Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 1.7: 'Kỷ lục' với 713 ca bệnh một ngày

01/07/2021 19:09 GMT+7

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 1.7.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 1.7 của Báo Thanh Niên gồm có nhưng nội dung sau:

"Kỷ lục" buồn với 713 ca bệnh Covid-19 trên cả nước

Bản tin dịch Covid-19 của Bộ Y tế tối 1.7 cho biết có thêm 264 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca mắc trong ngày lên 713 trường hợp. Đây là số ca bệnh cao kỷ lục trong một ngày.
Bộ Y tế từng công bố 738 ca bệnh trong ngày 26.6, tuy nhiên trong số đó có 563 ca bệnh được công bố bổ sung ghi nhận từ trước đó. Trong số 713 ca bệnh được công bố trong ngày 1.7, TP.HCM vẫn chiếm nhiều nhất với 464 ca. Trong ngày, Việt Nam cũng có 407 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh.
Thông tin cụ thể về 713 ca bệnh được công bố trong ngày 1.7:
+ 20 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Tây Ninh (12 ca), An Giang (3 ca), Kiên Giang (2 ca), Đà Nẵng (2 ca), Hà Nội (1 ca).
+ 693 ca ghi nhận trong nước, trong đó 584 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa. Gồm: TP.HCM (464 ca), Bình Dương (90 ca), Tiền Giang (38 ca), Long An (28 ca), Phú Yên (26 ca), Hưng Yên (11 ca), Quảng Ngãi (9 ca), Bắc Giang (5 ca), Hà Tĩnh (5 ca), An Giang (5 ca), Nghệ An (3 ca), Bắc Ninh (3 ca), Đà Nẵng (3 ca), Vĩnh Long (1 ca), Bình Phước (1 ca), Đồng Tháp (1 ca)..
Hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 17.576 bệnh nhân Covid-19, trong đó 15.758 ca ghi nhận trong nước và 1.818 ca nhập cảnh.

Ngày 1.7: Việt Nam ghi nhận số ca Covid-19 cao chưa từng thấy - 713 bệnh nhân

33 học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT bị nhiễm Covid-19

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT đến cuối giờ chiều nay, 1.7, cả nước có 33 học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT là bệnh nhân Covid-19 (trong đó nhiều nhất là TP.HCM với 16 học sinh); 270 học sinh diện F1 (nhiều nhất là TP.HCM với 61 học sinh); 847 học sinh thuộc diện F2 (nhiều nhất vẫn là TP.HCM với 215 em).
Cả nước có 17.178 thí sinh đang ở trong khu vực phong tỏa (nhiều nhất tập trung ở tỉnh Phú Yên với 5.215 học sinh).
Phát biểu trong buổi kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại một số địa phương mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, việc tổ chức kỳ thi 1 đợt hay 2 đợt sẽ do địa phương quyết định dựa trên tình hình thực tế và có tham vấn của ngành y tế.
"Kỳ thi này sẽ do địa phương chịu trách nhiệm hoàn toàn. Nguyên tắc chung là đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan", ông Sơn nhấn mạnh.

33 học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT nhiễm Covid-19

TP.HCM phấn đấu lấy 1 triệu mẫu xét nghiệm gộp Covid-19 một ngày

Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong vừa ban hành kế hoạch tổ chức đợt cao điểm kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM từ ngày 29.6 - 10.7. Trong đó, TP.HCM sẽ phấn đấu thực hiện 1 triệu mẫu gộp/ngày.
Trong các nhiệm vụ trọng tâm, UBND TP chỉ đạo ưu tiên xét nghiệm kiểm tra theo chuỗi tiếp xúc gần, có nguy cơ lây nhiễm cao với phương châm “thần tốc, có trọng tâm, trọng điểm” có kết quả trong vòng 12 giờ để nhanh chóng tầm soát các ca nhiễm. Tại các khu cách ly, khu phong tỏa, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm hằng ngày.
Phấn đấu thực hiện 1 triệu mẫu gộp/ngày. UBND TP chỉ đạo lấy mẫu và xét nghiệm ở các KCX, KCN, KCNC trả kết quả nhanh (dưới 12 giờ). Tổ chức triển khai tự test nhanh Covid-19 cho công nhân, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp tự chi trả chi phí mua test nhanh và xét nghiệm cho người lao động (NLĐ) 1 lần/tuần. Đối với chợ đầu mối, chợ truyền thống, nếu không đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch thì UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện phối hợp Sở Công thương tạm dừng hoạt động.

