Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 2.7: Chuẩn bị chiến dịch tiêm vắc xin lớn nhất lịch sử

02/07/2021 20:20 GMT+7

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 2.7.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Trúc Huỳnh sẽ đồng hành cùng quý vị khán giả.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 2.7 của Báo Thanh Niên gồm có nhưng nội dung sau:

TP.HCM vẫn "áp đảo" về số bệnh nhân

Bản tin dịch Covid-19 của Bộ Y tế tối 2.7 cho biết cả nước có thêm 219 ca mắc Covid-19, trong đó riêng TP.HCM chiếm nhiều nhất với 150 ca. Tổng số ca mắc trong ngày là 545 ca. Trong ngày cũng có 148 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tổng số bệnh nhân Covid-19 được ghi nhận tại Việt Nam kể từ đầu dịch đã vượt qua 18.000.

8 chuỗi lây nhiễm dịch Covid-19 lớn ở TP.HCM hiện nay

Thông tin cụ thể về 545 ca mắc mới được công bố trong ngày 2.7 như sau:
+ 18 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Tây Ninh (9 ca), Khánh Hoà (4 ca), Thanh Hóa (3 ca), Long An (1 ca), Kiên Giang (1 ca).
+ 527 ca ghi nhận trong nước; trong đó 428 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa. Cụ thể: TP.HCM (419 ca), Phú Yên (40 ca), Bình Dương (13 ca), Quảng Ngãi (10 ca), Long An (7 ca), An Giang (6 ca), Đồng Nai (5 ca), Nghệ An (3 ca), Đồng Tháp (3 ca), Hưng Yên (3 ca), Đà Nẵng (3 ca), Vĩnh Long (3 ca), Bắc Giang (2 ca), Bắc Ninh (2 ca), Tây Ninh (2 ca), Hà Tĩnh (1 ca), Khánh Hòa (1 ca), Bình Phước (1 ca), Trà Vinh (1 ca), Hải Phòng (1 ca), Lâm Đồng (1 ca).
Đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 18.121 bệnh nhân Covid-19; trong đó 16.285 ca ghi nhận trong nước và 1.836 ca nhập cảnh.
- Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27.4 đến nay là 14.715 ca.

Ngày 2.7: TP.HCM thêm 419 ca Covid-19, vượt mốc 5.000 bệnh nhân

Chuẩn bị chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử

Phát biểu kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm 2021 - 2022 diễn ra sáng 2.7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Trưởng ban chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, nhấn mạnh: Chiến dịch tiêm chủng vắc phòng Covid-19 năm 2021 - 2022 là một trong những chiến dịch có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng, không chỉ của Việt Nam mà cả trên thế giới.
Theo Bộ trưởng Y tế, quy mô của chiến dịch này được thực hiện ở 19.000 điểm tiêm, trong đó nền tảng cơ bản nhất là trạm y tế xã, phường, các điểm tiêm di động, các cơ sở y tế.
Ngoài Bộ Y tế, chiến dịch có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành: Bộ Quốc Phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với các địa phương. Bộ trưởng nhấn mạnh phải triển khai thật tốt và hiệu quả chiến dịch này; không bỏ phí bất kỳ 1 liều vắc xin nào như Thủ tướng đã chỉ đạo. Đồng thời, phải tuyệt đối thực hiện nguyên tắc “tiêm đến đâu an toàn đến đó”.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong lộ trình cung ứng vắc xin, hiện nay Việt Nam đã ký các thoả thuận hợp đồng trong năm 2021 là 105 triệu liều. Tuy nhiên do tình trạng khan hiếm vắc xin trên toàn cầu nên lộ trình vắc xin về Việt Nam có thể bị ảnh hưởng, bị trễ chung như toàn cầu và nhiều khả năng sẽ về dồn dập trong quý 4 năm 2021. Vì vậy việc tổ chức chiến dịch tiêm chủng lại càng đòi hỏi phải thực hiện nhuần nhuyễn hơn, trôi chảy hơn, hiệu quả hơn và nhanh chóng hơn…

Bệnh nhân Covid-19 thứ 82, 83 và 84 tử vong: Ba người đàn ông ở TP.HCM và Bắc Ninh

