Thoát ra từ bẫy buôn người: Bi kịch 'việc nhẹ, lương cao'

Như Lịch
Như Lịch
23/12/2019 08:28 GMT+7

Hàng ngàn người bị lừa bán, hàng ngàn người 'đi khỏi địa phương' không rõ lý do... Đó là những con số thống kê nhức nhối về nạn buôn người tại Việt Nam trong ba năm gần đây.

Với miếng mồi “việc nhẹ, lương cao”, bọn buôn người dụ dỗ, lừa gạt, bắt cóc những người ít học, nhẹ dạ và ép họ hoạt động mại dâm, bóc lột, cưỡng bức lao động, thậm chí lấy các bộ phận cơ thể…

Những cuộc trốn chạy

Tốt nghiệp ngành dược một trường cao đẳng y tế phía bắc, chị Nguyễn Thị Hồng (tên đã được thay đổi, 29 tuổi, quê Sơn La) hành nghề bán thuốc tây. Được một thời gian, chị chuyển sang làm công nhân lắp ráp linh kiện điện tử ở tỉnh Bắc Giang (lương 4 - 5 triệu đồng/tháng). Tại đó, đồng nghiệp chung xưởng cho hay có người bà con rủ sang Trung Quốc làm công việc tương tự, nhưng nhàn hạ hơn và thu nhập 20 - 30 triệu đồng/tháng. Nghe bùi tai, chị Hồng đồng ý lên đường “xuất khẩu lao động”.

Học viên tại Nhà nhân ái Lào Cai

Ảnh: Như Lịch

Những người môi giới này vẫn làm hộ chiếu, thị thực (visa) cho chị Hồng nhưng vừa sang Trung Quốc (giữa tháng 10.2018), chị bị những người “tốt bụng” ấy thu hết giấy tờ rồi bán chị làm vợ. Chị phản ứng thì bị nhóm buôn người đánh đập, gây thương tích ở đầu và mặt.
Sau mỗi lần trốn chạy bất thành, chị Hồng bị bán đến những nơi xa hơn. Lần sau cùng trước khi đào thoát được, chị bị bán vào một gia đình Trung Quốc trên núi. Hơn một tháng sống trong nhà chồng, chị không tắm rửa và thay quần áo, không chịu làm gì nên thường bị đánh và nhốt trong phòng. Một buổi tối trời mưa to, chị nhảy từ tầng 2 xuống trốn. Chạy một quãng khá xa, phát hiện nhiều người đang hò hét truy lùng mình, quá hoảng sợ, chị phóng xuống một hố sâu hơn 2 m và nằm suốt đêm dưới đó. Sớm hôm sau, chị hoảng hốt nhận ra chỗ ẩn nấp từng là... hố chôn người chết (bấy giờ đã được bốc mộ - cải táng).
Trên đường tiếp tục chạy trốn, chị Hồng được một chủ nông trại cho ăn uống, quần áo rồi gọi công an Trung Quốc đến tiếp nhận. Ngày 3.9.2019, chị Hồng được trở về Việt Nam. Gần một tháng lưu lại Nhà nhân ái Lào Cai, chị được hỗ trợ tham vấn, ổn định tâm lý và sức khỏe trước khi về lại quê nhà.
Thoát ra từ bẫy buôn người: Bi kịch 'việc nhẹ, lương cao'

Nạn nhân bị mua bán (trái) đoàn tụ người thân

Ảnh: Như Lịch

“Động gái” chực chờ

Ngày 30.10, chúng tôi gặp Trần Thu Cúc (27 tuổi, trú tại Hà Nội) sau khi chị được giải cứu từ Trung Quốc về Việt Nam.
Chị Cúc cho hay chị làm thuê cho một cửa hiệu làm nail (móng). Mấy năm làm lụng vất vả, chị muốn dành dụm tiền mở tiệm tóc riêng mà chưa được. Đang khao khát giấc mộng đổi đời, chị Cúc vui vẻ nhận lời khi người phụ nữ quen qua mạng Zalo rủ sang Trung Quốc làm nail. “Chị ấy bảo đi 6 tháng rồi về, thu nhập 20 triệu đồng/tháng, nhiều lúc đắt khách có thể kiếm 30 triệu đồng/tháng”, Thu Cúc kể.
Với sự hướng dẫn của bà “cò lao động”, chị Cúc và ba cô gái đồng cảnh bị rủ rê tập trung tại Lào Cai. Sau khi đưa cả nhóm đi ăn tối, lấy cớ không ai có giấy tờ xuất cảnh hợp pháp, bà “cò” đã dùng đò chở các chị qua biên giới rồi bàn giao cho cặp vợ chồng người Việt Nam tự xưng là chủ tiệm tóc ở Trung Quốc. Cặp đôi này phát cho các chị chứng minh thư giả và vận chuyển họ đến nơi khác. Trên đường đi, cả nhóm bị bắt. Theo chị Cúc, trong thời gian tạm giam chờ điều tra, các chị “lạnh sống lưng” khi nghe công an Trung Quốc thông báo suýt nữa họ bị nhóm người kia bán vào động mại dâm
Thoát ra từ bẫy buôn người: Bi kịch 'việc nhẹ, lương cao'

