Vì sao tòa tuyên Grab bồi thường cho Vinasun hơn 4,8 tỉ đồng ?

Phan Thương
Phan Thương
28/12/2018 16:30 GMT+7

HĐXX có những phân tích để khẳng định Grab đang vi phạm pháp luật Việt Nam nghiêm trọng; Grab là đơn vị kinh doanh vận tải

Sau thời gian tranh chấp quyết liệt, sáng 28.12, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ kiện “tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab).
Theo đó, HĐXX đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun khoảng 4,8 tỉ đồng. Số tiền còn lại, hơn 36 tỉ đồng trong nội dung Vinasun yêu cầu Grab bồi thường, HĐXX không đồng ý.

Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải

Ngoài ra, HĐXX nhìn nhận mô hình kinh doanh của Grab là phù hợp với thời đại. Nhưng, hoạt động Grab thời gian vừa qua cũng bộc lô nhiều hạn chế, tồn tại và cơ quan quản lý không quản lý được hoạt động của Grab, chẳng hạn, khi Grab vào thị trường Việt Nam, thì đông đảo người dân đầu tư mua xe để tham gia dịch vụ vận tải Grab.
Trước thực trạng này, HĐXX kiến nghị Bộ GTVT và cơ quan chức năng có chính sách quản lý kịp thời mô hình hoạt động như Grab.
“Với mô hình vận tải taxi như Grab, trên thế giới chưa có quốc gia nào tách rời được giữa dịch vụ công nghệ cao với hoạt động kinh doanh vận tải, trong khi nội dung đề án 24 của Bộ GTVT lại tách rời giữa dịch vụ công nghệ cao với hoạt động kinh doanh vận tải để triển khai thực hiện đề án là không thực tế; Tòa công lý châu Âu cũng từng phán quyết Uber (hoạt động tương tự Grab) là loại hình kinh doanh vận tải, không đơn thuần là cung ứng phần mềm ứng dụng kết nối. Vì vậy, Bộ GTVT cần phải xem Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải để có chính sách quản lý phù hợp và cần chỉnh sửa nội dung đề án 24 nếu phải tiếp tục thực hiện đề án này”, HĐXX phân tích.
Theo tòa, từ chính sách bất bình đẳng trong kinh doanh vận tải, Grab đã không đóng đúng, đóng đủ thuế. Theo số liệu Cục thuế TP.HCM, chỉ tính riêng năm 2014, 2016, số thuế Grab nộp cho nhà nước là 9,5 tỉ đồng, chỉ bằng 1/130 số thuế Vinasun nộp trong một kỳ, là 1.200 tỉ đồng, dẫn đến thất thu thuế cho nhà nước.
Cũng theo HĐXX, do sự bất bình đẳng dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh xảy ra trong hoạt động vận tải, xảy ra tranh chấp, gây bức xúc trong xã hội.
Do đó, tòa tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính và cơ quan nhà nước có thẩm quyền có biện pháp quản lý về giá cước vận chuyển, về thu thuế đối với Grab theo đúng quy định đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải…

Grab vi phạm pháp luật Việt Nam

HĐXX phân tích, xét cơ sở pháp lý và giấy đăng ký doanh, Grab đăng ký ngành nghề kinh doanh vận tải hành khách đường bộ trong nội thành (ngoại từ vận tải bằng xe buýt).
Về thực tế hoạt động, theo tòa, Grab không chỉ là đơn vị cung ứng phần mềm kết nối vận tải như đã giải trình với các cơ quan chức năng, với tòa án. Thực tế Grab trực tiếp kinh doanh, trực tiếp điều hành xe, trực tiếp chỉ định tài xế đón khách, điều chỉnh tăng giảm giá cước, tổ chức thực hiện chương trình khuyến mãi cho khách hàng sử dụng các loại hình của Grab, thưởng điểm cho tài xế, xử phạt các tài xế vi phạm quy chế của Grab.
“Grab cho rằng tài xế là người của các đơn vị vận tải, tức HTX vận tải, doanh nghiệp vận tải nhưng lại thừa nhận xử phạt tài xế khi họ có hành vi không đúng với khách hàng hoặc thường xuyên hủy chuyến, có hành vi gian dối khi giao dịch với khách hàng. Trong khi đề án 24 không mục, điều khoản nào cho phép Grab xử phạt tài xế”, HĐXX nhận định
Tòa cũng công bố, theo biên bản lấy lời khai của tòa đối với các đơn vị HTX vận tải, các đơn vị này khẳng định HTX chỉ tham gia thu tiền mua phù hiệu Grab từ tài xế, còn lại các lái xe khi tham gia sẽ trực tiếp làm việc với Grab và HTX cũng không ăn chia gì với Grab.
Ngoài ra, HĐXX phân tích, Grab mua bảo hiểm tai nạn dân sự tự nguyện cho hành khách, lái xe khẳng định Grab là ông chủ của lái xe, là đối tác giao kết hợp đồng với khách hàng. Bởi lẽ, pháp luật dân sự và bảo hiểm quy định chủ doanh nghiệp vận tải hoặc chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ có trách nhiệm mua bảo hiểm tai nạn dân sự.
“Điều này khẳng định Grab là đơn vị quản lý trực tiếp lái xe, không chỉ đơn thuần là đơn vị cung ứng phần mềm vận tải”, chủ tọa nhấn mạnh.
“Từ những phân tích trên cho thấy, Grab cung ứng phần mềm ứng dụng kết nối giữa lái xe và hành khách là thứ yếu. Mục đích Grab hướng tới chính là phương thức Grab giao dịch với hành khách, và là một trong những chuỗi hoạt động vận tải của Grab”, HĐXX đánh giá và khẳng định Grab vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam, đặc biệt là vi phạm nghiêm trọng đề án thí điểm 24.

Grab bồi thường cho Vinasun hơn 4,8 tỉ đồng

Về yêu cầu của Vinasun đòi Grab bồi thường hơn 41,2 tỉ đồng, theo tòa, từ tháng 1.2016 đến tháng 6.2017, căn cứ tài liệu trong hồ sơ, tốc độ tăng trưởng của ngành vận tải hành khách tại TP.HCM phát triển mạnh, xe taxi được cấp phép tăng, nhưng doanh thu và xe taxi được cấp phép của Vinasun giảm.
Trong khi đó số lượng đăng ký phù hiệu xe hợp đồng của Grab tăng đột biến (đến quý 2.2017 hơn 23.000 xe). Số lượng xe Grab tăng tương ứng với số lượng sụt giảm số xe của Vinasun.
Từ đó, tòa cho rằng có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật của Grab đối với thiệt hại của Vinasun. HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu của Vinasun, buộc Grab bồi thường cho Vinasun hơn 4,8 tỉ đồng, là chi phí phát sinh do xe Vinasun phải nằm bãi, không kinh doanh được, từ khi Grab tham gia vào thị trường Việt Nam và thực hiện hàng hoạt hành vi vi phạm pháp luật.
Về vấn đề thiệt hại do sụt giảm giá trị vốn hóa thị trường của Vinasun, HĐXX cho rằng thiệt hại này không thể tách bạch được.
Vì vậy dù xác định được thiệt hại do sụt giảm giá trị vốn hóa thị trường nhưng không xác định được phần thiệt hại nào do Grab gây ra, phần nào do các yếu tố khác nên phần này không được HĐXX chấp nhận.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.