Quá thiếu trách nhiệm
Nhiều bạn đọc (BĐ) Báo Thanh Niên cảm thấy rất khó hiểu khi Nhà máy nước sông Đà vẫn “bình tĩnh” lấy nguồn nước bẩn vào để “xử lý như bình thường” rồi cấp nước cho khách hàng.
BĐ Hoàng Trường Giang (TP.HCM) nhận định: “Giả sử có người đổ chất thải xuống sông đi nữa thì trước lúc lấy nước, người của nhà máy phải kiểm tra kỹ chất lượng nguồn nước. Nhà máy nước sông Đà đã quá thiếu trách nhiệm trong việc kiểm soát chất lượng nguồn nước”. Đồng tình, BĐ Vũ Xuân Quang (TP.HCM) khẳng định: “Nhà máy nước thừa biết nước thô nhiễm dầu, nhưng cứ xử lý như nước thường, nên trách nhiệm của họ là rất lớn!”. Cũng thắc mắc ấy, BĐ Nhâm Trần (Hà Tĩnh) đặt câu hỏi: “Nếu nguồn nước đầu nguồn bị bẩn thì khi vô nhà máy, nhà máy phải phát hiện ra chứ? Sao lại dẫn nguồn nước bẩn tới dân? Khó hiểu”.
|
BĐ Báo Thanh Niên còn nhận xét, câu chuyện kiểm soát chất lượng nguồn nước không chỉ đáng lo ở yếu tố dân sinh, mà còn gióng lên hồi chuông báo động ở nhiều lĩnh vực khác. BĐ Khách qua đường (Hà Nội) nhận xét: “Điện - nước luôn là các mục tiêu cần được bảo vệ ở mức độ cao. Nhưng qua sự việc này, tôi có cảm giác hóa ra đó lại là các mục tiêu dễ bị tổn thương nhất”. BĐ Phu Quang Hải (TP.HCM) lo lắng đề nghị “xem xét các nghi phạm đổ thải xuống nguồn nước này có yếu tố nước ngoài hay không?”. BĐ Phạm Văn Long (Hà Giang) cho rằng trong sự cố nước sạch sông Đà “không loại trừ khả năng phá hoại...”.
Không chỉ là trách nhiệm của nhà máy nước
Từ những lời khai ban đầu của 2 nghi phạm “đổ trộm dầu thải” được cơ quan chức năng cung cấp, nhiều BĐ nhận xét sự cố “nước sạch nhiểm bẩn” không chỉ là trách nhiệm của Nhà máy nước sông Đà.
Tại cơ quan công an, 2 nghi phạm khai nhận được thuê đi từ Bắc Ninh đến một công ty gạch, gốm sứ ở Phú Thọ để bơm chất thải vào 10 thùng chứa, sau đó di chuyển về một công ty ở Hưng Yên để gửi xe. Hai ngày sau, các nghi phạm chở chất thải đến địa bàn xã Phúc Tiến (H.Kỳ Sơn, Hòa Bình), xả thải xuống nguồn nước. BĐ ngạc nhiên vì chất thải đã có thời gian đi “lòng vòng liên tỉnh” trước khi được xả xuống nguồn nước. Việc kiểm soát xử lý chất thải từ cơ sở sản xuất đã bị buông lỏng?
Nhiều BĐ cho rằng trong vụ việc trên, các nghi phạm đổ chất thải xuống sông suối, nguồn nước dùng cho sinh hoạt, nên bị phát hiện. Nhưng nếu họ lén lút đem chôn lấp thì… “có trời mới biết”. Vì vậy, nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan quản lý môi trường là phải thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, kiểm tra các chất thải đã được xử lý như thế nào, ở đâu.
BĐ Nam (Thái Bình) nhận xét việc các nghi phạm đổ bậy chất thải sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật, nhưng không thể chỉ mang các nghi phạm này ra “quy trách nhiệm liên quan đến nguồn nước sạch”. Vì điều quan trọng hơn cả, theo BĐ Nam, là: “Việc bảo vệ nguồn nước sạch ra sao? Khi có sự cố đã cảnh báo dân chưa? Cảnh báo như thế nào?”.
Bình luận (0)