Tối đa một phần ba số trại giam thực hiện thí điểm
Sáng 16.6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Bộ Công an được thí điểm đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam trong 5 năm |
ngọc thắng |
Theo đó, việc thí điểm sẽ được thực hiện từ 1.9.2022 trong 5 năm với các phạm nhân thuộc trại giam của Bộ Công an.
Các trại giam sẽ được hợp tác với các tổ chức trong nước để để tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Kế hoạch hợp tác sẽ do Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an phê duyệt.
Nghị quyết cũng nêu rõ số lượng trại giam được áp dụng thí điểm theo Nghị quyết này không quá 1/3 tổng số trại giam thuộc Bộ Công an. Danh sách trại giam được áp dụng thí điểm do Bộ Công an quyết định căn cứ vào nguyên tắc, tiêu chí do Chính phủ quy định.
Giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, một số ý kiến đề nghị không giới hạn số trại giam được thí điểm, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc thí điểm tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam có liên quan chặt chẽ đến các điều kiện của trại giam và khả năng hợp tác với doanh nghiệp, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự cũng như các yếu tố khác có liên quan, nên cần giới hạn số lượng trại giam được thí điểm.
Do đó, sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho thí điểm không quá 1/3 tổng số trại giam của Bộ Công an.
Không trả lương theo luật Lao động
Về nguyên tắc thực hiện thí điểm, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua nêu rõ, khi đưa lao động ra lao động, dạy nghề ngoài trại giam phải bảo đảm an ninh, an toàn; phục vụ hiệu quả công tác giáo dục cải tạo, tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân.
Bên cạnh đó, phạm nhân tham gia hoạt động lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam phải trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, được trả một phần công lao động và thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của luật Thi hành án hình sự.
Thu nhập của tổ chức hợp tác với trại giam từ kết quả lao động, hướng nghiệp, học nghề của phạm nhân ngoài trại giam trong thời gian thí điểm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ngành nghề tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là ngành, nghề sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước.
Đối với ý kiến một số đại biểu đề nghị trả công cho phạm nhân lao động ngoài trại giam theo luật lao động, bà Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chế độ lao động của phạm nhân theo quy định của luật Thi hành án hình sự không thuộc phạm vi điều chỉnh của bộ luật Lao động.
Đồng thời, lao động của phạm nhân trong hay ngoài trại giam đều không hội tụ đủ các yếu tố như lao động ngoài xã hội về tính chất lao động cũng như giá trị sản phẩm…. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định trả công lao động cho phạm nhân lao động ngoài trại giam theo pháp luật lao động là không có cơ sở.
Đối với các phạm nhân không thuộc diện được ra ngoài lao động, học nghề, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua quy định 11 đối tượng, trong đó gồm: phạm nhân phạm một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; đã bị kết án từ 2 lần trở lên; tái phạm nguy hiểm; người tổ chức trong vụ án đồng phạm về tội đặc biệt nghiêm trọng; có thời gian chấp hành án phạt tù còn lại trên 7 năm; là người nước ngoài; đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A;…
11 đối tượng không được lao động, học nghề ngoài trại giam
a) Phạm nhân phạm một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;
b) Phạm nhân đã bị kết án từ 02 lần trở lên;
c) Phạm nhân tái phạm nguy hiểm;
d) Phạm nhân là người tổ chức trong vụ án đồng phạmvề tội đặc biệt nghiêm trọng;
đ) Phạm nhân có thời gian chấp hành án phạt tù còn lại trên 07 năm;
e) Phạm nhân là người nước ngoài;
g) Phạm nhân đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm;
h) Phạm nhân dưới 18 tuổi;
i) Phạm nhân từ đủ 60 tuổi trở lên;
k) Phạm nhân đang xếp loại chấp hành án phạt tù loại “Kém”;
l) Phạm nhân đã có hành vi trốn khỏi cơ sở giam giữ hoặc trốn khỏi cơ sở giáo dục bắt buộc;
m) Phạm nhân thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 32 của Luật Thi hành án hình sự.
Bình luận (0)