Bạn đọc hiến kế chống sổ đỏ giả

Kim Lan
Kim Lan
11/12/2019 06:16 GMT+7

Nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên đã hiến kế để chống tình trạng sổ đỏ giả sau khi đọc bài viết Rủi ro từ sổ đỏ thế chấp.

Thông tin cảnh báo từ các chuyên gia về tình trạng “đánh tráo sổ đỏ thật hoặc dùng sổ đỏ thật nhưng người đứng tên trên sổ đỏ là giả” khiến nhiều bạn đọc Thanh Niên lo lắng. Từ đó, nhiều bạn đọc đã hiến kế để chống tình trạng sổ đỏ giả.
Như Thanh Niên đã đề cập, những vụ thất lạc phôi sổ đỏ làm dấy lên lo lắng về nguy cơ sổ đỏ giả. Mới đây nhất, tại Trung tâm đo đạc bản đồ TP.HCM thất lạc 21 phôi sổ đỏ, trong đó có 1 phôi đã sử dụng bị hỏng, còn 20 phôi chưa qua sử dụng. Tại Kiên Giang, chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai H.Phú Quốc làm thất lạc 1.029 phôi sổ đỏ; hay sự việc tại Bộ Tài nguyên - Môi trường trong quá trình chuyển phát nhanh 3.000 phôi sổ đỏ từ Hà Nội vào Đà Nẵng (2.000 phôi) và Phú Yên (1.000 phôi) đã bị mất.
Những phôi sổ đỏ này đều là thật, nếu lọt vào tay kẻ xấu sẽ vô cùng nguy hiểm.

Đâu dễ lọt cửa ngân hàng !

Nêu ý kiến trên Thanh Niên, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết tội phạm lừa đảo có thể dễ dàng dùng các sổ đỏ này (từ phôi sổ đỏ bị thất lạc) để đi cầm cố ngân hàng, các tổ chức tín dụng để lừa vay tiền. Lo lắng càng lớn hơn, khi các sổ đỏ lọt vào ngân hàng, mặc nhiên được “hợp thức” để các đối tượng xấu tiếp tục sử dụng để lừa đảo người khác.

Ai mang sổ đỏ đến ngân hàng thế chấp đi, sẽ thấy rằng thủ tục rất chặt chẽ, thậm chí vô cùng nhiêu khê.

Thanh Phong (Đồng Nai)

Bạn đọc (BĐ) Hoàng Sin (Hà Nội) cho rằng muốn tránh nguy cơ này thì phải trông vào “phòng kiểm soát và thẩm định của ngân hàng”. Theo BĐ Hiền Chu (TP.HCM): “Làm sao có thể giao dịch mua bán với sổ đỏ giả, không lẽ người mua không hỏi chính quyền phường, quận, sai tên là biết ngay”. Đồng tình, BĐ Trần Quốc Tuấn (TP.HCM) nêu: “Tôi nghĩ rằng không dễ dàng cầm sổ đỏ thế chấp được. Vì khi thế chấp họ phải mang sổ đỏ lên phòng tài nguyên môi trường quận để kiểm tra tính hợp pháp của sổ đỏ, thì sao mà bị lừa được”.
Một BĐ đến từ Đồng Nai phân tích khi có sổ đỏ giả trong tay, kẻ gian cũng khó thực hiện việc mua bán hoặc cầm cố ngân hàng vì không dễ để làm được điều này, không lẽ ngân hàng hay các tổ chức cá nhân khi nhận thế chấp không biết đến hiện trường, đến địa chính phường xã để xác minh?

Làm sao phát hiện sổ đỏ giả ?

Ông Phạm Ngọc Liên, nguyên Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM, cho biết làm giả một sổ đỏ để sử dụng không đơn giản. Cơ quan chức năng có thể kiểm chứng xem sổ đỏ đó thật hay giả rất nhanh. Tuy nhiên, tình trạng sổ đỏ giả không nhiều bằng thủ đoạn đánh tráo sổ đỏ thật hay dùng sổ đỏ thật nhưng người đứng tên trên sổ đỏ là giả. “Hiện nay có tình trạng đánh tráo sổ đỏ khá phổ biến”, ông Liên cảnh báo.

Làm gì có chuyện sổ giả mà thế chấp được. Thông tư về đăng ký giao dịch đảm bảo bất động sản đã quy định rất chặt. Chỉ có một lý giải là ngân hàng làm không chặt, bỏ lơi quy định thì mới bị dính giấy tờ giả.

Nam Tinh (Đồng Nai)
Nhiều BĐ đề nghị phải có một cách quản lý sổ đỏ hiện đại hơn để ngay cả một người dân cũng dễ dàng kiểm tra tính xác thực của sổ đỏ khi thực hiện giao dịch, hơn là phải chờ cơ quan chức năng.
BĐ Bình (TP.HCM) góp ý kiến: “Thời buổi này tại sao không chuyển qua lưu trữ thông tin số hóa, có thể truy cập khi cần. Bao nhiêu ngân hàng đã giao dịch số hóa, có vấn đề gì đâu? Bên hành chính cũng nên làm như hệ thống ngân hàng, phương thức lưu trữ truyền thống dễ làm giả, dễ có sự tiếp tay cho việc làm giả”. Đồng tình, BĐ Minh Thuận (Gia Lai) đề nghị cần có mã vạch cho từng sổ đỏ hợp lệ: “Tại sao không tạo mã vạch ẩn trong sổ đỏ? Có mã vạch khi ngân hàng kiểm tra thì biết ngay là sổ của ai”.
Tán đồng phương pháp áp dụng mã vạch cho sổ đỏ, BĐ Thuận (TP.HCM) nhận xét: “Thời đại 4.0 mà vẫn quản lý bằng tờ giấy như trước đây thì cả chính quyền lẫn người dân đều bó tay trước nạn giấy tờ giả thôi. Chỉ cần có mã vạch hoặc code QR lên sổ đỏ thì lấy gì mà giả được!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.