TP.HCM sẽ lấy 1 triệu mẫu xét nghiệm gộp Covid-19 một ngày

Về cách ly, UBND TP giao sở, ngành liên quan tổ chức thí điểm cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế, giao Sở Y tế chỉ đạo HCDC tham mưu thí điểm ở một số khu vực, hoàn thành kế hoạch trình UBND TP trước ngày 3.7. Giao Tổ công tác đàm phán và mua vắc xin Covid-19 để đẩy nhanh tiến độ, chậm nhất trong cuối quý 3/2021 phải tiếp nhận lô vắc xin đầu tiên.

TP.HCM chính thức quyết định thời gian thi tốt nghiệp THPT

Chiều 1.7, TP.HCM đã chính thức quyết định sẽ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 theo 2 đợt mà Bộ GD- ĐT quy đinh.

Theo đó, đợt 1 sẽ diễn ra vào ngày 7- 8.7 dành cho thí sinh không ở những nơi bị phong tỏa phòng dịch Covid-19 và không thuộc diện F0, F1, F2, không ở những địa phương có nguy cơ rất cao theo phân loại của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể những địa phương có nguy cơ rất cao được TP phân nhóm là Q.8, Bình Tân, Tân Phú, huyện Hóc Môn, Bình Chánh và một phần TP.Thủ Đức.

Những thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, không dự thi đợt 1 vào ngày 7- 8.7 sẽ dự thi vào đợt 2, với lịch thi sẽ do Bộ GD-ĐT công bố sau.

TP.HCM chính thức quyết định thời gian thi tốt nghiệp THPT

Sở GD đã xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay trong bối cảnh dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp và TP tăng cường những biện pháp siết chặt công tác phòng, chống dịch.

Về phương án tổ chức thi tại các điểm thi, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP yêu cầu phải quy định rõ chức năng nhiệm vụ từng thành viên trong hội đồng thi, bao gồm cả thí sinh. Trong đó, phải quy định rõ thí sinh sẽ vào cổng điểm thi bằng lối nào, lên thẳng phòng thi như thế nào và phải thông tin cụ thể, rõ ràng cho thí sinh biết. Tại các luồng phân chia để đưa đón thí sinh ở mỗi điểm thi phải được đánh dấu vạch khoảng cách, tối thiểu là 1,5m. Đặc biệt, phải tuyệt đối tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế. Mỗi điểm thi cần bố trí thêm cán bộ làm thi ở khu vực sân trường, đảm bảo giữ khoảng cách trong sân trường”, ông Hiếu nói.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP đặc biệt lưu ý, trưởng điểm thi tốt nghiệp THPT phải có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương, tính toán cụ thể số lượng nhân lực cần hỗ trợ để siết chặt hơn nữa công tác phòng chống dịch tại điểm thi, phòng chống ùn tắc tại cổng trường và sân trường vào đầu và cuối mỗi buổi thi. Trưởng điểm thi phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng ùn tắc ở cổng trường, tụ tập đông ở sân trường.

