Chủ trì cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt các “chiến sĩ áo trắng”, lực lượng vũ trang. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chúng ta đã triển khai cách ly y tế rất sớm, ngay từ đầu, thậm chí di dời, nhường doanh trại quân đội cho công tác cách ly phòng chống dịch Covid-19. Do đó, kết quả phòng, chống dịch bệnh rất tốt.
Các đô thị đông dân đều phải lên kế hoạch cách ly diện rộng
Trong 23 ngày qua, không ghi nhận ca mắc mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 đã lan ra 84 quốc gia, vùng lãnh thổ, làm hơn 3.000 người tử vong, Thủ tướng nêu rõ, không được chủ quan, không mệt mỏi, chần chừ, cần kiên định, kiên quyết hơn. “Khi đạt kết quả rồi, các cấp, các ngành, các địa phương cũng dễ thỏa mãn, dễ chủ quan trong tư tưởng và hành động”, Thủ tướng nhắc nhở.
Ưu tiên bảo hộ công dân ở các nước có dịch Covid-19Chiều 5.3, tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết việc bảo hộ công dân tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Theo bà Hằng, Bộ Ngoại giao đã chủ động công bố và thường xuyên cập nhật thông tin, lưu ý công dân Việt Nam hạn chế, không nên đến các khu vực đang có dịch. Bộ Ngoại giao cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước để hỗ trợ công dân Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã mở đường dây nóng để hỗ trợ công dân... Đối với công dân Việt Nam nhiễm bệnh ở nước ngoài, các cơ quan đại diện Việt Nam thường xuyên liên hệ, thăm hỏi và yêu cầu các cơ quan chức năng sở tại quan tâm, điều trị tích cực. Hiện sức khỏe của các công dân Việt Nam nhiễm bệnh đều đã ổn định.
Liên quan tới thông tin Hàn Quốc sẽ đưa 3 đội phản ứng nhanh vào Việt Nam để giúp đỡ các công dân Hàn Quốc đang phải giám sát y tế, bà Hằng khẳng định: “Các yêu cầu của phía Hàn Quốc do cơ quan chức năng Việt Nam trực tiếp trao đổi và xử lý. Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện để Hàn Quốc bảo hộ công dân trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh và pháp luật Việt Nam, cũng như luật pháp quốc tế”. Vũ Hân |
Về phương án đối phó nếu dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Thủ tướng yêu cầu các đô thị đông dân đều phải lên kế hoạch cách ly trên diện rộng, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội. Ngành y tế và các ngành có liên quan cần củng cố và chi tiết hóa kế hoạch điều chuyển nhân lực y tế và nguồn lực hỗ trợ khác một cách nhanh chóng và hiệu quả đến các nơi trong tình huống ổ dịch Covid-19 xảy ra. Tiếp tục diễn tập khả năng phản ứng nhanh, tập trung và phối hợp liên ngành, liên địa phương. Cần lập kế hoạch dự phòng, về vị trí, chỗ ở lẫn nguồn cung ứng nhu yếu phẩm nếu phải cách ly trên diện rộng, không để tình trạng bất an, không tốt đối với người bị cách ly. Ngành tài chính đáp ứng mọi nhu cầu chống dịch bệnh đúng mức, kịp thời, hiệu quả.
Thủ tướng đồng ý các kiến nghị cụ thể của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như việc dừng hiệu lực của giấy miễn thị thực cấp cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài song song với dừng miễn thị thực đơn phương đối với quốc gia đó. Bộ VH-TT-DL và UBND các tỉnh, TP có phương án huy động một số khách sạn, cơ sở lưu trú để thực hiện việc tổ chức cách ly (trong trường hợp hết cơ sở cách ly do quân đội bố trí). Công dân thuộc tỉnh, TP nào thì được theo dõi, cách ly Covid-19 tại đó theo nguyên tắc: khi nhập cảnh vào Việt Nam được đưa vào khu cách ly tập trung ban đầu; tại đây được khám sàng lọc, những trường hợp không có biểu hiện sốt, ho, khó thở và không đến hoặc đi qua vùng dịch Covid-19 thì được chuyển về địa phương để theo dõi, cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thủ tướng giao Bộ Y tế mua thêm 20 triệu chiếc khẩu trang dự trữ và một số khẩu trang N95, trang phục chống dịch Covid-19.
