Mù Cang Chải tang thương sau lũ

04/08/2017 08:00 GMT+7

* 15 người chết và mất tích Cơn lũ dữ bất ngờ ập đến TT. Mù Cang Chải (H.Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) giữa lúc bình minh, khiến nhiều người không chạy kịp đã bị cuốn trôi mất tích hoặc vùi lấp trong đất đá.

Thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái cho biết, đến cuối giờ chiều 3.8, chỉ tìm được 2 người chết, vẫn còn 13 người mất tích, dù trong ngày cơ quan chức năng huy động gần 500 người tìm kiếm.
Thanh niên tình nguyện H.Mù Cang Chải tìm kiếm tài sản của người dân bị vùi lấp trong bùn đất Ảnh: Vân Kiều
Lũ rút đi, TT.Mù Cang Chải vẫn còn mưa lớn, đất đá ngổn ngang khiến công tác tìm kiếm cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn. Tổng thiệt hại do mưa lũ tại H.Mù Cang Chải ước tính trên 150 tỉ đồng.
Lũ về trong đêm, 4 người chết và 12 người mất tích tại Sơn La
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Văn Thành, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La, cho biết mưa lớn từ 21 giờ ngày 2.8 đã khiến lũ lớn ập về trong đêm tại TT.Ít Ong và xã Nậm Păm gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Cho đến 15 giờ 30 chiều 3.8, tại hai địa phương nói trên đã ghi nhận có 4 người chết và 12 người khác đang mất tích do bị lũ cuốn trôi. Ngay ở TT.Ít Ong, nhiều ô tô tải của người dân bị lũ cuốn nằm chỏng chơ trên dòng suối Nậm Păm. Nghiêm trọng nhất là tuyến QL279 từ Mường La (Sơn La) đi Than Uyên (Lai Châu) sạt lở nhiều đoạn khiến giao thông tê liệt, chia cắt. Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, nước lũ cuốn trôi, làm hư hỏng 183 ngôi nhà,
2 cầu dân sinh và 3 khu nhà kho chứa vật liệu xây dựng của các hộ kinh doanh tại TT.Ít Ong. Còn tại xã Nậm Păm, các công trình trường học và trạm y tế cũng bị nước lũ tràn vào, cuốn đi nhiều trang thiết bị, tài sản. Ước tính sơ bộ thiệt hại do mưa lũ tại Sơn La lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Diễn ra trong khoảng 20 phút nhưng trận lũ ống, lũ quét xảy ra ngay trung tâm TT.Mù Cang Chải là cú sốc với người dân ở thị trấn miền núi này khi nó để lại hậu quả thảm khốc. Địa bàn tổ 8, TT.Mù Cang Chải là nơi lũ ống, lũ quét tàn phá mạnh nhất. Hàng chục ngôi nhà từng là nơi sinh sống, kinh doanh của người dân bị lũ xóa sổ hoàn toàn. Dấu hiệu để cảm nhận sự thảm khốc của trận lũ này là gần 10.000 m3 đất đá, có những phiến đá to bằng chiếc ô tô nằm lăn lóc trên đoạn đường gần 2 km nơi cơn lũ tràn qua.
Chiều 3.8, không khí ảm đạm tang thương bao trùm tổ 8 TT.Mù Cang Chải, nhiều gia đình vĩnh viễn mất đi người thân, nhà cửa bị phá hủy tan tành.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Luyến, Bí thư Chi bộ tổ 8, TT.Mù Cang Chải, kể khoảng 5 giờ 30, bà vừa tỉnh giấc thì phát hiện dòng nước đỏ quạch bùn đất ùn ùn kéo về. Nhận thấy dấu hiệu bất thường, bà Luyến điện báo cho lãnh đạo địa phương và hô hoán chồng là ông Phạm Xuân Thanh cùng con gái Phạm Thị Phương Thảo thức dậy để chạy lũ. Nước càng lúc càng dâng cao, chảy mạnh, bà Thanh chạy khỏi nhà, hướng lên các khu nhà ở khua khoắng người dân thức dậy để chạy lũ. Nhưng 10 phút sau, lũ cuồn cuộn đổ về, dòng người hoảng loạn chạy ngược lên đồi. “Khi tôi trở lại nhà, không thể tin trước mắt mình, nước lũ đã bủa vây, chồng con không thấy đâu. Hai bố con bị lũ cuốn nhưng may mắn một người bị đánh dạt vào ta luy, một người mắc lại ở khu nhà bên dưới được người dân cứu, thoát chết trong gang tấc”, bà Luyến nói.
Cũng theo bà Luyến, trong số những hộ thiệt hại ở tổ 8, đau thương nhất là hộ anh Lê Doãn Dũng vừa xây được căn nhà khang trang, được ít bữa bỗng chốc trắng tay. Lũ cuốn trôi toàn bộ nhà cửa cùng vợ là chị Hiền và hai con nhỏ Lê Thị Yến Nhi (5 tuổi), Lê Bống (1 tuổi) chưa kịp thoát ra bên ngoài, chỉ có anh Dũng là thoát nạn.
