Thời trang kể chuyện văn hóa

02/11/2020 06:22 GMT+7

Các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá cao nỗ lực đưa dấu ấn văn hóa Việt vào tác phẩm của các nhà thiết kế thời trang thời gian gần đây.

Sau 10 năm bước chân vào lĩnh vực thời trang, nhà thiết kế Thủy Nguyễn tổ chức triển lãm mang tên Mộng bình thường, mở cửa đón công chúng từ ngày 7.11 với hình thức bán vé, trưng bày kéo dài xuyên suốt đến 6.2.2021 tại The Factory (P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM).

Mang “châu báu” giới thiệu với thế giới

Mộng bình thường do bà Dolla S.Merrillees, nguyên Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật ứng dụng và khoa học (MAAS) tại Sydney, Úc - đảm nhận vai trò giám tuyển, kể lại câu chuyện sáng tạo của nhà thiết kế Thủy Nguyễn gắn liền với những chất liệu văn hóa và thủ công đặc trưng của Việt Nam.
Triển lãm quy tụ hơn 100 hiện vật, được sắp đặt trong không gian 1.500 m2, gồm 60 thiết kế trong những bộ sưu tập hướng tới văn hóa truyền thống Việt Nam của Thuy Design House từ năm 2011 đến nay như: Lúng liếng, Gió mùa về, Cọc cạch, Viên mãn, Mộng mị, Tình tang, Mỵ Châu, Tìm người trong mộng...; và nhiều cổ vật, phụ kiện, cũng như những tác phẩm nghệ thuật là nguồn cảm hứng sáng tạo của nhà thiết kế Thủy Nguyễn. Tất cả các thiết kế của chị đều lấy cảm hứng từ vải vóc xưa, kiến trúc, đồ mỹ nghệ, gốm sứ, tranh của các danh họa Việt. Thủy Nguyễn cho biết: “Tôi tin văn hóa Việt đủ sức hấp dẫn và đa dạng để những người làm thời trang như tôi kể chuyện trên từng mẫu thiết kế. Điều này khiến bộ trang phục có giá trị hơn và giúp công chúng thay đổi cách nhìn để thấy thời trang như một tác phẩm”.
Những bộ cánh lộng lẫy của Nguyễn Công Trí, nhà thiết kế thời trang hàng đầu Việt Nam hiện nay, dù thuộc dòng thời trang cao cấp hay thời trang ứng dụng cũng thường được anh sử dụng những chất liệu mang đậm dấu ấn văn hóa Việt như lãnh Mỹ A, nấm, lúa, sợi gai, cỏ bông lau… Anh đã kỳ công thêu, đính những họa tiết hình bông lúa, những đóa hoa 3D của các gánh hàng rong trên phố Hà Nội... để làm nên bộ sưu tập Lúa, Em Hoa từng giới thiệu tại Tuần lễ thời trang Tokyo - Nhật Bản.
Nhà thiết kế Patrick Phạm khi tham gia Tuần lễ thời trang cao cấp thu đông Paris 2019 - 2020 cũng chú trọng chọn lựa chất liệu vải đặc thù của Việt Nam như thổ cẩm, đũi Mỹ A, lục bình, tơ sen... cho các mẫu thiết kế trong Ngọc Viễn Đông gồm 30 mẫu dạ hội, vest... Patrick Phạm nói: “Để quốc tế ấn tượng với thời trang Việt khi ta đem chuông đi đánh xứ người, không gì khác hơn mình phải có những câu chuyện văn hóa Việt lồng trong các thiết kế. Tôi nhận ra đây mới chính là "châu báu" mà tôi sẽ mang về nước Pháp - nơi tôi lớn lên, để trình diễn, giới thiệu đến với công chúng thời trang thế giới”.

Hướng về lịch sử văn hóa bản địa

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, giảng viên Khoa Du lịch (Trường đại học KHXH và NV, Đại học Quốc gia Hà Nội), đã vô cùng hãnh diện về 3 bộ sưu tập áo dài mà bà vừa giới thiệu. Từng bộ đều là câu chuyện văn hóa riêng, song chúng có cùng mẫu số là những chiếc áo dài in tranh của họa sĩ. Trong đó, bộ sưu tập thứ nhất là áo dài in tranh của họa sĩ Nguyễn Thủy Tuân, ông nội bà Thủy. Những tranh vẽ 36 phố phường Hà Nội của ông những năm 1960, 1970 đã thực sự tạo nên sự thâm trầm và bí ẩn cho chiếc áo dài. Bộ sưu tập thứ hai in tranh hoa của họa sĩ Nguyễn Mai Hương, lại là những sắc hoa của cả 4 mùa, từ đào xuân đến hè sen… Bộ sưu tập thứ ba khoe những tranh độc bản in của bà Thủy. Tất cả hướng tới vẻ đẹp cá tính của phụ nữ nhưng vẫn giàu xúc cảm.
Ê kíp MyloanSilk lại có một câu chuyện văn hóa lịch sử khác để kể trên chiếc khăn lụa Bảo Lộc in bản đồ Hà Nội 1873. “Bản đồ cho phép hình dung ra được nguyên trạng tổng thể đô thị Hà Nội trước khi người Pháp bắt đầu tiến hành quy hoạch nơi đây. Bản đồ do Phạm Đình Bách, nhà họa đồ của Sở Địa lý vẽ lại Hà Nội vào giai đoạn năm 1873. Đó là một trong những tấm bản đồ đẹp nhất. Nó vừa thể hiện không gian theo lối truyền thống với những hình vẽ con trâu, thuyền buồm, vừa định vị chính xác, hiện đại. Nhiều ngôi chùa vẫn được vẽ ở đây, sau đó đã bị phá bỏ để xây bưu điện, nhà thờ. Chúng ta cũng thấy hiện lên những hồ nhỏ nối tiếp nhau, song song với sông Hồng, cả chứng tích của một con kênh cũ xưa kia đã từng nối hồ Trúc Bạch với sông Hồng, chạy qua hồ Hoàn Kiếm”, bà Nguyễn Mỹ Trà, sáng lập thương hiệu MyloanSilk, nói.
Chuyên gia truyền thông văn hóa Phạm Vũ Tùng đánh giá rất cao việc thời trang kể câu chuyện văn hóa lịch sử. “Người ta có thể chọn nhiều đề tài để đưa vào sản phẩm nhưng họ lại chọn văn hóa thì đó là điều cực đáng quý, đặc biệt với các nhà thiết kế trẻ. Nó cho thấy xu hướng hướng về văn hóa lịch sử bản địa, rất đáng mừng. Nếu những sản phẩm đó bán được, nó cũng cho thấy thị trường của ta cũng có xu hướng đề cao văn hóa bản địa”, ông Tùng nói.
Họa sĩ Lê Thiết Cương lại cho biết: “Giờ đi sang châu Âu, đi từ nước nọ sang nước kia không thấy biên giới nhưng sẽ thấy ngôn ngữ khác hẳn, biển hiệu khác hẳn, kiến trúc khác hẳn. Đó là vì văn hóa của họ khác nhau. Thì ra cuối cùng khi mọi thứ bị xóa nhòa thì thứ vẫn tạo nên khác biệt chính là văn hóa. Những câu chuyện văn hóa lịch sử được đưa vào thiết kế sẽ giúp lan tỏa văn hóa Việt”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.