Dự án hồ chứa nước ngọt lớn nhất miền Tây
Ngày 22.9, UBND tỉnh và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức họp báo “Thông tin chủ trương đầu tư xây dựng Dự án hồ chứa nước ngọt khu Lạc Địa, xã Phú Lễ, H.Ba Tri".
Tại cuộc họp, ông Lê Quang Liêm, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng các công trình NN - PTNT Bến Tre, Giám đốc Dự án hồ chứa nước ngọt khu Lạc Địa, cho biết diện tích toàn khu Lạc Địa hơn 121 ha đều nằm trong vùng dự án và đang trong giai đoạn khảo sát thiết kế thi công.
|
Dự án khi được vận hành sẽ có hồ chứa nước ngọt trên diện tích hơn 97 ha với dung tích nước ngọt dự trữ hơn 2,3 triệu m3/năm, đảm bảo đủ 60.000 hộ dân và đàn gia súc hơn 200.000 con bò, 225 phòng trạm xá, hơn 340 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề… của H.Ba Tri không bị gián đoạn nước ngọt sử dụng trong mùa khô. Các diện tích dự án còn lại sẽ được xây dựng các công trình phụ như đường sá, khu tái định cư, khu bảo tồn di tích cách mạng…
Tổng vốn đầu tư dự án từ ngân sách hơn 352 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ 2021 - 2025. Dự án đã được Tỉnh ủy - UBND tỉnh Bến Tre đồng ý chủ trương đầu tư.
Dự án vướng khiếu kiện đông người
Ông Dương Minh Tùng, Chủ tịch UBND H.Ba Tri, cho biết trong khu vực Lạc Địa hiện nay vẫn còn nhiều hộ dân thuê đất trong khu này để trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi, khai thác củi, trồng cỏ nuôi bò… Khi những người thuê đất biết Tỉnh ủy - UBND tỉnh Bến Tre có chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước đã liên tục đi khiếu kiện đông người, vượt cấp, thậm chí có những đảng viên ở ngoài dự án cũng ký tên phản ứng và yêu cầu cấp quyền sử dụng đất cho dân đang canh tác ở trong khu Lạc Địa.
|
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết trích lục bản đồ đất đai từ thời Pháp thuộc thì toàn bộ diện tích khu Lạc Địa là đất công điền của H.Ba Tri. Sau thời Pháp thuộc, đã được chính quyền cách mạng xác lập chủ quyền và liên tục là đất công do nhà nước quản lý. Lạc Địa là vùng căn cứ cách mạng quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau Giải phòng, chính quyền địa phương tổ chức một số mô hình kinh tế tập thể nhưng không đạt hiệu quả cao. Sau đó cho dân địa phương thuê (có hợp đồng thuê đất lâu nhất là 5 năm) làm nông nghiệp… Nhưng do khu đất chưa được đầu tư hạ tầng nên người dân thuê đất cũng canh tác không có hiệu quả như kỳ vọng.
Căn cứ tính pháp lý, tính cấp thiết của tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn như hiện nay, H.Ba Tri rất cần có thêm hồ chứa nước ngọt có trữ lượng lớn để cùng với Hồ nước ngọt Kênh Lấp hiện hữu (trữ lượng hơn 800.000 m3/năm) phục vụ cho dân trong các tháng mùa khô, xâm nhập mặn. UBND tỉnh Bến Tre cũng đã yêu cầu các địa phương cấp huyện còn lại tiến hành khảo sát để xây dựng các hồ trữ nước ngọt có trữ lượng lớn vì Bến Tre là tỉnh cuối nguồn Đồng bằng sông Cửu Long, hằng năm chịu ảnh hưởng rất nặng nề từ biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.
|
Ông Cao Văn Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre, cho biết qua nắm thông tin dư luận về dự án, hiện vẫn còn những phản ứng trái chiều từ một số người dân có lợi ích trong khu Lạc Địa. Song, đó chỉ là thiểu số, mang tính chất không chính đáng và sẽ không được xem xét cấp quyền sử dụng đất. Những hộ dân thuê đất trong Lạc Địa đều có đất, nhà ở bên ngoài khu vực này.
Tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, giải quyết khiếu kiện của những người dân theo quy định pháp luật, đồng thời đề nghị UBND tỉnh tiếp tục thực hiện các công tác rà soát, thiết kế thi công để dự án hồ chứa nước ngọt lớn nhất miền Tây sớm được khởi công theo đúng lộ trình đã đề ra.
Bình luận (0)