Bổ sung kinh phí mua vắc xin Covid-19

Báo cáo trong họp phiên thường kỳ của Chính phủ vào sáng 1.7.2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đến nay Bộ đã nhận được cam kết viện trợ, ký hợp đồng cung ứng trong năm 2021 với khoảng 105 triệu liều vắc xin Covivd-19; số đang đàm phán là khoảng 45 triệu liều và tiếp tục tìm kiếm, đàm phán các nguồn vắc xin khác. Dự kiến từ tháng 7.2021 số lượng vắc xin sẽ về nhiều hơn và đến quý 3.2021 sẽ có khoảng 30 triệu liều.
Trước đó, vào ngày 30.6, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định bổ sung kinh phí hơn 7.650 tỉ đồng để mua và sử dụng 61 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Quyết định nêu rõ, bổ sung hơn 7.650 tỉ đồng cho Bộ Y tế để mua và sử dụng 30 triệu liều vắc xin Covid-19 AstraZeneca của Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam và 31 triệu liều do Pfizer sản xuất như đề nghị của Bộ Tài chính và Bộ Y tế. Trong đó hơn 5.100 tỉ đồng từ nguồn kinh phí tiết kiệm chi năm 2020 chuyển nguồn sang năm 2021 và hơn 2.550 tỷ đồng chi từ nguồn Quỹ vắc xin phòng Covid-19 Việt Nam. 

Các loại vắc xin Covid-19 trên thế giới được sản xuất theo công nghệ nào?

Trắng đêm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại chợ đầu mối Thủ Đức

Tối 30.6.2021, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) phối hợp cùng UBND phường Tam Bình và các đơn vị liên quan tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người lao động trong khu vực chợ đầu mối Thủ Đức (tại thành phố Thủ Đức, TP.HCM).
Trước đó vào tối 30.6, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) phối hợp cùng UBND P.Tam Bình và các đơn vị liên quan lấy hàng loạt mẫu xét nghiệm của người lao động trong khu vực chợ đầu mối Thủ Đức, TP.Thủ Đức (TP.HCM).

Trắng đêm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại chợ đầu mối Thủ Đức

Công tác lấy mẫu xét nghiệm hàng loạt đối với người lao động như: công nhân, bốc xếp, tiểu thương… có mặt tại chợ đầu mối từ tối 30.6 đến sáng 1.7.
Từ đầu chợ đầu mối Thủ Đức, lực lượng an ninh tại chợ lập chốt hạn chế phương tiện xe máy chạy vào chợ. Trường hợp được vào trong cần phải khai báo y tế rõ ràng.
Nơi lấy mẫu xét nghiệm cũng được khoanh vùng, từng người vào lấy mẫu được nhắc nhở giữ khoảng cách và rửa tay khử khuẩn trước khi vào nơi khu xét nghiệm.

Tiểu thương, công nhân bốc xếp được sắp xếp theo từng nhóm nhỏ đến lấy mẫu nhằm hạn chế tập trung quá đông người

ẢNH: TRẦN TIẾN

Đến rạng sáng 1.7.2021, lực lượng chức năng đã hoàn tất công tác lấy mẫu xét nghiệm cho người lao động tại chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM). Số lượng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đạt gần 6.000 lượt.
Trong diễn biến liên quan, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ban hành kế hoạch tổ chức đợt cao điểm kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố từ ngày 29.6 - 10.7. Cao điểm này, TP.HCM phấn đấu thực hiện 1 triệu mẫu gộp/ngày.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng chỉ đạo đối với chợ đầu mối, chợ truyền thống, nếu không đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch thì UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện phối hợp Sở Công thương tạm dừng hoạt động đối với các chợ này.