Cách ly 4 người Trung Quốc sang Việt Nam trốn dịch
Liên quan đến việc cách ly, chiều 5.3, ông Nguyễn Đình Bách, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết lực lượng chức năng đã đưa 4 người Trung Quốc, gồm: Wang Shi Sen (23 tuổi), Wang Xiao Ming (26 tuổi), Wang Xiao Chao (28 tuổi, đều quê Phúc Kiến) và Su Chan Nan (39 tuổi, quê Quảng Đông) cùng 2 tài xế người Việt Nam vào cách ly phòng chống Covid-19 tại Trường Quân sự tỉnh (xã Thủy Bằng, TX.Hương Thủy).
Đáng lưu ý, trong số 4 người Trung Quốc, chỉ có Su Chan Nan xuất trình được hộ chiếu nhưng không có hồ sơ đóng dấu nhập cảnh. Hiện các ngành chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế đang đề nghị Cục Xuất nhập cảnh các phương án trục xuất những người này về nước. Cụ thể: cách ly 14 ngày sau đó trục xuất hoặc xét nghiệm, nếu âm tính Covid-19 thì sẽ trục xuất ngay.
Việt Nam bắt đầu sản xuất kit phát hiện vi rút SARS-CoV-2Ngày 5.3, Bộ KH-CN đã công bố kết quả chế tạo bộ sinh phẩm (bộ kit) phát hiện vi rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2) do Học viện Quân y và Công ty CP công nghệ Việt Á thực hiện sau 1 tháng nghiên cứu. Theo trung tướng, GS-TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, bộ kit sử dụng kỹ thuật sinh học phân tử (RT-PCR và realtime RT-PCR); quá trình nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sản xuất theo quy trình hết sức nghiêm ngặt và được sản xuất trên dây chuyền tiêu chuẩn ISO 13485, Labo kiểm định tiêu chuẩn ISO Class 8. Qua kiểm định độc lập tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, đánh giá trên các mẫu bệnh phẩm, tương thích với 5 loại thiết bị phổ biến ở các cơ sở y tế trong nước đều cho kết quả chính xác 100% ở tất cả các lần thử nghiệm.
Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư khẳng định, bộ sinh phẩm được khuyến cáo sử dụng để phát hiện SARS-CoV-2. Thời gian phát hiện vi rút trong khoảng 2 tiếng. Kết quả cho thấy, các tiêu chí tương đương bộ sinh phẩm do Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật của Mỹ (US CDC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sản xuất.
Về khả năng thương mại hóa sản phẩm, ông Phan Quốc Việt, Giám đốc Công ty CP công nghệ Việt Á, cho hay năng lực sản xuất của Việt Nam khoảng 10.000 bộ kit/ngày, với giá thành 400.000 - 600.000 đồng/bộ. Khi cần huy động, có thể tăng công suất lên 3 lần; hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, hoặc hỗ trợ quốc tế trong tình trạng dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều quốc gia.
T.Hằng
|
Trước đó, vào tối 4.3, lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế phát hiện xe khách 14B-03.451, loại 16 chỗ, chở 4 người Trung Quốc qua địa bàn xã Phú Thượng (H.Phú Vang) nên Đội phản ứng nhanh của Trung tâm y tế H.Phú Vang đã phối hợp với chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện kiểm tra sức khỏe và điều tra thông tin dịch tễ của những người này. Quá trình thăm khám ban đầu và tờ khai y tế cho thấy tất cả các trường hợp này không ho, không sốt và không khó thở. Theo ông Bách, qua làm việc với các ngành chức năng, 4 người Trung Quốc khai đi từ Quảng Ninh; dự kiến vào Đà Nẵng để trốn dịch Covid-19. Nhưng khi vào địa phận Thừa Thiên-Huế tìm quán ăn tối thì bị phát hiện...
Cùng ngày 5.3, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết đã có kết quả xác minh danh tính 5 hành khách nhập cảnh vào Việt Nam trên chuyến bay Việt Nam 814 - cùng chuyến bay với hành khách người Nhật dương tính với Covid-19. Theo đó, đã xác minh được 1 hành khách người Việt Nam và người này đã được đưa vào khu cách ly tập trung; còn người thân thì được cách ly tại nhà. 4 người còn lại, theo thông tin từ Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất, đều đã xuất cảnh trong ngày 4.3. Cụ thể: 3 người Pháp đi Bangkok (Thái Lan); 1 người Úc đã trở về Úc.
|
|
Bình luận (0)