Sau 23.8, TP.HCM không phải phong tỏa hay trong tình trạng khẩn cấp

21/08/2021 15:47 GMT+7

Ông Phạm Đức Hải cho biết việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tăng cường sau ngày 23.8 không phải là phong tỏa hay đặt TP.HCM trong tình trạng khẩn cấp.

Lúc 15 giờ hôm nay 21.8, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về các biện pháp ứng phó với dịch bệnh trên địa bàn trong những ngày tới. Đây là buổi họp báo thứ 3 liên tiếp trong 3 ngày qua.

Hôm qua, 20.8, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê thông tin kể từ đầu tuần sau (23.8), TP.HCM sẽ áp dụng 5 biện pháp tăng cường, nâng cao để đẩy nhanh việc kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn, người dân được yêu cầu “ai ở đâu ở yên đó”.

Từ 23.8, dân trong “vùng xanh”, “vùng vàng” tại TP.HCM vẫn đi chợ bình thường

Mở đầu buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 cho biết sau khi thành phố thông tin tiếp tục tăng cường nâng cao các biện pháp tương xứng với tính chất lây lan của Covid-19 thì người dân có tâm lý lo lắng, nên sáng nay (21.8) ghi nhận tình trạng bà con ra đường đông để mua sắm tích trữ hàng hóa.
Ông Hải nói rằng đây là tình trạng mất trật tự giãn cách xã hội, đe dọa, nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nếu tình trạng này không chấm dứt sẽ khó kiểm soát được dịch bệnh.
Do đó, Ban chỉ đạo khẳng định không thực hiện phong tỏa TP.HCM trong 2 tuần tới cũng như không thực hiện tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh. Vì theo khoản 2 điều 42 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, thì trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp ngay thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố.
Ông Hải khẳng định việc tiếp tục tăng cường nâng cao các biện pháp để tương xứng với tính chất mức độ lây lan dịch bệnh.
Cụ thể, về lực lượng, hiện bao gồm y tế, công an, quân đội và nhiều lực lượng cán bộ công chức, người tình nguyện. Ông Hải cho biết lực lượng này đã có từ trước và được Trung ương tăng cường. Thứ 2 là tăng cường thêm phương tiện máy móc thiết bị, xe xét nghiệm, dụng cụ xét nghiệm và thuốc.
TP.HCM cũng tăng cường thêm lương thực, thực phẩm để chăm lo đời sống người dân để họ yên tâm phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, TP.HCM tăng cường siết chặt, bởi vì trước đây giãn cách chưa nghiêm, kỷ luật chưa nghiêm nên giờ phải siết chặt lại cho nghiêm hơn.
Ông Hải thông tin trong quá trình thực hiện sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, đồng thời bày tỏ mong nhận được phản ánh từ người dân và cơ quan báo chí để điều chỉnh, với mục tiêu cao nhất là sớm kiểm soát dịch bệnh.
Phó trưởng Ban chỉ đạo chòng chống dịch Covid-19 TP.HCM Phạm Đức Hải mong người dân TP.HCM bình tĩnh, cảnh giác thực hiện các biện pháp theo 5K + vắc xin + thuốc; cùng "thắt lưng buộc bụng" trong 14 ngày để sẵn sàng chia sẻ khó khăn, chung tay đoàn kết để vượt qua dịch bệnh.

Bản tin Covid-19 ngày 21.8: Cả nước kỷ lục công bố 13.439 ca một ngày | TP.HCM ra quy định giãn cách tối đa

Các trường hợp được cấp giấy phép lưu thông theo quy định của UBND TP.HCM:

- Cán bộ, công chức viên chức, người lao động thuộc các cơ quan Đảng, Chính quyền, Đoàn thể, Mặt trận Tổ Quốc.
- Người làm việc tại các lĩnh vực thiết yếu về tài chính: ngân hàng, chứng khoán.
- Người lao động tại các đơn vị thuộc ngành giao thông vận tải trên địa bàn thành phố.
- Nhân viên giao hàng của hệ thống phân phối.
- Nhân viên giao hàng của đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm, suất ăn, trang thiết bị, vật tư y tế phòng dịch.
- Nhân viên phục vụ tại hệ thống phân phối, điện lực.
- Nhân viên làm việc tại các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa, cửa hàng xăng dầu, gas.
- Người lao động tại các đơn vị thuộc ngành xây dựng trên địa bàn thành phố (cấp thoát nước, công viên, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật…)
- Các công ty bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư…
- Nhân viên y tế và lực lượng hỗ trợ y tế tham gia chống dịch bệnh Covid-19 (không khống chế số lượng), người đi cách ly và đi cách ly về…
- Công an di chuyển thay ca làm việc tại các chốt, trạm kiểm soát, tổ tuần tra và lực lượng phối hợp.
- Quân sự di chuyển thay ca làm việc tại các chốt, trạm kiểm soát, tổ tuần tra và lực lượng phối hợp.
- Nhân viên làm nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động ngoại giao.
- Nhân viên các cơ quan lãnh sự, ngoại giao đi thi hành nhiệm vụ đột xuất....
- Lực lượng hỗ trợ, cứu trợ thuộc điều phối Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (bếp ăn, từ thiện, lực lượng thiện nguyện...)
- Lực lượng cung ứng dịch vụ viễn thông, lực lượng báo chí.
- Lực lượng cung ứng dịch vụ bưu chính nhà nước.
- Dịch vụ công chứng.
- Nhân viên vệ sinh môi trường, hoạt động tang lễ.
- Các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ.
- Nhân viên khách sạn, nhà nghỉ phục vụ cách ly y tế và lực lượng phòng chống dịch do cấp huyện, cấp xã trưng dụng.
- Người dân đi tiêm ngừa vắc xin Covid-19.
- Tổ Covid-19 cộng đồng.
- Cấp cứu, khám chữa bệnh định kỳ.
- Người dân vùng xanh đi chợ trên địa bàn theo quy định.
- Người đi chợ thay.
- Các cơ sở sản xuất thực phẩm (như bánh mì, tàu hũ, bún, hủ tíu…), cơ sở suất ăn công nghiệp.
- Các công ty bảo hiểm (chỉ thực hiện các hoạt động liên quan công tác giám định, lập hồ sơ bồi thường và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng)
- Nhân viên cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ..) phục vụ cách ly người nước ngoài, nhân viên y tế… do Sở Du lịch TP.HCM quản lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.