Ở phía bên kia bờ suối Nậm Kim, đối diện khu nhà bà Luyến, 4 thành viên gia đình chị Nguyễn Thị Dung, giáo viên Trường tiểu học xã Kim Nọi, cũng kịp thoát thân bằng lối đi sau nhà. Khi mặt đường trước nhà lũ cuộn chảy, đá va vào nhau phát ra những âm thanh đôm đốp nghe đến rợn người. “Nghe tiếng động trước nhà, tôi ngạc nhiên tự hỏi, không biết ô tô ở đâu chạy về đây nhiều thế. Khi mở cửa, dòng lũ chảy qua ào ạt. Tôi bế cháu nhỏ, chồng bế con lớn vọt ra sau nhà lên phía đồi thông”, chị Dung nhớ lại thời khắc kinh hoàng.
Đứng trên đồi thông nhìn xuống, chị Dung chứng kiến những hình ảnh hãi hùng. Lũ đi đến đâu, nhà cửa đổ sập đến đó. Dòng lũ cũng quất trúng dãy nhà tập thể của giáo viên Trường tiểu học và THCS TT.Mù Cang Chải. May mắn, các thầy cô đang có chuyến đi tập huấn nghiệp vụ nên không ở nhà, chỉ có một giáo viên cùng con ngủ lại, được ứng cứu thoát ra kịp thời. Cũng theo chị Dung, người mất tích do lũ cuốn vì lũ ập đến quá nhanh và bất ngờ, có người dù đã chạy ra đường nhưng không kịp thoát lên khu đồi cao, có người bị cuốn trôi khi chưa kịp ngủ dậy.
Trường tiểu học và THCS TT.Mù Cang Chải ngập ngụa bùn đất, bị lũ chọc thủng, phá hủy nhiều phòng học Ảnh: Vân Kiều
Dốc toàn lực tìm kiếm người mất tích
Cơ quan chức năng đã chia làm 3 đoàn chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn, ưu tiên nhất là đoàn chỉ đạo tìm kiếm người mất tích, một đoàn tập trung lực lượng dọn dẹp hiện trường, đoàn còn lại chỉ đạo cứu chữa người bị thương và sắp xếp nơi ăn chốn ở cho các gia đình bị mất nhà cửa. Trên địa bàn H.Mù Cang Chải có 32 căn nhà bị lũ đánh sập hoàn toàn, cuốn trôi mất tích và 14 ngôi nhà bị hư hỏng nặng.
Trong ngày, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ bước đầu gia đình có người chết và mất tích là 10 triệu đồng/người; hỗ trợ 2,5 triệu đồng/người bị thương. Các hộ mất nhà cửa được hỗ trợ lương thực trong 6 tháng. Để ứng phó với mưa lớn trong những ngày tới, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái yêu cầu UBND H.Mù Cang Chải rà soát toàn bộ các gia đình ven suối Nậm Kim cho đến khu vực lòng hồ thủy điện Khao Mang Thượng để vừa tìm kiếm người mất tích, vừa cảnh báo người dân phải sơ tán khi có mưa lớn.
Những phiến đá to bằng ô tô, nặng hàng chục tấn ngổn ngang ở TT.Mù Cang Chải Ảnh: Hà Yên
Ngay trong ngày 3.8, đoàn công tác của Chính phủ, do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm trưởng đoàn đã có mặt tại TT.Mù Cang Chải thị sát hiện trường, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp đi thăm hỏi, động viên và hỗ trợ 10 triệu đồng cho mỗi gia đình có người chết và mất tích; hỗ trợ 5 triệu đồng cho gia đình có người bị thương do mưa lũ.
Thống kê của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) và các tỉnh miền núi phía bắc, đến chiều 3.8, mưa lũ tại Yên Bái, Bắc Kạn, Sơn La và Lai Châu đã làm 7 người chết (Yên Bái 2 người, Sơn La 4 người, Bắc Kạn 1 người) và 27 người đang mất tích (Yên Bái 13 người, Sơn La 12 người, Lai Châu 2 người).
Ngoài ra, ở các tỉnh nói trên cũng ghi nhận có 12 người bị thương (Sơn La 3 người, Yên Bái 9 người) do mưa lũ và sạt lở đất. Tối 3.8, Bộ Quốc phòng đã có công điện gửi Tổng cục Chính trị, Bộ Tư lệnh các quân khu 1, 2, 3 triển khai lực lượng giúp đỡ người dân trên địa bàn đóng quân khắc phục hậu quả mưa lũ, tham gia tìm kiếm cứu nạn và sẵn sàng ứng phó với các tình huống khi có mưa lớn.
Chiều 3.8, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cảnh báo, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với xoáy thấp phát triển trên khu vực Bắc bộ nên các tỉnh Bắc bộ, đặc biệt là khu vực miền núi phía bắc vẫn còn mưa lớn trên diện rộng. Các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng... cần đặc biệt cảnh giác với mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.