Một số nạn nhân đã trở về bản làng, nhưng vẫn còn những người gia đình họ chưa biết lưu lạc phương nào

Ảnh: Như Lịch

Sau chuyến đi đầy ám ảnh, chị Cúc bày tỏ: “Khi người môi giới đưa đi bằng đường rừng, sông suối, em cũng sờ sợ nhưng bọn em nghĩ đi tắt như thế, mình tiết kiệm được bao nhiêu tiền làm giấy tờ. Giờ bị vấp ngã rồi, em thấy không được phép đánh cược cuộc đời mình vào tay người khác như thế. Mình không nên vì cái lợi trước mắt mà lao theo lời hứa hão huyền”.
Tham gia nhiều hoạt động phòng chống buôn bán người xuyên quốc gia, bà Lương Hồng Loan - Phó giám đốc chương trình của Tổ chức Pacific Links Foundation (Vòng tay Thái Bình, tổ chức phi chính phủ của Mỹ chuyên về giáo dục và phòng chống buôn bán người) nhận định: “Thủ đoạn bọn buôn người ngày càng đa dạng và tinh vi hơn. Trong đó, chiêu rất phổ biến là giới thiệu việc nhẹ - lương cao. Họ đánh vào tâm lý nạn nhân cần việc làm để hứa hẹn giúp đỡ, thậm chí cho mượn tiền trả nợ để tạo lòng tin và sự trói buộc”. Bà Loan cho hay có những trường hợp người nhà lừa người nhà mà cứ tưởng đang giúp nhau tìm việc làm “ngon lành”. Bởi lẽ cả hai đều không biết mình bị mắc bẫy của bên thứ ba!
(còn tiếp)

Ba năm, hơn 2.600 nạn nhân bị lừa bán 

Theo Bộ Công an, từ năm 2016 đến giữa năm nay, trên cả nước phát hiện hơn 1.000 vụ mua bán người, với hơn 2.600 nạn nhân bị lừa bán. Trong đó, gần 85% số vụ mua bán người sang Trung Quốc.
Chỉ riêng tại Lào Cai, một trong những tỉnh biên giới giáp Trung Quốc phát hiện mua bán người nhiều nhất, từ năm 2015 đến tháng 10.2019 đã tiếp nhận 436 nạn nhân bị buôn bán trở về. Dù vậy, hiện vẫn còn 3.000 người “đi khỏi địa phương” không rõ lý do.
Ông Nguyễn Tường Long, Trưởng ban Quản lý Nhà nhân ái Lào Cai, cho biết: Phần lớn nạn nhân bị đưa sang Trung Quốc mà chúng tôi nhận về đều bị cưỡng bức vào các động mại dâm, bị bóc lột tình dục, không được trả tiền. Một số khác sang Trung Quốc làm thuê trái phép trên các nương đồi hoặc trong rừng sâu và thường bị quỵt lương.
Chiêu thức phổ biến là chủ hứa 2 - 3 tháng trả lương một lần, nhưng sắp đến kỳ trả lương bỗng có đợt truy quét, kiểm tra - không biết công an thật hay giả. Các lao động này không có giấy tờ tùy thân, phải bỏ chạy hoặc bị trục xuất khỏi địa bàn, mất toi tiền công mấy tháng trước đó. Thậm chí có những người làm thuê ở Trung Quốc bằng con đường chính thức, nhưng nghe lời rủ rê “kiếm việc lương cao hơn” nên bỏ ra ngoài và rơi vào bẫy của kẻ buôn người.

Cảnh tỉnh về nạn buôn người và di cư không an toàn

Bà Lương Hồng Loan, Phó giám đốc chương trình Vòng tay Thái Bình, chia sẻ: “Không chỉ tại các nước châu Á như Trung Quốc, Campuchia, Malaysia... thực trạng mua bán người còn diễn ra tại các nước châu Âu như Nga, Cộng hòa Czech, Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan và đặc biệt là Anh. Nhìn bề ngoài, người ta đi tự nguyện, trả số tiền rất lớn (30.000 - 40.000 USD) để được đưa sang nước ngoài như là di cư bất hợp pháp. Nhưng thực tế, trong quá trình đi, họ bị lừa, vứt bỏ các giấy tờ tùy thân theo lời dặn của đường dây, bị ép buộc nợ nần, bị cưỡng bức lao động, tình dục... và buộc phải làm các hoạt động phạm pháp của bọn buôn người như trồng cần sa, nấu ma túy đá để có thể trả món nợ cho chuyến đi khiến họ không đường quay về!
Vụ việc 39 người Việt Nam chết trong container đông lạnh ngày 23.10 tại Essex (Anh), dù cơ quan chức năng chưa công bố chính thức họ có phải là nạn nhân của nạn buôn người hay không, nhưng đây cũng là lời cảnh tỉnh về nạn buôn người và di cư không an toàn cho người Việt Nam”. 

Theo bà Loan, thực trạng ở châu Âu nói trên là lý do Vòng tay Thái Bình đẩy mạnh truyền thông phòng chống buôn bán người và di cư an toàn, tặng học bổng học nghề tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình... hơn ba năm nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.