Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo), 2 ca mắc được công bố sáng nay là bệnh nhân Covid-19 thứ 2.402 - 2.403 ghi nhận trong nước, tại Hải Dương.
2 bệnh nhân 2402 và 2403 là các trường hợp F1 liên quan đến ổ dịch tại Công ty TNHH điện tử Poyun (TP.Chí Linh), đều đã được cách ly tập trung trước đó. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 1 - Trung tâm Y tế TP.Chí Linh.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị thuộc Ban Chỉ đạo, hôm nay, thêm 43 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Trong số 2.043 ca mắc ghi nhận tại Việt Nam từ đầu dịch đến nay, 1.760 ca điều trị khỏi; 1.504 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước.
Từ ngày 27.1 (thời điểm ghi nhận ca mắc tại TP.Chí Linh, tỉnh Hải Dương và sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) đến nay, đã ghi nhận 811 trường hợp mắc do lây nhiễm trong nước tại 13 tỉnh, thành phố, gồm: Hải Dương, Quảng Ninh, TP.HCM, Hà Nội, Gia Lai, Bình Dương, Bắc Ninh, Điện Biên, Hưng Yên, Hòa Bình, Bắc Giang, Hải Phòng và Hà Giang.
Hiện, 88.583 người tiếp xúc gần ca bệnh và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe, phòng dịch Covid-19.
Tiếp nhận lô vắc xin Covid-19 đầu tiên về Việt Nam
Khoảng 10 giờ sáng nay, lô vắc xin đầu tiên về đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Đây là lô vắc xin Covid-19 do Công ty AstraZenca (Anh) sản xuất, Công ty CP vắc xin Việt Nam (VNVC) nhập khẩu. Hiện, VNVC là công ty duy nhất đủ điều kiện để được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu vắc xin, theo cơ chế phục vụ chống dịch khẩn cấp.
|
Đây là lô vắc xin thuộc 240.000 liều đầu tiên về Việt Nam, được Bộ Y tế phê duyệt nhập khẩu trong tháng 2.
Sáng nay, ngay sau khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất, hoàn thành các thủ tục thông quan, lô vắc xin sẽ được vận chuyển bằng xe chuyên dụng, với hệ thống bảo quản nghiêm ngặt theo khuyến cáo của nhà sản xuất và nhập kho lạnh bảo quản tại TP.HCM.
Theo VNVC, lô vắc xin đầu tiên đã về sớm hơn dự kiến ban đầu, do đó, kế hoạch triển khai tiêm vắc xin chống dịch cho các nhóm ưu tiên cũng được thực hiện ngay trong tháng 3 tới. Việc tiếp nhận đăng ký tiêm vắc xin Covid-19 từ người dân tiêm dịch vụ đã tạm dừng, chờ hướng dẫn từ Bộ Y tế.
Theo kế hoạch của Bộ Y tế, những lô vắc xin đầu tiên sẽ được ưu tiên tiêm cho nhân viên y tế, cán bộ tham gia phòng chống dịch, trong 11 nhóm ưu tiên được tiếp cận vắc xin Covid-19 trong năm nay.
“VNVC đã sẵn sàng đội ngũ nhân sự và cơ sở vật chất để có thể đáp ứng phục vụ đến 4 triệu liều vắc xin Covid-19 cho mỗi tháng và đảm bảo các mũi tiêm an toàn”, ông Bùi Kim Khánh, Giám đốc toàn quốc Hệ thống VNVC, cho biết.
Sau lô vắc xin đầu tiên, trong nửa đầu năm 2021, VNVC sẽ đưa về Việt Nam 30 triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca. Các nhóm ưu tiên và người dân trong nước sẽ chính thức được tiêm vắc xin Covid-19 chất lượng cao, như tại châu Âu và nhiều quốc gia lớn trên thế giới, góp phần khống chế đại dịch.
Ngày 1.2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký văn bản phê duyệt có điều kiện vắc xin do nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Vắc xin phòng Covid-19 được phê duyệt (Covid-19 vaccine AstraZeneca) do Công ty AstraZeneca sản xuất. Công ty CP vắc xin Việt Nam nhập khẩu. Vắc xin được đóng gói hộp 10 lọ, mỗi lọ chứa 8 liều, mỗi liều 0,5ml.
Theo Bộ Y tế, trước mắt, trong quý 1 này, 50.000 liều vắc xin đầu tiên sẽ về đến Việt Nam. Sẽ có 30 triệu liều vắc xin được cung cấp cho Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay, thay vì kéo dài đến hết năm, như dự kiến ban đầu.
Đây là số lượng lớn mà Việt Nam có thể mua, sau thời gian đàm phán, trong lúc nhu cầu vắc xin đang tăng rất cao tại các quốc gia.
Cục Khoa học Công nghệ (Bộ Y tế) sẽ là đầu mối triển khai đánh giá tính an toàn dịch đối với vắc xin Covid-19 AstraZeneca. Lãnh đạo Cục cho biết, giai đoạn này sẽ được triển khai rất khẩn trương, đáp ứng nhu cầu chống dịch khẩn cấp. Vắc xin đã được tiêm rộng rãi đáp ứng miễn dịch tốt, trước khi về Việt Nam.
|
|
Bình luận (0)