Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần chăm lo tốt nhất để nhà giáo yên tâm công tác

Quý Hiên
Quý Hiên
19/11/2022 13:59 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đội ngũ giáo viên; chăm lo tốt nhất để các thầy cô yên tâm công tác và cống hiến.

Sáng nay 19.11, tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô (Hà Nội), Bộ GD-ĐT tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Lễ kỷ niệm cũng là sự kiện vinh danh 400 nhà giáo tiêu biểu, đại diện cho đội ngũ hơn 6 triệu nhà giáo trên cả nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và nhiều đại biểu là lãnh đạo cấp cao đến dự.

Nhiều lãnh đạo cấp cao đến dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

Minh Minh

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng bày tỏ lời tri ân tới các thế hệ thầy giáo, cô giáo, những người luôn hết mình cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao cả, được cả xã hội biết ơn, kính trọng và tôn vinh.

“Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tất cả tình cảm, sự tri ân sâu sắc, tôi thân ái gửi tới các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền Tổ quốc lời chào trân trọng, lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất”, Thủ tướng nói.

Sớm có giải pháp hiệu quả giải quyết vấn đề thiếu giáo viên

Theo Thủ tướng, sự nghiệp GD-ĐT của chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, tồn tại cần sớm khắc phục và những khó khăn, thách thức phải vượt qua. Trong khi đó, Đại hội XIII của Đảng đã xác định những mục tiêu quan trọng, yêu cầu GD-ĐT tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

Minh Minh

Để đạt được những mục tiêu này, cần xác định rõ, GD-ĐT là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ khoa học và công nghệ; phù hợp với quy luật khách quan.

Vì thế, với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, Thủ tướng yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó nhấn mạnh việc rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đội ngũ giáo viên phù hợp với thực tiễn, tương xứng với lao động đặc thù của nhà giáo. Chăm lo tốt nhất cả về vật chất và tinh thần, nhất là cho giáo viên mầm non, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giáo viên giảng dạy các ngành nghề đặc thù, nặng nhọc, độc hại…, để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến.

“Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT khẩn trương rà soát, sửa đổi quy định về phụ cấp ưu đãi giáo viên phù hợp thực tiễn với tình hình đất nước và nền kinh tế chung cùng các ngành nghề khác”, Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính Khẩn trương rà soát, sửa đổi quy định về phụ cấp ưu đãi giáo viên

Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan hữu quan chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nhà giáo là chuyên gia đầu ngành ở các trường đại học, viện nghiên cứu và cán bộ quản lý giáo dục, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên trong thời gian tới.

Sớm có giải pháp hiệu quả giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non. Tuyển dụng đủ số lượng, cơ cấu và đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên. Xây dựng chính sách thu hút người giỏi vào học ngành sư phạm.

Thầy cô dạy bằng trái tim, học trò học bằng khát vọng

Cô giáo Nguyễn Thị Bảo Thúy, giáo viên dạy văn Trường THPT Bảo Lộc (Lâm Đồng), đại diện cho 400 nhà giáo được vinh danh trong dịp 20.11 năm nay, phát biểu cảm tưởng.

Cô giáo Nguyễn Thị Bảo Thúy: "Chúng tôi đã dạy bằng cả trái tim và học trò của chúng tôi đã học bằng khát vọng"

Minh Minh

Cô Thúy cho biết, từ trải nghiệm của một người có 32 năm đứng trên bục giảng, đại gia đình có 6 anh chị em cùng theo nghề dạy học, bản thân đã đạt nhiều thành tích trong nghề (năm 2017 được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú), cô luôn thấm thía, nghề dạy học chưa bao giờ là một nghề dễ dàng.

Nó thậm chí ngày càng trở nên khó khăn hơn trong thời đại của Intenet, của toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay. Bởi vì, nếu chỉ là truyền thụ kiến thức, thì một nhà giáo lão luyện tuổi nghề - tuổi đời bao nhiêu, cũng không thể theo kịp tốc độ của máy tính, trí tuệ nhân tạo và các phần mềm công nghệ thông dụng như hiện nay.

Nhưng nghề dạy học không thể biến mất và vai trò của người thầy không thể bị thay thế dù công nghệ phát triển đến đâu! Đó là nhờ có hai quy tắc bất biến để mỗi thầy cô giáo có thể dạy học trò thành tài mà không một thứ máy móc, trí tuệ nhân tạo nào có thể thay thế được.

Đó là sự yêu thương, tin tưởng học trò và lòng đam mê của người thầy đối với cuộc hành trình giúp học trò chinh phục tri thức. Đó cũng là cốt cách, nhân phẩm và là yêu cầu đặc thù đối với người làm nghề dạy học.

“Trong cuộc đời làm nghề của cá nhân tôi và biết bao thầy cô giáo khác, vẫn còn đó rất nhiều khó khăn, vất vả và bộn bề những lo toan, nhưng mỗi khi nhìn vào ánh mắt của học sinh, thấy sự trưởng thành, giỏi giang, sự tiến bộ vượt bậc của các em học sinh, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Và niềm hạnh phúc ấy có lẽ không thể đánh đổi bằng bất cứ giá trị nào. Vì thế, hành trang đến lớp của chúng tôi là tình yêu nghề nghiệp, là sự nỗ lực đổi mới và tự trang bị kiến thức.

Với tôi, chất lượng giảng dạy là danh dự. Chúng tôi đã dạy bằng cả trái tim và học trò của chúng tôi đã học bằng khát vọng. Nghề đã chọn chúng tôi và cho chúng tôi thật nhiều cơ hội”, cô Thúy tâm sự.

Em Phạm Việt Hưng, lớp 12 Toán, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, phát biểu tại buổi lễ

Minh Minh

Đại diện cho học sinh phát biểu tại buổi lễ là em Phạm Việt Hưng, học sinh lớp 12A1 Toán, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Hưng là một trong 2 học sinh Việt Nam đoạt huy chương vàng kỳ thi toán quốc tế năm 2022 tại Na Uy.

Huy tâm sự, giây phút được đeo tấm huy chương, trên tay cầm lá cờ Tổ quốc là giây phút mà em vô cùng xúc động. Đến với kỳ thi, các em đều hiểu rằng, đây không đơn giản là thành tích cá nhân, mà hơn thế, các em mang theo cả trách nhiệm, sự biết ơn đối với công lao dạy dỗ tận tình của các thầy giáo, cô giáo; niềm tin yêu, hy vọng của thầy cô, nhà trường, gia đình dành cho các em, và hơn nữa, đó là lòng tự hào dân tộc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.