Miền Trung chống dịch: Sức mạnh cộng đồng

16/06/2021 10:42 GMT+7

Yếu tố linh hoạt trong các giải pháp ứng phó của chính quyền địa phương cộng với tinh thần hợp tác, trách nhiệm của người dân đã làm nên sức mạnh cộng đồng.

Sau 2 đợt bị “dính” dịch Covid-19 tính đến thời điểm này, địa bàn TP.Đà Nẵng đã tự rút tỉa những kinh nghiệm quý. Vốn đã có kinh nghiệm từ đợt phòng chống đợt dịch thứ 2 (tháng 7.2020) nên người dân chủ động áp dụng các biện pháp cao nhất.
“Có thể thấy, dù TP chưa kích hoạt phương án chống dịch theo Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 16 nhưng người dân đã chủ động trong tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Không riêng gì tôi mà nhiều người dân đã hạn chế tối đa việc ra ngoài. Những ngày đầu tháng 5, đường phố Đà Nẵng vắng hoe vì người dân đều chủ động ở nhà”, anh Nguyễn Xuân Hòa (33 tuổi, trú tại Q.Sơn Trà) nói.
Ngay từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên trong cộng, Đà Nẵng đã kích hoạt ngay việc cấm tắm biển, các hoạt động, dịch vụ chuyển sang hình thức online, bán hàng mang về... Khoảng nửa tháng sau, Đà Nẵng tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách bằng taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi trên địa bàn, bao gồm các loại hình ứng dụng công nghệ như GrabCar; hoạt động giao nhận, vận chuyển hàng bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh trên địa bàn TP của người giao hàng công nghệ (shipper)... Những dịch vụ này chỉ được hoạt động trở lại từ ngày 28.5 khi nhân viên, tài xế đều có kết quả âm tính với Covid-19.

Khó khăn, nhưng không buồn…

Tại Quảng Trị, từ ngày 9.6 đã trải qua 28 ngày không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng nhưng chính quyền địa phương và người dân không hề có ý lơ là chủ quan. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, ý thức chấp hành các quy định phòng dịch của người dân rất cao, đặc biệt là ở các thời điểm buộc phải giãn cách toàn TP.Đông Hà.
Đặc biệt, người dân cũng đã biết cách tiết chế, không quá hoảng loạn mà bình tĩnh hơn trong việc chuẩn bị nhu yếu phẩm, thiết bị y tế… Tại cuộc họp đầu tháng 6, trước ý kiến đề xuất dỡ bỏ một số biện pháp phòng, chống Covid-19, nhưng lãnh đạo tỉnh đánh giá nguy cơ vẫn còn cao so nên vẫn phải tạm thời áp dụng…
Tại Quảng Bình, địa phương đã sớm đưa ra những quyết định để giữ an toàn cho cộng đồng, dù biết sẽ gây ra nhiều thiệt hại trước mắt. Đơn cử thời điểm dừng tổ chức các hoạt động còn lại của Tuần Văn hóa - du lịch Đồng Hới (từ ngày 23.4 - 2.5) của UBND TP.Đồng Hới.
Ông Hoàng Ngọc Đan, Chủ tịch UBND TP.Đồng Hới, cho hay thời điểm đó, các chương trình liên hoan, đua thuyền, nghệ thuật, lễ hội cù... dự kiến diễn ra trong những ngày nghỉ lễ, thời điểm du khách đổ về rất đông nên rất khó cho công tác phòng chống dịch. Đáng chú ý, gần như không có ai phản ứng trái chiều mà đã đồng tình, ủng hộ với quyết định dừng các sinh hoạt cộng đồng.
Nguyễn Phúc - Trương Quang Nam
Sau đó, khi vượt mốc 21 ngày không có ca bệnh trong cộng đồng, TP vẫn thận trọng nới lỏng các hoạt động, dịch vụ. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, cả người dân lẫn các chủ quán, chủ tiệm bán hàng tuy mong đợi được nới lỏng nhưng cũng hết sức thận trọng và tuân thủ các quy định trong phòng chống dịch.
Hôm qua 15.6, Đà Nẵng cũng đã “cán” mốc 28 ngày không có ca bệnh trong cộng đồng. Nhìn lại chặng đường chống dịch đợt này, phương thức tổ chức giãn cách của chính quyền địa phương đã nhận được sự đồng thuận rất cao trong người dân.
Ở địa bàn giáp ranh phía nam, hơn 1 tháng chưa ghi nhận thêm ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng là thành quả tổng hợp của Quảng Nam, trong đó có sự chung sức của nhân dân. Khi UBND tỉnh yêu cầu tạm dừng các hoạt động không thiết thực, giãn cách tối thiểu 2 m đối với quán xá…, người dân tiếp nhận thông tin và ứng phó với sự đồng thuận cao.
Nhớ lại thời điểm Đà Nẵng ghi nhận ca dương tính Covid-19 là nam bệnh nhân người TP.Hội An, dù chính quyền chưa yêu cầu nhưng chị Nguyễn Thị Hoa (ở P.Cẩm An, TP.Hội An) vẫn tự giác đóng cửa cơ sở kinh doanh buôn bán của mình trong khu phố cổ.
“Đà Nẵng ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng mà Hội An lại tiếp giáp, thì khó tránh khỏi sẽ có ca nhiễm. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho gia đình và muốn góp sức cùng chống dịch, tôi tự nguyện tạm dừng hoạt động kinh doanh. Việc phòng, chống dịch chỉ có được hiệu quả khi mỗi người hưởng ứng bằng những việc làm thiết thực”, chị Hoa nói.
Giống như Đà Nẵng, phố cổ Hội An là địa chỉ dễ trở thành “điểm nóng” về dịch bệnh bởi thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Vì thế, mỗi khi “đóng cửa”, người dân luôn chịu thiệt thòi. Chị Hoa cũng vừa mở cửa trở lại sau đợt dịch trước đã vướng đợt mới. “Dù biết sẽ gặp khó khăn khi đóng cửa sớm, nhưng tôi không buồn. Bởi mỗi cá nhân phải có trách nhiệm với cộng đồng. Mong rằng giai đoạn khó khăn này sẽ sớm qua nhanh”, chị Hoa chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.