Chưa có ca nào lây trong môi trường y tế
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã cập nhật nhiều thông tin tích cực mà buổi sáng cùng ngày, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã thảo luận và thống nhất. Theo đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như bạn bè quốc tế đánh giá Việt Nam làm rất tốt trong kiểm soát dịch bệnh.
|
Từ 13.2 đến nay không phát sinh ca bệnh Covid-19 mới, kể cả tại “tâm dịch” là xã Sơn Lôi (H.Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Bên cạnh đó, việc điều trị tất cả các ca bệnh nhiễm Covid-19 đều tiến triển rất khả quan. “Trong số 16 ca mắc bệnh thì 7 bệnh nhân đã khỏi và xuất viện; còn lại 9 người, tình hình điều trị cũng rất khả quan”, ông Tuyên nói.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết thêm, cháu bé 3 tháng tuổi đang điều trị tại BV Nhi T.Ư khi xét nghiệm lần thứ nhất đã cho kết quả âm tính với Covid-19. Đặc biệt, người mẹ cũng không bị lây nhiễm Covid-19.
“Điều quan trọng nữa là, Việt Nam chưa có trường hợp nào lây lan trong môi trường y tế - nghĩa là chưa có ca nào lây cho cán bộ y bác sĩ điều trị người bị bệnh”, ông Đam nhấn mạnh.
“Tại Khánh Hòa, đã qua 30 ngày không phát hiện thêm ca nhiễm mới, là đã đủ điều kiện tuyên bố hết dịch. Hay như Thanh Hóa, cũng đã qua 23 ngày không xuất hiện thêm ca nhiễm, và các thủ tục sẽ được chuẩn bị để trong 5 ngày tới có thể công bố hết dịch theo quy định”, Phó thủ tướng nói thêm. Bên cạnh đó, theo ban chỉ đạo, Việt Nam cũng đang kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh; việc cách ly, khoanh vùng dập dịch Covid-19 được thực hiện nghiêm theo quy định; hệ thống xét nghiệm, phát hiện bệnh cũng hoạt động nhuần nhuyễn và nhanh hơn.
Không chủ quan, tiếp tục đề cao cảnh giác
Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Không chỉ phòng và chống rất tốt, đến nay, chúng ta đã chữa, không để một trường hợp nào nhiễm Corona rơi vào tình trạng nguy hiểm”. Thủ tướng đã biểu dương, cảm ơn sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành y tế.
|
“Chúng ta sẽ tiếp tục công bố số người ra viện trong thời gian tới; nhiều tỉnh sẽ công bố hết dịch theo quy định. Tuy nhiên, chúng ta không chủ quan, tiếp tục đề cao cảnh giác với dịch bệnh nhưng phải bình tĩnh, bảo đảm cuộc sống bình thường và lo làm ăn kinh tế, giữ vững ổn định xã hội”, Thủ tướng yêu cầu.
Nhắc lại dịch SARS năm 2003, người đứng đầu Chính phủ cho biết chỉ sau 45 ngày có dịch, Việt Nam đã được WHO công nhận là quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS, và ở thời điểm này, chúng ta càng tự tin hơn với các phương tiện và quyết tâm hiện có.
Mới thành công một nửa
Dù vậy, Thủ tướng lưu ý rằng, “đẩy lùi được dịch thì mới thành công một nửa”. Yêu cầu lớn hơn của Chính phủ là phải giảm thiểu tác động đến đời sống người dân và nền kinh tế.
“Không vì chống dịch mà ngừng trệ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Phải giữ nhịp điệu sản xuất, đi lại của người dân; kiên quyết giữ vững và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đề ra. Như vậy mới gọi là thành công trọn vẹn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng cho rằng, khi nói “hy sinh một vài lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho người dân”, Chính phủ không chọn giải pháp dễ là đóng cửa mọi thứ. “Thay vào đó, chúng ta chọn giải pháp khó hơn, tức là làm sao vẫn duy trì điều kiện đi lại cho người dân, du khách, tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, thương mại nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho người dân”, Thủ tướng nói và đánh giá cao những ngành, những doanh nghiệp đã “chuyển nguy thành cơ”, như: xử lý tốt ứ đọng nông sản (trái thanh long; nhiều chuyến hàng xuất khẩu nông sản bằng đường biển, đường bộ được khơi thông)...; nhiều doanh nghiệp có cách làm sáng tạo để đảm bảo quá trình sản xuất, kinh doanh bình thường.
Người đứng đầu Chính phủ phát đi thông điệp mạnh mẽ “Việt Nam có môi trường kinh doanh, du lịch và môi trường sống an toàn, hấp dẫn”. “Việt Nam không chỉ là điểm đến an toàn vì những nỗ lực phòng chống dịch rất hiệu quả, mà còn an toàn một cách tự nhiên, nhờ vào điều kiện thời tiết sẽ sớm ấm áp trên cả nước”, Thủ tướng nói và đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động đón đầu để không bỏ lỡ cơ hội tăng tốc. Chính phủ sẽ có các kịch bản tăng trưởng, các chính sách phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh.
Yêu cầu đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Liên quan đến việc đảm bảo phát triển kinh tế, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương.
Theo đó, Bộ KH-ĐT được giao hoàn thiện các kịch bản tăng trưởng theo các diễn biến tình hình dịch; riêng với kịch bản tăng trưởng GDP theo chỉ tiêu đã đề ra (6,8%) cần xác định rõ các mức phấn đấu cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực trong mỗi quý và có những giải pháp, đối sách kịp thời.
Thủ tướng yêu cầu có kế hoạch tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại thị trường, đa dạng hóa, mở rộng thị trường quốc tế, tận dụng tốt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; đồng thời đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa. Lập phương án nhập khẩu nguyên liệu; thúc đẩy sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng; kiểm soát tốt thị trường, giá cả. Đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển du lịch, dịch vụ… và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng xem xét, quyết định; đề xuất các giải pháp, chính sách về thuế, phí, lệ phí, giảm chi phí sản xuất kinh doanh để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thanh Hóa chuẩn bị hồ sơ để được công bố hết dịchChiều 17.2, ông Lương Ngọc Trương, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, cho biết sau cuộc họp cùng ngày của Chính phủ, ngành y tế Thanh Hóa đang chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục gửi Bộ Y tế, Chính phủ để được công bố hết dịch Covid-19 khi đủ 28 ngày (đã được 25 ngày, tính từ ngày 23.1, thời điểm phát hiện bệnh nhân dương tính với Covid-19).
Theo thông tin từ Sở Y tế Thanh Hóa, tính đến 16 giờ ngày 17.2, toàn tỉnh có 18 người nghi nhiễm Covid-19, trong đó 13 người đã có kết quả âm tính với Covid-19 và xuất viện; hiện còn 5 người đang được cách ly, theo dõi tại các cơ sở y tế chờ kết quả xét nghiệm Covid-19.
Ngoài ra, từ khi xuất hiện ca bệnh dương tính với Covid-19 (ngày 23.1) cho đến nay, Thanh Hóa đã tổ chức cách ly, theo dõi y tế về Covid-19 tại nơi cư trú tổng số 3.265 người. Đến ngày 17.2, chỉ còn phải theo dõi 595 người, số còn lại đã qua 14 ngày, nên không còn trong danh sách cách ly, theo dõi về Covid-19.
Minh Hải
|
Bình luận (0)