Bí ẩn 13,4 triệu USD liên quan Vũ 'nhôm' trong vụ DongA Bank

Phan Thương
Phan Thương
09/12/2018 08:28 GMT+7

Số USD này do bị cáo Trần Phương Bình lấy trái phép tiền của DongA Bank mua và chuyển cho Vũ 'nhôm', nhưng đến nay mục đích sử dụng ra sao vẫn là một bí ẩn do bị cáo Vũ 'dùng quyền im lặng' không khai báo.

Về nguồn gốc phát sinh số tiền 13,4 triệu USD, quá trình điều tra vụ án "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, đối với bị cáo Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á - DongA Bank), bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm", Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79) và 24 đồng phạm khác gây thiệt hại cho DAB hơn 3.608 tỉ đồng, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (CQĐT) thu 5 tờ giấy viết tay của nguyên thủ quỹ hội sở DongA Bank (DAB) ghi chép chi sai nguyên tắc hơn 294 tỉ đồng từ ngày 11.10.2012 - 12.3.2015 để mua 13,9 triệu USD cho bị cáo Trần Phương Bình.
Sau đó, theo đề nghị của Phan Văn Anh Vũ, bị cáo Bình chuyển 13,4 triệu USD cho Vũ sử dụng.
Sẽ tiếp tục làm rõ dấu hiệu phạm tội
Tại CQĐT và tại tòa, bị cáo Bình thừa nhận đã xuất quỹ sai gần 284 tỉ đồng mua hộ Vũ 13,4 triệu USD và bị cáo không biết bị cáo Vũ sử dụng số tiền này vào việc gì. Phan Văn Anh Vũ cũng thừa nhận đã nhiều lần nhờ bị cáo Bình mua USD và đã thanh toán xong. Riêng về 13,4 triệu USD, bị cáo Vũ khai nhờ bị cáo Bình 2 lần mua hộ 3,2 triệu USD và vay của bị cáo Bình 7 lần tổng 10,2 triệu USD, đến nay chưa trả đồng nào.

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, tòa án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội... Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng

Ông Vũ Phi Long, nguyên Phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM


Về hành vi chi sai nguyên tắc gần 284 tỉ đồng, các cơ quan tiến hành tố tụng xác định bị cáo Bình phạm tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Đối với Phan Văn Anh Vũ, bị cáo nhận 13,4 triệu USD nhưng khai không biết bị cáo Bình dùng nguồn tiền nào để mua USD nên CQĐT không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, Viện KSND tối cao cho biết sẽ tiếp tục làm rõ, nếu xác định Vũ “nhôm” có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì sẽ xử lý sau.
Liên quan đến 13,4 triệu USD, sáng 7.12, trong nội dung phát biểu quan điểm về vụ án DAB, đại diện Viện KSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa (VKS) theo ủy quyền của Viện KSND tối cao phân tích, Vũ “nhôm” không biết nguồn tiền bị cáo Bình mua USD cho mình là lấy từ DAB nên không có cơ sở xác định Vũ đồng phạm với Bình chiếm đoạt tiền của DAB, nhưng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, Vũ phải hoàn lại DAB 13,4 triệu USD.
Theo VKS, vì Vũ khai không nhớ sử dụng 13,4 triệu USD vào mục đích nào nên cơ quan tiến hành tố tụng không thể thu hồi lại số tiền trên. Tuy nhiên, nguồn tiền mua USD được lấy từ hành vi cố ý làm trái của bị cáo Trần Phương Bình, nên thay vì bị cáo Vũ trả lại bị cáo Bình thì trả lại DAB 13,4 triệu USD. Còn bị cáo Trần Phương Bình, dù không phải chịu trách nhiệm dân sự với hậu quả 13,4 triệu USD nhưng phải chịu trách nhiệm hình sự về việc cố ý làm trái, chi sai nguyên tắc khoản tiền này.
Bị cáo im lặng, vụ án có bế tắc?
Trả lời câu hỏi 13,4 triệu USD được dùng để làm gì, quá trình điều tra bị cáo Vũ khai sử dụng cho mục đích cá nhân nhưng chưa nhớ ra dùng vào việc gì. Khi ra tòa, HĐXX một lần nữa hỏi Vũ nhờ Bình mua 13,4 triệu USD làm gì, bị cáo này trình bày: “Đây là việc cá nhân của bị cáo, bị cáo xin không trả lời”.
Xung quanh đường đi của dòng tiền 13,4 triệu USD như thế nào, trước khi phiên xử được mở ra có nhiều đồn đoán. Tuy nhiên, do Vũ “nhôm” không khai và hiện các cơ quan tiến hành tố tụng không thu thập được chứng cứ nào khác nên CQĐT và VKS không thể xử lý hình sự đối với bị cáo này. Theo các chuyên gia pháp luật, việc Vũ “nhôm” không khai về 13,4 triệu USD sử dụng như thế nào là “quyền im lặng của bị can, bị cáo”.
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết khái niệm quyền im lặng của bị can, bị cáo không được định nghĩa rõ trong bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015, nhưng nội dung chứa nội hàm về quyền im lặng được quy định tại các điều 59 đến 62 của bộ luật. “Quyền này của người bị buộc tội, gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Quyền này được thể hiện xuyên suốt từ khi bị bắt, bị khởi tố cho đến xét xử. Đây chính là tinh thần cốt lõi của quyền im lặng được thể hiện trong BLTTHS 2015”, luật sư Hoan phân tích.
Vậy nếu bị can, bị cáo sử dụng tuyệt đối quyền im lặng, không khai báo thì vụ án chẳng lẽ đi vào bế tắc? Ông Vũ Phi Long, nguyên Phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM, cho hay điều 15 BLTTHS 2015 đã quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
“CQĐT, VKS, tòa án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng”, ông Long nói và lưu ý thêm: Điều 98 BLTTHS 2015 quy định “lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án; không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội” đã thể hiện nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung” trong tố tụng hình sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.