Vén màn bí mật hàng loạt sinh viên 'mất tích': Phải triệt xóa đa cấp biến tướng

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
15/06/2020 04:35 GMT+7

Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng việc sinh viên bị mắc bẫy đa cấp biến tướng lừa đảo là hồi chuông cảnh báo và trách nhiệm chung của toàn xã hội, từ gia đình, nhà trường đến lực lượng chức năng.

Đa cấp lừa giăng bẫy tinh vi

Lý giải tình trạng sinh viên (SV) mắc bẫy đa cấp biến tướng, TS tâm lý Bùi Hồng Quân (hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn tâm lý cho giới trẻ) chia sẻ, một mặt những người lợi dụng đa cấp để trục lợi đã giăng ra những cái bẫy ngày càng tinh vi, mặt khác liên tục đánh trúng vào tâm lý của SV hiện nay.
Theo TS Quân, về bản chất, đa cấp không xấu nhưng đã bị lợi dụng. Nhóm đa cấp biến tướng này ngày càng hoạt động chuyên nghiệp, có hệ thống, đường dây nên tạo được niềm tin cho người tham dự. Một mặt, chúng đánh vào tâm lý khao khát, mong muốn cải thiện đời sống của SV. Vì vậy, khi thấy những hình ảnh, sự kiện, nhân vật “thật” khởi nghiệp, làm giàu nhanh chóng mà không cần học đại học, SV sẽ có tâm lý tò mò, hừng hực khí thế, sẵn sàng đánh đổi để được cơ hội do những người này đưa ra mà chưa đủ tỉnh táo nhận diện đó là nguy cơ chứ không phải thời cơ.
Mặt khác, nhóm lừa đảo này khuấy vào nỗi đau, nỗi sợ của con người bằng cách đả kích SV như: “20 năm em không làm được trò trống gì”, “học 4 năm đại học cũng thất nghiệp”, “người yếu kém như em, chị phải đào tạo lại từ đầu”…
“Tương tự như việc giữ ly nước nóng, đến lúc hết sức chịu đựng buộc phải buông. Khi bị khơi móc đủ nỗi đau, nỗi nhục, kèm theo nỗi sợ như sợ rằng sẽ thất nghiệp, sợ lặp lại đời sống nghèo khó như cha mẹ mình…, SV rất dễ buông con đường đại học mình đang đi. Điều này cũng phản ánh phần nào sự chông chênh của tuổi trẻ, sự thiếu kiên định với niềm tin của chính mình”, TS Quân nhìn nhận và cho rằng không ít SV hiện chưa xác định được mục tiêu của mình, có đôi khi học đại học chỉ là do ba mẹ định hướng nên các bạn cứ lầm lũi, tổn thương trong quá trình học tập và bị lung lay vào đa cấp cũng dễ hiểu.
Như vậy, đối tượng SV, nhất là SV năm nhất bị rơi vào tròng đa cấp không chỉ do nguyên nhân chủ quan từ phía các bạn như tâm lý hiếu thắng, suy nghĩ nhanh, quyết định nhanh, thiếu nhận thức mà còn do thuật tâm lý của nhóm lừa đảo đánh vào cảm xúc của SV. SV không chỉ bị mê hoặc bởi viễn cảnh tốt đẹp như thu nhập 500 tỉ/tháng mà còn gia nhập vào đội ngũ “khởi nghiệp” đó vì trót tin vào hệ thống triết lý cuộc đời, bởi nơi đây “truyền” cho SV động lực thay đổi, xác định mục tiêu cuộc sống, tự khẳng định bản thân…
Giải thích nguyên nhân tại sao khi đã nghi ngờ mắc bẫy đa cấp bất chính nhưng SV vẫn chưa chịu thoát khỏi nó, TS Quân so sánh giống như chơi một ván bài, nếu thua sẽ có tâm lý gỡ gạc. Ông nói: “Các bạn sợ đối diện với sai lầm, không đủ dũng cảm, trách nhiệm đối diện thực tế dù đã thấy con đường đó chưa đúng. Các bạn tìm cách gỡ lại những gì mình bỏ ra như số tiền du học mà các bạn xin gia đình nhưng thực chất là để đầu tư vào hệ thống đó. Đồng thời, nhóm đa cấp tiếp tục bồi cho SV những hy vọng nên SV nghĩ có cơ hội đó nhưng do mình chưa đủ quyết tâm, chưa làm đúng”.
TS Huỳnh Văn Thông (Khoa Báo chí - truyền thông, Trường ĐH KHXH-NV - ĐHQG TP.HCM) cũng lưu ý xã hội chúng ta đang truyền thông rất nhiều câu chuyện quyến rũ về “start up”, làm giàu nhanh chóng mà không cần học đại học… Xuất phát từ những ước mơ rất đẹp đẽ, SV khao khát thay đổi nhưng các bạn còn thiếu hụt năng lực, kiểm nghiệm cuộc sống để rồi có những người lợi dụng, điểm đúng “huyệt” bằng cách dùng những từ khóa truyền thông hấp dẫn như “team”, “khởi nghiệp”… để hấp dẫn các bạn và trục lợi.
Bên cạnh đó, dưới góc độ chuyên môn về xã hội học tội phạm, PSG-TS Trương Văn Vỹ (ĐHQG TP.HCM) cho rằng tội phạm nói chung và những người lừa đảo đa cấp nói riêng có tính tổ chức rất cao: “Họ lập đội nhóm, bầu thủ lĩnh và phân công công việc nhằm tạo niềm tin cho SV thấy nơi đây làm việc hệ thống, khoa học. Hoặc có đôi khi các em bị lôi cuốn vào vì hiệu ứng đám đông như người đến phỏng vấn đông, nhân viên đông… nên nghĩ rằng tổ chức uy tín nhưng đó chỉ là mánh khóe”.

