Sau 3 năm bị lừa bán làm vợ, làm nô lệ tình dục bên Trung Quốc, Lý Thị N. (17 tuổi, tỉnh Lào Cai) gần đây đã trốn thoát về Việt Nam.
Hơn nửa tháng qua, N. sống tại Nhà Nhân ái Lào Cai - Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về. Khi được hỏi muốn học nghề gì không, N. lắc đầu: “không biết”, “không muốn”. Thấy vậy, H.T (18 tuổi, bạn cùng phòng của N.) nói xen vào: “Tụi mình phải cố gắng học. Có việc làm, có tiền thì không còn ai cười chê mình đâu nhé!”.
Xây lại ước mơ
Định kiến “đi làm gái trở về”Ông Nguyễn Tường Long, Trưởng ban Quản lý Nhà Nhân ái Lào Cai, cho biết: “Trước đây, khi nạn nhân trở về, rất nhiều phụ huynh kỳ thị và đổ lỗi cho con em mình. Họ không cho con học chữ, học nghề mà buộc các em lấy chồng sớm. Bản thân các em cũng nghĩ mình hư hỏng rồi, là đồ vô dụng. Cộng đồng xã hội thì định kiến rằng các em đi làm gái trở về, loại bỏ nhà đi... Chúng tôi mất nhiều công sức tiếp cận, giải thích để các bên dần thay đổi nhận thức. Đã có gia đình cấm cản con trai họ kết hôn với học viên ở đây. Tôi phải đứng ra tư vấn, chứng minh quá trình học hành vươn lên của em này, nên gia đình thông hiểu và ủng hộ đôi trẻ”.
Theo ông Long, nhiều nạn nhân khi được hỗ trợ đã học tiếp phổ thông, cao đẳng, đại học hoặc học nghề, có công việc ổn định (đầu bếp, pha chế, hướng dẫn viên du lịch, thợ làm tóc, thợ may...). Một số bạn còn tham gia truyền thông phòng chống mua bán người.
|
Trong quá trình theo dõi ca, nhân viên xã hội Nhà Nhân ái Lào Cai đến tận nhà T. tham vấn. Tháng 9.2018 đến nay, T. trở lại sống ở cơ sở này, hiện học lớp 11 tại TP.Lào Cai và dự định theo nghề hướng dẫn viên du lịch.
“Chúng em mặc cảm vì mang tiếng sang Trung Quốc về. Em cũng sợ những người lừa bán mình ở tù xong sẽ tìm đến trả thù... Khi vào Nhà Nhân ái, em thấy mình cần phải học, phải có việc làm, có tiền lo cho cuộc sống của mình thì kẻ xấu không thể làm gì. Nếu mình cứ lò dò ở nhà, tương lai mờ mịt, dễ gặp nhiều rủi ro”, T. chia sẻ.
Là nạn nhân bị mua bán trở về, T.T.M (20 tuổi, tỉnh Lai Châu) được đào tạo học nghề cắt uốn tóc. Chưa kịp đi làm, M. đã lấy chồng, sinh con. M. tâm sự rằng lúc mới từ Trung Quốc về, M. bị bạn bè và dân làng xa lánh. Khi bắt đầu hẹn hò, M. kể sự cố đó thì người yêu than thở: “Số mình đen đủi quá!”. Trải qua sóng gió, chàng trai ấy vẫn cưới M. Những lần vợ chồng cãi cọ, thỉnh thoảng anh ta khơi lại quá khứ và mắng M. “ngu nên mới bị lừa”. M. trải lòng: “Em cũng buồn, khóc, nhưng nghĩ mình thực sự có bị lừa thì làm sao cãi được. Em chỉ biết cố gắng sống tốt, chăm sóc chồng con, hy vọng ngày nào đó anh ấy sẽ không còn trách móc chuyện cũ của em”.
|
Cách “trả thù” tốt nhất...
Ngồi trước mặt tôi là cô gái H.T.V xinh đẹp có nụ cười “tỏa nắng” và phong thái tự tin.
