Biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Sau khi xem những thước phim về sạt lở, với trách nhiệm của một người đứng đầu địa phương và là người trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục thiên tai nhưng tôi thực sự rất xúc động với những gì đã xảy ra trên quê hương mình".
"Qua những thước phim vừa rồi, chúng ta thấy được sự khốc liệt của thiên tai tàn phá ở khu vực miền núi của các tỉnh miền Trung như thế nào. Nhưng nếu chúng ta có dịp đi đến tận nơi, chứng kiến hiện trường thì chúng ta thấy sự khủng khiếp hơn nhiều", ông Lê Trí Thanh chia sẻ thêm.
|
|
Theo ông Lê Trí Thanh, năm 2020 này là năm khốc liệt nhất do thiên tai gây ra, riêng tỉnh Quảng Nam có 43 người chết, 17 người mất tích, chưa kể thiệt hại về cơ sở vật chất, hoa màu, sản xuất, thiệt hại gần 11.000 tỉ đồng.
"Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết 88 về phát triển vùng đồng bằng, dân tộc miền núi, chính vì vậy, trước những diễn biến ngày càng phức tạp như vậy, chúng tôi rất mong tại hội thảo này chúng ta cố gắng phân tích, mổ xẻ để làm rõ hơn đối với khu vực miền núi của khu vực miền Trung", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói.
Sạt lở ở Quảng Nam do dịch chuyển của khối đá
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền trung Tây nguyên, cho rằng nguyên nhân sạt lở xảy ra tại Quảng Nam là do sự dịch chuyển của khối đá, các mảnh vụn hay đất xuống mái dốc. Sạt lở đất là tổ hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Trong đó, các yếu tố độ dốc, địa mạo, lượng mưa, địa chất công trình, thảm phủ thực vật rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng là các yếu tố chính.
Theo ông Tuấn, kiểm nghiệm kết quả nghiên cứu sạt lở đất năm qua tại Quảng Nam đã chỉ ra rõ mưa lớn kéo dài, độ dốc địa hình và điều kiện địa chất là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở, phần lớn xảy ra vào mùa mưa.
|
Ông Tuấn cũng đề xuất giải pháp phòng tránh sạt lở đất là cần rà soát, đánh giá mức độ an toàn đối với khu vực dân cư đang sinh sống tại các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét.
“Trong 5 năm gần đây, sạt lở đất diễn ra thường xuyên ở khu vực vùng núi của tỉnh Quảng Nam. Thời gian xuất hiện chủ yếu vào mùa mưa và số lần xuất hiện có xu hướng tăng. Các nguyên nhân chính tác động đến sạt lở trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chủ yếu là do độ dốc, lượng mưa, thời gian mưa, địa chất, chất lượng của thảm phủ rừng, và các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng”, ông Tuấn nhận định.
Để chủ động ứng phó với sạt lở đất, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất gây ra, ông Tuấn đề nghị T.Ư, Quảng Nam cho triển khai đồng bộ các giải pháp công trình, phi công trình. Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực nhiều hơn cho việc khắc phục, tái thiết cơ sở hạ tầng sau thiên tai cho miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng để chính quyền và người dân yên tâm, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế xã hội.
Bình luận (0)