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - nói về loạt bài điều tra "Vén màn bí mật hàng loạt sinh viên mất tích" trên Báo Thanh Niên - Thực hiện: Thái Sơn

Xem lại công tác giáo dục định hướng cho SV

Để tránh cho SV không bị rơi vào bẫy đa cấp lừa, theo TS Huỳnh Văn Thông, chúng ta đừng nên la mắng tại sao các em đã học tới đại học rồi mà vẫn bị mắc bẫy. Thay vào đó, hãy xem lại công tác giáo dục định hướng từ phía nhà trường.
“Tôi rất tâm đắc chuyện giáo dục đầu khóa, tin rằng nhà trường phải xem lại để xây dựng nội dung giáo dục định hướng cho các em, nhất là SV năm nhất từ những cái nhỏ, cụ thể, thực tế nhất như đi xe buýt, thuê nhà trọ... và giờ đây là bẫy đa cấp. Hãy giáo dục nâng cao quyền cá nhân của các em, dám từ chối, rời đi khi hoài nghi đa cấp trục lợi. Đặc biệt, phải giúp các em tìm kiếm, xác lập giá trị bản thân từ đầu và có lộ trình phát triển nó”, TS Thông nói và phân tích thêm: “Kỹ năng tiếp nhận, xử lý thông tin không nên được xem là kỹ năng mềm hay đòi hỏi kỹ thuật cao nữa mà phải là kỹ năng sống còn của công dân hiện đại, phải được đưa vào nhà trường giảng dạy thường xuyên thông qua thực tế cho SV, bằng không các em có thể “chết đuối” trong “biển cả” thông tin ấy”.
TS Bùi Hồng Quân lưu ý ở nền tảng đầu tiên và quan trọng nhất hình thành nhân cách con người là gia đình: “Gia đình cần hướng nghiệp cho con chọn lựa trường phù hợp ngay từ ban đầu để SV làm đúng theo nguyện vọng, sở trường, giấc mơ của mình. Lúc đó SV sẽ yên tâm hơn là suy nghĩ chuyện này, chuyện kia để chạy theo ham muốn thay đổi cuộc sống. Học là con đường lâu, chông gai thật nhưng là con đường chính quy, đàng hoàng để giúp các bạn có tương lai tốt hơn. Bên cạnh kiểm chứng trước khi đưa con số tiền lớn, gia đình cũng hãy dang tay ra, yêu thương chứ đừng hằn học với các em lỡ dại, trở về từ ổ đa cấp”. Ông Quân cũng nhấn mạnh vai trò nhà trường, đoàn hội, chính quyền trong việc đẩy mạnh truyền thông nhận diện đa cấp lừa, xử lý nghiêm tình trạng lừa đảo.
“Tổ chức buổi đông người như vậy thì chắc chắn cơ quan chức năng phải có thông tin, chặn đứng ngay từ đầu các công ty không đủ giấy tờ pháp lý hoạt động hoặc nếu cơ quan chức năng hoài nghi là đa cấp lừa đảo, phải tích cực cảnh báo phòng ngừa, đấu tranh. Chúng ta hy vọng với những giải pháp đồng bộ cộng với ý thức trách nhiệm của cá nhân SV sẽ ngăn chặn nạn đa cấp biến tướng”, TS Quân phân tích.

Nạn nhân tố cáo nhiều đường dây giống “team khởi nghiệp 360”

Liên tục những ngày qua, hàng chục nạn nhân đã phản ánh tới Báo Thanh Niên về thủ đoạn tinh vi của “team khởi nghiệp 360” tại một số quận 7, 9, Tân Phú, Thủ Đức (TP.HCM).
Ngoài ra, nhiều nạn nhân ở tỉnh cũng tố giác về nhóm khởi nghiệp kinh doanh đa cấp khác dùng chiêu trò như “team khởi nghiệp 360”.
Thanh Niên sẽ tiếp tục tìm hiểu để phản ánh, đồng thời phối hợp cơ quan điều tra bóc trần những đường dây này.

Nhiều trường ĐH vào cuộc

Sau khi Thanh Niên điều tra, phản ánh tình trạng SV dính bẫy đa cấp lừa, nhiều trường đại học ở TP.HCM đã lập các phương án cảnh báo SV. Ông Nguyễn Huỳnh Minh Phúc, Phó bí thư Đoàn Trường ĐH KHXH-NV - ĐHQG TP.HCM, cho biết đoàn hội sẽ phối hợp với nhà trường tổ chức các chương trình cảnh báo, tuyên truyền rộng rãi đến SV về chiêu trò của kinh doanh đa cấp biến tướng, đặc biệt lưu tâm khoa, bộ môn thường xuyên nắm tình hình, ghi nhận phản ánh của SV liên quan đến vấn đề việc làm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Anh, Phòng Công tác SV Trường ĐH Mở TP.HCM, nói: “Chúng tôi có trách nhiệm điều chỉnh lại kế hoạch, nội dung sinh hoạt công dân cũng như sẽ thông tin thường xuyên hơn đến SV về nhu cầu tuyển dụng từ kênh thông tin chính thức”.
Phía Trung tâm quản lý KTX ĐHQG TP.HCM cũng cam kết sẽ khuyến cáo, cảnh báo đến SV về tình hình đa cấp biến tướng; tăng cường các hoạt động nắm bắt tình hình SV. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.