Đề xuất bổ sung mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực dịch vụ việc làm

25/12/2020 11:11 GMT+7

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề nghị bổ sung mức xử phạt vi phạm hành chính với doanh nghiệp có chức năng hoạt động dịch vụ việc làm nhưng không thực hiện chế độ báo cáo, không niêm yết giấy phép hoạt động...

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM vừa báo cáo Bộ LĐ-TB-XH về tình hình hoạt động dịch vụ việc làm (DVVL) trên địa bàn TP.HCM năm 2020. Theo đó, thành phố có 5 trung tâm DVVL, trường nghề có chức năng hoạt động DVVL; 121 doanh nghiệp được Sở LĐ-TB-XH cấp giấy phép hoạt động DVVL.
Sở đã tăng cường công tác quản lý nhà nước với hoạt động DVVL, tổ chức các sàn giao dịch việc làm; cung cấp danh sách các doanh nghiệp có chức năng hoạt động DVVL cho quận, huyện để thông tin đến người dân có nhu cầu tìm việc; rà soát, chấn chỉnh các hoạt động giới thiệu việc làm trái phép tại các cửa ngõ thành phố, bến xe liên tỉnh; chỉ đạo các phòng LĐ-TB-XH kiểm tra các doanh nghiệp không có chức năng hoạt động DVVL nhưng lại hoạt động trái phép và tham mưu xử lý hành vi phạm hành chính. Cụ thể, trong năm 2020, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP.HCM và các bên liên quan đã kiểm tra Công ty TNHH Dịch vụ An Ninh Việt An (số 89A Đường số 12, P.Tam Bình, Q.Thủ Đức) không đảm bảo theo quy định của pháp luật về hoạt động DVVL...
Năm 2020, theo báo cáo kết quả hoạt động DVVL của 41 đơn vị, đã có hơn 600.000 lao động tham gia tư vấn, giới thiệu việc làm; gần 183.000 lao động được giới thiệu việc làm; 138.510 lao động được doanh nghiệp tuyển dụng. Trong đó, cung ứng lao động trong 4 ngành công nghiệp (gồm chế biến lương thực, thực phẩm; hóa chất; điện tử, tin học; cơ khí chế tạo) là 9.051 người và cung ứng lao động trong các ngành dịch vụ (thương mại, bất động sản, du lịch...) là 33.292 người.

Đề nghị bổ sung mức xử phạt vi phạm hành chính

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đánh giá các hoạt động DVVL góp phần giải quyết nhu cầu việc làm của người lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp nhất là trong tình hình dịch Covid-19 khi nhiều doanh nghiệp đã thu hẹp quy mô hoạt động, giải thể. Sở này nhận định, việc làm và thu nhập của người lao động hiện nay đã cải thiện so với thời điểm mới bùng phát dịch.
Tuy vậy, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng cho biết một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm việc báo cáo, chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực hoạt động DVVL về thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; chưa thực hiện chế độ báo cáo kết quả hoạt động định kỳ hai lần trong năm (theo thống kê, chỉ có hơn 30% doanh nghiệp thực hiện báo cáo kết quả hoạt động định kỳ).
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề nghị điều chỉnh bổ sung mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động DVVL đối với doanh nghiệp không có chức năng hoạt động DVVL; doanh nghiệp có chức năng nhưng hoạt động DVVL nhưng không thực hiện chế độ báo cáo, không thông báo thành lập chi nhánh, không niêm yết giấy phép hoạt động DVVL.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.