Khu vực Vườn Chuối, Nguyễn Thượng Hiền vắng lặng ngày phong tỏa

Trưa 2.7, đại diện UBND Q.3, TP.HCM cho biết đang tiếp tục điều tra, truy vết tại một số tuyến đường, hẻm trên địa bàn P.4 sau khi ghi nhận 37 ca nghi nhiễm Covid-19. Các ca nghi nhiễm này được phát hiện thông qua tầm soát mở rộng từ một ca dương tính trong một con hẻm trên đường Nguyễn Thượng Hiền.
Hiện đường Nguyễn Thượng Hiền và đường Vườn Chuối đã được phong tỏa 2 đầu, đoạn giao với đường Nguyễn Đình Chiểu và đường Điện Biên Phủ. Lực lượng bảo vệ dân phố, công an, dân quân tự vệ bảo vệ nghiêm ngặt phía trong hàng rào.

Khu vực Vườn Chuối, Nguyễn Thượng Hiền vắng lặng ngày phong tỏa vì Covid-19

Siết chặt biện pháp phòng chống lây nhiễm Covid-19 trong các bệnh viện

Sau khi phát hiện 55/130 bệnh viện trên địa bàn có các ca nhiễm Covid-19, ngày 30.6 và 1.7.2021, Sở Y tế TP.HCM đã liên tiếp phát đi hai văn bản khẩn yêu cầu các bệnh viện trực thuộc thực siết chặt hơn nữa các giải pháp đảm bảo an toàn và hạn chế thấp nhất các nguy cơ lây lan dịch bệnh trong bệnh viện.
Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện nay, số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn TP.HCM đã vượt qua con số 4.000 trường hợp và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới khi tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Do tính chất lây lan rất nhanh của vi rút SARS-CoV-2 mang chủng Delta trong đợt bùng phát này, hiện đã có 55/130 bệnh viện trên địa bàn thành phố đã có trường hợp đến khám bệnh, chữa bệnh và bị phát hiện dương tính với SARS-CoV-2.
Hậu quả là đã có những bệnh viện phải phong tỏa như Bệnh viện Q.Tân Phú, Bệnh viện đa khoa Nam Sài Gòn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, mới đây nhất là trường hợp của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện đa khoa Sài Gòn.
Trước tình hình này, Sở Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện tiếp tục triển khai các giải pháp theo tiêu chí bệnh viện an toàn của Bộ Y tế, các hướng dẫn cụ thể của Sở Y tế đã ban hành. Đồng thời, phải siết chặt hơn nữa các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn và hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh trong bệnh viện.

TP.HCM siết chặt biện pháp phòng chống lây nhiễm Covid-19 trong các bệnh viện

Người nước ngoài đến lấy mẫu xét nghiệm ở “khu nhà giàu” Thảo Điền

Chiều 1.7.2021, tại nhiều điểm lấy mẫu xét nghiệm thuộc P.Thảo Điền (TP.Thủ Đức, TP.HCM), người dân tại đây liên tục đến xếp hàng chờ đến lượt lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Do cư dân sống tại Thảo Điền đông đúc nên chính quyền địa phương chủ động bố trí 10 điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cùng 17 đội lấy mẫu nhằm hạn chế tình trạng tập trung quá động người dân.
Tại các điểm lấy mẫu, từ đầu giờ trưa đã tấp nập người đến lấy mẫu xét nghiệm, công tác điều phối trước cửa cũng được tổ công tác kiểm soát chặt. Khi lượng người đông đúc, lực lượng chức năng sẽ yêu cầu người dân giữ khoảng cách và xếp hàng với khoảng cách an toàn nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch. Số mẫu xét nghiệm dự kiến là khoảng 15.000 mẫu.

