Ngày 21.10, ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch HĐQT Công ty gốm sứ Thanh Hà (P.Thanh Vinh, TX.Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ), cho biết số dầu mà một số người làm ô nhiễm nguồn nước cấp cho Nhà máy nước sạch sông Đà được xuất đi từ công ty.
Theo ông Truyền, trước kia, dầu thải được dùng để đốt lò, sấy sản phẩm và cho bà con dùng làm “thuốc đuổi chuột”. Gần đây, công ty chuyển sang công nghệ mới nên lượng dầu này được một công ty môi trường thu gom, xử lý. Ông Truyền cho hay, con gái ông là Nguyễn Huyền Trang (31 tuổi) và ông Trần Thành Trung (44 tuổi, nhân viên phòng vật tư) đã được mời về tỉnh Hòa Bình để phối hợp làm rõ việc xuất dầu thải cho một số người gây ô nhiễm môi trường. Về việc xuất dầu trái phép, ông Truyền không nắm được, cũng không hề ký quyết định.
Thông tin từ đoàn kiểm tra của cơ quan chức năng trong hai ngày 18 - 19.10 cho biết, đoàn kiểm tra đã xác định cụ thể hành vi của 3 người tổ chức xả dầu thải xuống nguồn nước sông Đà và đã bị bắt giữ là: Hoàng Văn Thám (33 tuổi, ngụ H.Văn Quan, Lạng Sơn), Lý Đình Vũ (37 tuổi) và Nguyễn Chương Đại (25 tuổi, cùng ngụ H.Thuận Thành, Bắc Ninh). Theo đó, tháng 9, Vũ liên hệ với bà Nguyễn Huyền Trang đề xuất việc tiếp nhận, xử lý số dầu thải đang lưu giữ tại Công ty gốm sứ Thanh Hà với chi phí 1.000 đồng/lít và được bà Trang đồng ý.
Sáng 7.10, Vũ gọi điện cho bà Trang thông báo sẽ đến để thu gom dầu thải. Do bà Trang vắng mặt, ông Trung được giao xuất dầu thải cho Vũ. 8 giờ sáng cùng ngày, Đại và Thám đi xe tải BS 99C - 087.83 tới và được ông Trung giao 8.830 kg dầu thải. Về việc chuyển giao dầu thải, đại diện Công ty gốm sứ Thanh Hà thừa nhận vi phạm khi chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị không có chức năng xử lý theo quy định; công ty này cũng không ký hợp đồng, không thẩm định đối với phía tiếp nhận là Vũ.
Thông tin từ đoàn kiểm tra cũng cho biết: Năm 2016, Công ty gốm sứ Thanh Hà đã bị Công an tỉnh Phú Thọ xử phạt hành chính 160 triệu đồng vì không có giấy phép khai thác sử dụng nước. Năm 2018, công ty bị Sở TN-MT tỉnh Phú Thọ kết luận: chưa có giấy phép khai thác, sử dụng nước và giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; chưa nộp đủ phí bảo vệ môi trường và chuyển đổi công nghệ không báo cáo cơ quan chức năng.
Trước đó, theo Công an tỉnh Hòa Bình, ngày 9.10, người dân tại xóm Quyết Tiến (xã Phúc Tiến, H.Kỳ Sơn, Hòa Bình) phát hiện dầu thải tại khu vực đường liên xã Phú Minh - Phúc Tiến. Lượng dầu này sau đó theo nước mưa chảy xuống suối Trầm, nhiễm vào nguồn nước cấp cho Nhà máy nước sông Đà, cung cấp nước sạch cho TP.Hà Nội.
Sự cố như "nước sông Đà có thể lặp lại vô tận"Với cơ chế quản lý như hiện nay, “khủng hoảng” nước sông Đà có thể lặp lại vô tận. Vai trò của nhà nước trong cung cấp dịch vụ công phải lớn hơn, phải xác lập được các nguyên tắc của dịch vụ công và áp đặt việc tuân thủ cho bất cứ ai cung cấp dịch vụ. Đó là những khuyến cáo được chuyên gia đưa ra trong tọa đàm chiều 21.10 với chủ đề “Thị trường hóa dịch vụ công: nhìn từ “nước sạch sông Đà”” do Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông tổ chức.
Cho rằng chính quyền TP.Hà Nội phản ứng rất chậm trước khủng hoảng nước sạch vừa qua, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, cho dù trực tiếp hay không trực tiếp cung cấp, bao giờ chính quyền cũng có trách nhiệm về chất lượng nước sạch, vì đây là dịch vụ công. “Đã nói đến hàng hóa công thì nhà nước không bao giờ mặc kệ, anh quản lý chất lượng, anh quản lý để nó công bằng. Thị trường, DN chỉ hướng tới lợi nhuận; chức năng quan trọng nhất của nhà nước là cung cấp sự công bằng, nên vai trò của nhà nước ở đây vô cùng quan trọng”, ông Dũng phân tích.
Theo ông Dũng, với cách quản lý hiện nay, những sự kiện như nước sông Đà có thể lặp lại vô tận. Điều cần làm bây giờ là ban hành một đạo luật về dịch vụ công, bởi từ khủng hoảng nước của Hà Nội cho thấy sự thiếu trước hụt sau cả về khái niệm dịch vụ công; trách nhiệm, đạo đức của người cung cấp dịch vụ công; trách nhiệm, đạo đức của người quản lý; trách nhiệm cung cấp dịch vụ công; động lực nào sau đó để xã hội hóa, thị trường hóa dịch vụ công đó.
Vũ Hân
|
Bình luận (0)