V. cởi mở: “Em lấy chồng năm ngoái, khi đã học xong cao đẳng và có việc làm. Trước khi cưới, em hỏi chồng: Ngày trước em bị vấp ngã, anh có chấp nhận em không? Và sau khi cưới, anh có dằn vặt quá khứ của em không? Chồng em bảo đó là sự cố không mong muốn của em, nên anh hứa không làm gì để em bị tổn thương. Thế là chúng em đăng ký kết hôn”.
Cách đây 7 năm, khi học xong lớp 9, V. nộp hồ sơ vào trường nội trú tỉnh. Bố của V. cương quyết không cho con đi học. Ông vào tận trường giật hồ sơ của V., giận dữ: “Nếu mày đi học, coi như quan hệ giữa mày và tao chấm hết!”. V. đành theo bố về nhà. Tuy nhiên, V. ra điều kiện: “Bố mẹ không cho con đi học, con đi làm nương một năm cũng được nhưng con không bao giờ lấy chồng ở tuổi trẻ em. Năm sau con sẽ đi học bổ túc”.
“Sao lúc đó em thích đi học đến vậy?”, tôi tò mò. V. giải thích: “Vì em thấy mình không thể nào đi theo con đường của bố mẹ. Bố mẹ vất vả trồng ngô trồng lúa, mà làm một năm trời không bằng thu nhập một tháng lao động của người ta. Em nghĩ mình phải thay đổi để “hơn” bố mẹ và có điều kiện giúp gia đình”.
Chưa kịp thực hiện ước mơ, ngày 13.5.2012 (lúc đó V. 16 tuổi), V. nhận cuộc gọi từ anh họ tên D. Anh ta nói mới bị người yêu bỏ, muốn rủ V. đi chơi cho đỡ buồn. Chuyến đi trở thành cơn ác mộng, bởi D. lừa đưa V. sang Trung Quốc bán.
Sau gần 3 tháng bị ép làm vợ bên kia biên giới, V. lập kế lấy lòng gia đình chồng để có cơ hội trốn thoát. Trở về Việt Nam, V. không còn nước mắt để khóc. Đau và uất nhất khi một phụ nữ trong làng mỉa mai: “Bên này chồng Việt Nam thì không chịu lấy, thế chồng bên kia “cái đấy” to hay nhỏ?”. Đã vậy, mẹ của D. (cô ruột của V.) liên tục chửi gia đình V: “Tất cả là tại con gái chúng mày hư. Nó đi theo con trai của tao, chứ không phải do con trai tao rủ...”.
V. quyết định rời quê, vào sống ở Nhà Nhân ái Lào Cai. Tại đó, V. được đi học văn hóa, học nghề. 23 tuổi, hiện V. làm đầu bếp cho một khách sạn lớn ở Sa Pa (Lào Cai). Theo V., kẻ ác phải chịu sự trừng trị của pháp luật. Nếu dung túng thì họ có thể giết mình bất cứ lúc nào để bịt đầu mối, chưa kể gây thêm tội ác với người khác. V. tâm niệm: “Hồi trước mình ngu nên mới bị lừa, bị khinh rẻ. Từ nay mình phải sống đàng hoàng, có gia đình hạnh phúc - đó là cách trả thù tốt nhất những người đối xử tệ với mình!”.
Cũng sập bẫy lừa bán làm vợ ở tuổi trăng tròn, G.T.T (xã Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai) bị cưỡng bức tình dục và lao động khổ sai suốt 6 tháng tại Trung Quốc. Giữa năm 2015, T. được giải cứu. Trở về Việt Nam, cô gái H’Mông này tảo hôn ở tuổi 16.
Bốn tháng không có bầu, T. bị mẹ chồng đay nghiến: “Mày có con bên Trung Quốc nhưng mày phá, bây giờ hết trứng để mang thai rồi phải không?”. Sau những cuộc tình đứt gánh, T. khoe người chồng hiện tại hết mực yêu thương, luôn muốn bù đắp thiệt thòi mất mát của vợ. Nựng nịu đứa con bụ bẫm 6 tháng tuổi, T. kể dạo này cô tham gia truyền thông và đóng kịch, chia sẻ câu chuyện đời mình để giúp bạn trẻ phòng tránh nạn mua bán người.
(còn tiếp)
Bình luận (0)