Người nước ngoài đến lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở “khu nhà giàu” Thảo Điền

Gác công việc đi xét nghiệm Covid-19, mong sớm về quê thăm mẹ

Điểm lấy mẫu tại Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM) có hơn 30 người làm công tác lấy mẫu và hỗ trợ lấy mẫu. Mỗi một lần, lực lượng chức năng chức năng gọi 5 người đồng thời lên lấy mẫu, sau khi lấy xong họ được hướng dẫn ra về, tránh tụ tập đông người.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều điểm lấy mẫu đang diễn ra trên địa bàn TP.HCM trong đợt cao điểm kiểm soát dịch bệnh của TP.HCM.
Trước đó, UBND TP HCM đã ký văn bản khẩn, ban hành kế hoạch tổ chức đợt cao điểm kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố từ ngày 29.6 đến ngày 10.7. Trong đó có nội dung yêu cầu đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát trên địa bàn.
Cụ thể, tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho người dân, người lao động tại tất cả các quận, huyện, TP.Thủ Đức, trong đó tập trung lấy mẫu toàn bộ người dân tại các quận, huyện đang có nhiều ca nhiễm như: Q.8, Q.Bình Tân, Q.Tân Phú, H.Hóc Môn, H.Bình Chánh. TP.HCM phấn đấu thực hiện lấy được 1 triệu mẫu gộp/ngày.

Gác công việc đi xét nghiệm Covid-19: “Mong TP.HCM hết dịch để về quê thăm mẹ”

400.000 liều vắc xin Covid-19 Nhật Bản tài trợ đã về đến Việt Nam

Rạng sáng 2.7.2021, lô vắc xin Covid-19 400.000 liều do Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho Việt Nam đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) trên chuyến bay số hiệu NH833 của Hãng hàng không All Nippon Airways.
vắc xin Covid-19 này khoảng 400.000 liều với tổng trọng lượng hơn 930 kg được bảo quản trong 5 thùng đặc chủng RKN. Lô vắc xin này cũng là vắc xin Covid-19 AstraZeneca như lô vắc xin gần 1 triệu liều trước đó mà Chính phủ Nhật bản tài trợ Việt Nam. Vắc xin AstraZeneca mà Nhật Bản tài trợ là loại mỗi lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0,5 ml (được tiêm bắp).
Như vậy, tổng cộng Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam gần 2 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 của hãng AstraZeneca.

400.000 liều vắc xin Covid-19 Nhật Bản tài trợ đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất

Đóng cửa chợ Hóc Môn thêm 11 ngày

Sáng 2.7, thông tin từ chợ Hóc Môn cho biết, Phòng Kinh tế (UBND H.Hóc Môn, TP.HCM) vừa có công văn gửi Ban giám đốc Công ty TNHH quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn yêu cầu tiếp tục tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn.
Phòng Kinh tế huyện yêu cầu chợ đầu mối Hóc Môn tiếp tục tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp tại chợ để thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 đến 0 giờ ngày 15.7.2021; Xây dựng và triển khai thực hiện phương án điều tiết hàng hóa trong thời gian tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp tại chợ để thực hiện phòng chống dịch theo nội dung phương án số 3251 của Sở Công thương ngày 27.6.

Đóng cửa chợ Hóc Môn thêm 11 ngày vì dịch Covid-19 còn phức tạp

Xử phạt “phượt thủ” dạy khai báo y tế gian dối

Sáng 2.7.2021, thông tin từ Công an H.Dầu Tiếng (Bình Dương), đơn vị này đã ra quyết định xử phạt 2,5 triệu đồng đối với nam thanh niên “thông chốt” kiểm dịch Covid-19 ở Lâm Đồng, sau đó lên đăng video lên mạng xã hội TikTok hướng dẫn cách khai báo y tế gian dối.
Trước đó, trên mạng xã hội TikTok xuất hiện đoạn video clip do nam thanh niên (30 tuổi) đăng tải có nội dung hướng dẫn cách khai báo y tế gian dối qua chốt kiểm dịch Covid-19 khi đi từ Bình Dương đến Đà Lạt (Lâm Đồng).
Sau khi Báo Thanh Niên đăng tải thông tin, Công an H.Dầu Tiếng đã vào cuộc truy tìm được nam thanh niên này ở khu phố 4B, thị trấn Dầu Tiếng.
Làm việc với công an, nam thanh niên khai nhận ngày 28.6 đi từ Bình Dương lên Đà Lạt cùng với bạn. Khi đi qua chốt kiểm dịch Covid-19 tại đèo Chuối (H.Đạ Huoai, Lâm Đồng), nam thanh niên đã khai báo là từ Bình Dương đi Đà Lạt.

