Thủ tướng: Nhiều thầy cô leo ghềnh, vượt thác, gác lại niềm riêng

Mai Hà
Mai Hà
19/11/2022 18:34 GMT+7

Gặp gỡ 60 thầy cô giáo tiêu biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bày tỏ sự sẻ chia với khó khăn, gian truân vất vả của những người phải "leo ghềnh, vượt thác, gác lại niềm riêng...".

Chiều nay 19.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ 60 thầy cô giáo tiêu biểu, đại diện cho hơn 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ 60 nhà giáo tiêu biểu, đại diện cho 1,6 triệu giáo viên cả nước

nhật bắc

Chia sẻ với Thủ tướng, cô Phạm Thị Tâm, giáo viên mẫu giáo thôn Phú Đồng, Trường mầm non Phú Mỡ (H.Đồng Xuân, Phú Yên), cho biết sinh ra tại Thái Bình, lập nghiệp tại Phú Yên, dù cuộc sống khó khăn nhưng cô vẫn cố gắng học lên đại học rồi cao học, trở thành thạc sĩ mầm non đầu tiên của huyện.

Cô Tâm đang dạy học tại thôn Phú Đồng, xã Phú Mỡ - một trong những vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn nhất của tỉnh Phú Yên. Cô luôn tự nhủ "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai". Dù một tuần hay nửa tháng mới về nhà, dù đường sá khó đi, cuộc sống còn thiếu thốn nhưng cô vẫn yêu đời, yêu người và yêu nghề.

Cô Tâm cho biết thời gian dạy học tại làng Đồng, tiếp xúc gần gũi với bà con đồng bào dân tộc Ba Na, tận mắt chứng kiến nhiều gia đình khó khăn thiếu thốn tôi lại thương họ vô cùng, lại thấy hiện lên hình ảnh cơ cực của gia đình và bản thân mình hồi thơ bé.

Thủ tướng Phạm Minh Chính Khẩn trương rà soát, sửa đổi quy định về phụ cấp ưu đãi giáo viên

“Những ngôi nhà xập xệ trước gió mưa, những cụ già ăn cơm với muối, những đứa trẻ đầu trần chân đất khiến tôi suy nghĩ, trăn trở "mình là một đảng viên, một giáo viên, một người có trình độ, phải làm sao, làm cách nào giúp họ vượt qua nghịch cảnh và vươn lên trong cuộc sống", cô Tâm kể.

Không chỉ dạy học, cô vận động kết nối giúp các cụ già neo đơn, những người bệnh tật; hướng dẫn người dân nấu ăn, dạy phụ huynh nấu cháo dinh dưỡng, làm sữa chua, làm bánh, bày cách chữa bệnh bằng thuốc thay vì cúng bái...

Lắng nghe ý kiến các thầy cô tại buổi gặp mặt, Thủ tướng cho biết bản thân hiểu, cảm thông hơn với nghề giáo. Theo Thủ tướng, muốn xây dựng đất nước, trước hết phải phát triển giáo dục. Muốn trị nước, phải trọng dụng người tài. Quốc gia, dân tộc muốn phát triển phải dựa vào yếu tố con người, lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu và động lực. Muốn phát triển con người phải dựa vào giáo dục và đào tạo. Hệ thống giáo dục và đào tạo muốn được vận hành tốt, có hiệu quả cao thì thầy cô giáo là những người đóng vai trò quyết định.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu

Thủ tướng cho biết, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường thì lấy nội lực (trong đó có yếu tố con người) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, kết hợp hài hòa với ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên.

Muốn phát huy yếu tố con người thì phải dựa vào giáo dục và đào tạo. "Yếu tố con người càng quan trọng bao nhiêu thì sự nghiệp giáo dục và đào tạo càng quan trọng bấy nhiêu. Vì vậy, chúng ta xem giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", Thủ tướng nói.

Cô Phạm Thị Tâm, giáo viên mầm non Phú Mỡ, H.Đồng Xuân, Phú Yên

nhật bắc

Qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo đã trở thành tài sản quý báu của dân tộc, của mỗi con người Việt Nam. Nếu như năm 1945, hơn 95% dân số không biết chữ, thì ngày nay, Việt Nam được Ngân hàng Thế giới đánh giá là một trong hai quốc gia (Việt Nam và Trung Quốc) có sự phát triển thực sự ấn tượng và tiên phong trong đổi mới giáo dục.

Đặc biệt, trong hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, toàn ngành giáo dục và đào tạo, toàn thể đội ngũ nhà giáo đã có nhiều cố gắng vượt bậc để việc dạy và học không bị ngắt quãng, "dừng đến trường, không dừng việc học".

"Có nhiều thầy cô leo ghềnh, vượt thác, gác lại niềm riêng, chấp nhận ở những nơi khó khăn, heo hút với cơ sở vật chất thiếu thốn để gùi con chữ lên vùng cao, mang kiến thức đến với đồng bào như vợ chồng nhà giáo Mai Đức Tiệp và Vi Thị Dinh, cô giáo Hoàng Thị Thanh Chỉ…", Thủ tướng nói.

Để thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Thủ tướng nhấn mạnh, gia đình, nhà trường và xã hội phải được coi là 3 trụ cột chính, quan trọng để phát triển giáo dục, để học sinh phát triển toàn diện.

Thủ tướng cho rằng phải trả lời một số câu hỏi: phải làm gì để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo một cách hiệu quả hơn, thực chất hơn, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh?

Phải làm gì để giáo dục - đào tạo gắn kết chặt chẽ với nhu cầu, lợi ích, đời sống? Người học nắm được gì, phát triển nhận thức như thế nào? Ứng dụng và thực hành trong công việc và cuộc sống ra sao?

Giải pháp nào để tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất cho công tác dạy và học? Cơ chế, chính sách gì để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, cống hiến?

Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục dành cho giáo dục sự quan tâm và đầu tư, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn nữa; có giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác giáo dục và đào tạo.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức tương xứng với công sức của mình. Tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các nhà giáo giảng dạy các ngành nghề nặng nhọc, độc hại...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.