Thiết thực, hiệu quả và tính hành động cao

02/02/2022 06:00 GMT+7

.

Nhận nhiệm vụ đúng thời điểm nền kinh tế hứng chịu sự bùng phát lần thứ 4 của đại dịch Covid-19 lây lan trên diện rộng khiến TP.HCM - đầu tàu kinh tế của cả nước và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam cũng như nhiều tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Cũng lần đầu tiên trong lịch sử, GDP quý 3 tăng trưởng âm. Thế nhưng phong cách điều hành, chỉ đạo thiết thực, hiệu quả và tính hành động cao, Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa nền kinh tế năm 2021 về đích với nhiều chỉ số kinh tế ấn tượng. Dấu ấn của người đứng đầu Chính phủ được thể hiện rõ nét trên cả mặt trận phòng chống dịch bệnh và kinh tế.

1. Linh hoạt chống dịch và phát triển kinh tế

Thời điểm đợt dịch thứ 4 bùng phát với sự xuất hiện của biến chủng Delta hết sức nguy hiểm, Chính phủ đã thay đổi một quan điểm cơ bản từ việc chống dịch có hiệu quả nhưng bị động sang tấn công chủ động thông qua đột phá về vắc xin, từ tiêm vắc xin cũng như giải pháp lâu dài là sản xuất vắc xin. Tính tới ngày 14.12.2021, Việt Nam đã tiêm vắc xin Covid-19 cho 77,7% dân số, trong đó gần 61% dân số tiêm đủ liều, là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vắc xin tiêm chủng nhiều nhất và là một trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới tính theo số liều tiêm theo ngày và theo tuần. Việt Nam cũng đang tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc xin trong nước với 2 vắc xin đang thử nghiệm giai đoạn 3; Có 1 vắc xin đang thử nghiệm giai đoạn 2 cùng với các thỏa thuận chuyển giao công nghệ với các quốc gia trên thế giới để từng bước chủ động vắc xin trong nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên tại khu công nghiệp Yên Bình Thái Nguyên

Khi dịch tấn công các khu công nghiệp, nơi tập trung hàng triệu công nhân, những người giữ huyết mạch của hệ thống sản xuất và sau đó là lây lan ra khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Với quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước trong hơn 2 năm chống dịch là đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, Chính phủ đã thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng để chống dịch.

Ngay khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, ngày 11.10.2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Nghị quyết đã tạo ra bước ngoặt về tư duy, cách thức mới trong phòng, chống dịch; phá vỡ tình trạng “đóng băng” trong sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động kinh tế - xã hội ở một số nơi trong thời gian trước đó, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới. Sự chuyển biến linh hoạt, kịp thời trong chỉ đạo điều hành chống dịch của Chính phủ đã giúp nền kinh tế năm 2021 về đích với nền tảng vĩ mô ổn định, hầu hết các chỉ tiêu quan trọng đều đạt hoặc vượt, tạo đà phục hồi tăng trưởng trong năm 2022.

2. Khôi phục niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát dữ dội đã “chặt đứt” chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Thế nhưng khép lại năm 2021, dù tăng trưởng GDP chỉ đạt 2,58% nhưng theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước thì “khó khăn nhất là khó khăn đã qua”. Đặc biệt, một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng vẫn giữ được phong độ. Đơn cử kim ngạch xuất khẩu đạt 317,45 tỉ USD, “xô đổ” kỷ lục 282,65 tỉ USD của cả năm 2020 và đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới. 3 ngày trước khi năm cũ khép lại, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng đón nhận tin vui với 31 tỉ USD, tăng gần 10% so với năm trước. Điều đó cho thấy những cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, những chính sách “dọn ổ” đón đại bàng từ cuộc luân chuyển dòng vốn trên thế giới trong đại dịch của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Trước đó, trong thời gian dịch bệnh căng thẳng, nhiều tỉnh thành trên cả nước phải áp dụng giãn cách xã hội, đã có không ít sự “nao núng” trong các doanh nghiệp ngoại. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có nhiều buổi trực tiếp gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, khẳng định sự đồng hành của Chính phủ trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong một tuần công du dự COP26 (Anh) và thăm chính thức Pháp (ngày 31.10 - 5.11.2021), Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã dành thời gian chủ trì các cuộc đối thoại, diễn đàn doanh nghiệp để giới thiệu với thế giới một hình ảnh mới của Việt Nam sau đại dịch. Thủ tướng khẳng định Việt Nam có môi trường chính trị ổn định, là một trong những nền kinh tế cởi mở, hội nhập quốc tế sâu rộng nhất trên thế giới, có chính sách nhất quán đối với các nhà đầu tư, có lợi thế về thị trường lao động, điều kiện tự nhiên, xã hội... Khát vọng về một môi trường đầu tư minh bạch, luôn đồng hành và chia sẻ với nhà đầu tư trong khó khăn của người đứng đầu Chính phủ đã mang lại thành quả to lớn với khoảng 60 thỏa thuận được ký kết, trị giá hơn 30 tỉ USD trên nhiều lĩnh vực...

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng các nữ doanh nhân

nhật bắc

3. Cuộc “cách mạng đầu tư công”

Cuối tháng 5.2021 Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo cắt giảm gần 1.500 dự án đầu tư công kém hiệu quả để dành vốn cho các dự án cấp thiết. Để thực hiện việc này, Thủ tướng đã trực tiếp trao đổi với lãnh đạo nhiều địa phương. Một trong những câu chuyện được kể lại rằng khi lãnh đạo một tỉnh miền núi phía bắc đề xuất ý tưởng đào hầm qua núi để rút ngắn thời gian di chuyển lên trung tâm tỉnh, Thủ tướng hỏi lại thì được biết chỉ rút ngắn được 10 phút nhưng kinh phí đầu tư dự kiến 2.500 tỉ đồng. Trong khi một huyện khác của tỉnh chỉ cần đầu tư vài trăm tỉ đồng mở rộng đường kết nối là có thể khai phá du lịch, phát triển cả huyện. “Rút ngắn 10 phút đi đường bộ cũng cần nhưng phải cân nhắc dự án nào hiệu quả nhất trong bối cảnh nguồn lực có hạn. Tổng mức vốn được phân bổ không thay đổi nhưng phải thay đổi tư duy về trọng tâm, trọng điểm”.

Việc cắt giảm hàng ngàn dự án đầu tư công được gọi là “cuộc cách mạng” bởi việc này đã được đặt ra rất nhiều lần, với quyết tâm rất cao nhưng hầu như không làm được vì cắt bỏ, dù là những dự án không hiệu quả, cũng động vào lợi ích. Thế nên tuyên bố và thực hiện cắt bỏ hàng ngàn dự án đầu tư công manh mún, dàn trải, kém hiệu quả cho thấy “cương lĩnh hành động” của Chính phủ. Quan trọng hơn, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách có hạn, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, chi tiêu của doanh nghiệp, người dân đều giảm thì đầu tư công chính là bệ đỡ cho chương trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Việc cắt hơn 1.500 dự án và tăng thêm hàng triệu tỉ đồng vốn đầu tư công cho giai đoạn 2021 - 2025 được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích cho phát triển hạ tầng giao thông nói riêng và phục hồi kinh tế nói chung. Việc này cũng tạo bước ngoặt lớn trong cơ chế phân bổ nguồn lực quốc gia trong giai đoạn tới.

Biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Các hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư của chúng ta. Lời cảnh báo này của tự nhiên buộc chúng ta phải hành động mạnh mẽ, có trách nhiệm và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu. Đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân. Mặc dù là nước đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ. Trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

(Trích bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

tại Hội nghị COP26)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.