Xử phạt “phượt thủ” giả làm thợ hồ, lên TikTok dạy khai báo y tế gian dối giữa Covid-19

Chuyên gia dự báo dịch Covid-19 ở TP.HCM sẽ kết thúc vào tháng 8

Sở Thông tin và truyền thông (TT-TT) TP.HCM vừa báo cáo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong về việc tổng hợp các phân tích, đánh giá, dự báo và giải pháp đối với dịch Covid-19 tại TP.HCM.
Theo đó, Sở TT-TT đã cung cấp dữ liệu cho 2 nhóm nghiên cứu gồm: nhóm nghiên cứu của Đại học Fulbright do tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, làm trưởng nhóm; và nhóm nghiên cứu Tech4Covid do tiến sĩ Đinh Bá Tiến, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Khoa học Tự nhiên, làm trưởng nhóm.
Hai nhóm nghiên cứu này đã tổng hợp số liệu về số ca F0; số ca test ở bệnh viện hoặc cộng đồng, trong khu cách ly, phong tỏa; test dương tính lần 1, có hoặc không có triệu chứng; phân tích đánh giá xu hướng dịch theo các mốc áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 10.

Chuyên gia dự báo dịch Covid-19 ở TP.HCM sắp đạt đỉnh, sẽ kết thúc vào tháng 8

Bệnh viện Chợ Rẫy mời thợ đến cắt tóc cho bác sĩ

Từ khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, các dịch vụ không thiết yếu như cắt tóc, làm đẹp phải tạm dừng hoạt động hơn 1 tháng nay. Để đảm bảo an toàn trong hoạt động chuyên môn, đặc biệt là khi tham gia phòng chống dịch, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy đã mời thợ về cắt tóc miễn phí cho toàn bộ nhân viên y tế.
Ngày 2.7, theo lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy, tiệm cắt tóc phải tạm dừng hoạt động, trong khi đó, mái tóc dài thường xuyên gây ra những bất tiện cho các thầy thuốc khi thực hiện công việc chuyên môn; đặc biệt là khi tham gia công tác phòng chống dịch và phải thường xuyên mặc đồ bảo hộ.
Do đó, Ban giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã triển khai chương trình cắt tóc miễn phí cho nhân viên ngay tại bệnh viện. Chương trình diễn ra trong ngày 2.7 và 3.7, bắt đầu từ 9 giờ đến 15 giờ mỗi ngày, với sự tham gia hỗ trợ của 7 chuyên gia về tóc là các tình nguyện viên đến từ Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM và nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bệnh viện Chợ Rẫy mời thợ đến cắt tóc cho nhân viên giữa dịch Covid-19

Thầy giáo ngoại quốc giúp bà con nghèo đi chợ 0 đồng

Vài ngày qua, bà con nghèo đến chợ 0 đồng ở P.13, Q.4 mỗi sáng đều bất ngờ khi nhận quà từ tay một thanh niên ngoại quốc luôn hết mình với công việc tình nguyện. Được biết, anh là thầy giáo tiếng Anh và đến làm tình nguyện ở phiên chợ 0 đồng theo lời mời của một người bạn.
Người kết nối Josh đến với công việc tình nguyện ở phiên chợ 0 đồng những ngày thành phố căng mình chống dịch chính là chị Thanh Thảo, bạn của anh.
Chị Thảo làm công việc văn phòng và cũng yêu thích các hoạt động thiện nguyện. Sau khi nghe chị Thảo kể về công việc hỗ trợ bà con tại phiên chợ ý nghĩa, thầy giáo ngoại quốc tỏ ra đầy hứng thú.
Anh Josh McClain không phải ngày nào cũng có thể đến vì còn vướng lịch dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, anh luôn tranh thủ những ngày trống lịch để có mặt cùng bạn bè và mọi người trong “Hội tình nguyện vì cộng đồng” kịp thời trao những phần lương thực ý nghĩa đến tận tay bà con đang gặp khó khăn ngày dịch Covid-19.

Thầy giáo ngoại quốc đẫm mồ hôi giúp bà con nghèo Sài Gòn đi chợ 0 đồng ngày dịch Covid-19

Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay ngày 2.7 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.