua. Mỗi năm, Hậu cùng những người bạn trao hàng ngàn phần quà đến những mảnh đời khó khăn trên khắp các huyện ở Quảng Ngãi.
Theo Hậu, mỗi khi nhận được những tin nhắn cần được giúp đỡ, không vội vàng chuyển tiền chuyển quà theo những thông tin một chiều. "Dù có xa đi chăng nữa, thì mình cũng phải đi xác minh xem có đúng như thông tin nhận được hay không. Khi thấy hoàn toàn đúng, mình sẽ kêu gọi, vận động mọi người ủng hộ và tiến hành hỗ trợ, đến tận nơi trao quà cho người cần được giúp đỡ", Hậu nói.
Hậu lý giải, sở dĩ chịu "mắc công" như vậy để tránh trường hợp nhiều kẻ xấu mạo danh thông tin, lập những tài khoản mạng xã hội giả mạo để trục lợi. Chưa kể, khi "gieo duyên", cầm tiền của nhà hảo tâm đi giúp người khác, cần phải trao đến đúng người.
Rau xanh của nhóm tình nguyện "Chủ nhật yêu thương" dành tặng miễn phí cho bà con trong đợt dịch Covid-19 |
Nguyễn Anh |
Ngoài ra, Hậu cho biết, sau mỗi lần nhận được sự đồng hành của những tấm lòng vàng, và sau những chuyến từ thiện, đều phải công bố ngân sách thu chi rõ ràng, để không "mang tiếng" là sử dụng sai mục đích.
Cách của Hậu cũng là cách mà nhiều người trẻ hiện nay cũng áp dụng khi làm từ thiện. Đó là đến tận nơi để kiểm chứng thông tin, sau đó trao tặng quà, tiền đến tận nay những mảnh đời khó khăn, khốn khổ.
"Nhiều trường hợp lấy thông tin của các hoàn cảnh neo đơn, rồi đăng lên mạng, nhưng để số tài khoản, số điện thoại của họ để lừa những nhà hảo tâm. Vì thế, việc xác minh là cần thiết", Huỳnh Phan Vũ (31 tuổi, ở đường Hoàng Xuân Hoành, Q.Tân Phú, TP.HCM) nói. Bản thân Vũ cũng thường xuyên thực hiện những chuyến từ thiện đến với những hoàn cảnh cơ nhỡ ở các tỉnh Tây Ninh, Long An...
Kêu gọi ủng hộ và...
Có thể thấy, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung vừa qua, rất nhiều người đã chung tay san sẻ thiếu thốn với người kém may mắn hơn. Tương tự, trong những đợt bão lũ hoành hành ở miền Trung, những lời kêu gọi ủng hộ để lập quỹ làm từ thiện giúp đỡ người dân lại xuất hiện nhiều trên mạng xã hội.
Nhóm thiện nguyện đứng ven quốc lộ hỗ trợ thức ăn miễn phí cho người dân về quê tránh dịch Covid-19 |
Duy Tân |
Chia sẻ về câu chuyện này, Võ Trung Dũng (27 tuổi, nhân viên công ty TNHH Nguyễn Trường Nguyễn, Q.Tân Phú, TP.HCM), cho biết: "Có thể vì những hoàn cảnh khác nhau, những lý do khách quan, mà mỗi người không thể tự mình thực hiện những chuyến đi từ thiện được. Chính vì thế, có thể tận dụng sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, hoặc các mối quan hệ để vận động mọi người chung tay gom góp. Sau đó có thể chuyển về Ủy ban mặt trận tổ quốc ở địa phương cần giúp đỡ. Mình nghĩ đó là một phương thức giúp đỡ hợp lý".
Cũng theo ý kiến của những người trẻ. Khi làm từ thiện, bắt buộc mỗi cá nhân phải có tâm trong sáng, không vụ lợi. "Có như vậy sẽ tránh được những phiền toái đáng tiếc, hay những chỉ trích của người khác", Lê Tuấn Anh, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nói.
Với Vũ Thị Thu Sương (29 tuổi, ở hẻm 109 đường Lê Thiệt, Q.Bình Tân, TP.HCM), thì bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi làm từ thiện phải cần có kế hoạch bài bản, rõ ràng, chi tiết. Chứ không thể làm "tùy hứng", dễ ảnh hưởng đến uy tín.
Cũng theo Sương, trong quá trình thực hiện việc làm từ thiện, nên liên lạc với cán bộ địa phương nơi cần đến. "Như trong trường hợp mưa bão hay trong mùa dịch Covid-19, cán bộ địa phương am hiểu địa bàn sẽ giúp nhiều điều thiết thực trong việc di chuyển, đi lại, chỉ ra những người khó khăn thật sự...", Sương nói.
Mỗi người đều có những ý kiến để đóng góp cho việc làm từ thiện trở nên hiệu quả. Còn theo bạn, nên làm từ thiện như thế nào? Vui lòng để lại ý kiến dưới bài viết.
Bình luận (0)