Chiến sĩ công an nhiễm Covid-19 đã hồi phục, gửi lời tri ân

Trưa 1.7, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết bệnh nhân P.C.Đ – chiến sĩ công an P.Tân Phú Trung, Q.Tân Phú, nhiễm Covid-19 (BN 8944) đã hồi phục sau 23 ngày được điều trị tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Hiện chiến sĩ công an P.Tân Phú Trung đã cai ECMO (tim phổi nhân tạo), cai máy thở và đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với Covid-19 vào ngày 30.6.
Ngày 1.7, trên giường bệnh trong phòng cách ly ở khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, chiến sĩ công an P.Tân Phú Trung, tâm sự: “Sau một thời gian nguy kịch do bị nhiễm Covid-19 trong quá trình tham gia chống dịch, nay sức khỏe của tôi đã hồi phục. Tôi xin chân thành cảm ơn các lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM, Bộ Công an, lãnh đạo Công an TP.HCM, lãnh đạo Công an Q. Tân Phú, lãnh đạo UBND P.Phú Trung, Ban chỉ huy đơn vị và các ban ngành đoàn thể, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy và toàn thể nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy đã rất quan tâm và tận tình chăm sóc, cứu chữa cho tôi. Hôm nay sức khỏe của tôi đã tạm ổn. Tôi thay mặt gia đình cảm ơn các lãnh đạo và các ban ngành đoàn thể rất nhiều. Tôi sẽ cố gắng hết bệnh để về công tác, cùng tham gia chống dịch”.

Chiến sĩ công an nhiễm Covid-19 đã hồi phục, gửi lời cảm ơn cộng đồng

Trước đó, chiến sĩ công an này từng có diễn biến bệnh nặng, phải điều trị qua 3 bệnh viện và phải can thiệp ECMO. Sau 23 ngày điều trị tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy, đến nay chiến sĩ công an P.Tân Phú Trung đã hồi phục.

Chợ truyền thống lắp vách ngăn giọt bắn phòng Covid-19

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Ban quản lý chợ Ngã Ba Bầu (thuộc phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP.HCM) đã vận động các tiểu thương cùng phối hợp lắp vách ngăn tại các gian hàng để hạn chế tiếp xúc giữa người bán và người mua, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.
Sáng 1.7.2021, các gian hàng kinh doanh đồ thiết yếu tại chợ Ngã Ba Bầu vẫn hoạt động nhộn nhịp dù lượng khách có giảm hơn so với trước khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư.
Khách hàng khi đến chợ được lực lượng bảo vệ yêu cầu ghi sổ khai báo y tế và kiểm tra thân nhiệt, xịt sát khuẩn tay trước khi vào mua thực phẩm, nhu yếu phẩm. Những người đến đây được yêu cầu giữ khoảng cách an toàn.
Đặc biệt, các gian hàng bên trong chợ đã được lắp vách ngăn bằng nhựa trong suốt bao quanh để ngăn cách người bán với người mua và hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa những tiểu thương trong chợ.

Chợ ngoại thành ở Hải Phòng những ngày Covid-19 bùng phát

Bà Vũ Thị Thu Hà - tiểu thương chợ Ngã Ba Bầu cho biết dù thấy hơi ngột ngạt khi lắp kính ngăn giọt bắn nhưng bù lại bà cảm thấy an tâm hơn để tiếp tục buôn bán.
Theo bà Lương Thị Trang Nhung, Trưởng ban quản lý chợ Ngã Ba Bầu, từ khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát, Ban quản lý chợ đã thường xuyên nhắc nhở tiểu thương tuân thủ các biện pháp phòng chống Covid-19. Sau khi dịch bệnh xâm nhập một số chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM, bà đã nảy ý tưởng kiến và vận động tiểu thương lắp vách ngăn để phòng dịch.
Theo bà Nhung, sau khi UBND TP.HCM siết các biện pháp phòng chống dịch, Ban quản lý chợ đã yêu cầu các quầy bán hàng không thiết yếu đóng cửa, hiện tại còn khoảng 30% số sạp ở chợ là những sạp bán thực phẩm, nhu yếu phẩm duy trì hoạt động.
Lạ lùng khu chợ truyền thống lắp vách ngăn giọt bắn để chống Covid-19 - ảnh 3

Kiểm tra thân nhiệt khách vào chợ

ẢNH: THANH HƯƠNG

Bên cạnh việc lắp vách ngăn giọt bắn, Ban quản lý chợ cũng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở tiểu thương hạn chế tiếp xúc với nhau trong lúc buôn bán. Cuối mỗi buổi chợ, các tiểu thương dọn dẹp, vệ sinh quầy hàng của mình, cơ quan chức năng sẽ tổ chức khử khuẩn toàn bộ khu vực chợ để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 1.7 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.