Thượng úy biên phòng Kiên Giang sống trọn tình với đồng bào Khmer

26/01/2021 18:51 GMT+7

Ra trường, được về công tác trên quê hương gắn với tuổi thơ vất vả, thượng úy Danh Hải, Đội trưởng Đội trinh sát thuộc Đồn Biên phòng Phú Mỹ, Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang, luôn hết lòng với đồng bào Khmer.

Năm 2013, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Danh Hải (hiện 31 tuổi) thi đậu vào Học viện Biên phòng. Đến năm 2017, ra trường, anh được điều về công tác tại Đồn Biên phòng Phú Mỹ, thuộc huyện biên giới Giang Thành (Kiên Giang) cho đến nay.

Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và nói tiếng  Khmer

Thượng úy Hải cho biết anh là con thứ năm trong gia đình nông dân nghèo ở xã Nam Yên, H.An Biên, Kiên Giang. Năm 2000, cả gia đình lên vùng kinh tế mới thuộc huyện biên giới Giang Thành lập nghiệp. Thời gian này, anh vừa vào lớp 1 nên tuổi thơ gắn với những năm tháng khó khăn của vùng biên giới nhiều nắng gió.
Ra trường, được về công tác ngay trên quê hương mà anh có cả một tuổi thơ vất vả nhưng có nhiều kỷ niệm đẹp, anh Hải không ngừng phấn đấu. Anh xác định muốn hoàn thành nhiệm vụ của một cán bộ trinh sát thì phải bám dân, nắm địa bàn, phải được dân tin yêu, đơn vị và địa phương tín nhiệm. Từ đó, anh không ngừng lắng nghe ý kiến chỉ bảo của các thế hệ đi trước, lắng nghe lời của các già làng, người cao tuổi, các bậc cao tăng trong phum (xóm), ấp.

Thượng úy Danh Hải (trái) gặp gỡ tuyên truyền pháp luật cho các phật tử chùa Tà Teng, xã Phú Mỹ, H.Giang Thành

ẢNH: ANH PHƯƠNG

Là người dân tộc Khmer nên anh Hải nhanh chóng hòa vào cuộc sống bà con vùng biên, thực hiện tốt phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nghe và nói tiếng đồng bào các dân tộc”. Nhờ vậy, anh tạo được cảm tình của đồng bào, sự tín nhiệm của đơn vị, từng bước quen dần với công việc hiện tại. Đến nay, mới gần 4 năm công tác, nhưng dấu chân anh đã đi đến khắp các phum, ấp, chùa để làm công tác chuyên môn và tham gia cùng đơn vị làm tốt công tác vận động quần chúng.

Chăm sóc mẹ liệt sĩ, đỡ đầu học sinh nghèo

Thiếu tá Phạm Quang Khoa, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Phú Mỹ, cho biết đơn vị đứng chân trên địa bàn 2 xã Phú Mỹ và Phú Lợi của H.Giang Thành. Ai cũng biết đây là huyện mới, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn. Do am hiểu và nói thuần thục tiếng Khmer nên ngoài công tác nghiệp vụ trinh sát, anh Hải còn xin đơn vị được tham gia cùng đội vận động quần chúng đảm nhiệm thêm việc chăm lo, dạy học cho 9 em học sinh nghèo trên địa bàn, 9 em học sinh nghèo bên kia biên giới, 1 em là con nuôi của Đồn biên phòng; chăm sóc 1 mẹ liệt sĩ, 3 gia đình chính sách…
“Hằng đêm, lúc rảnh, anh Hải còn tranh thủ dạy thêm kiến thức giao tiếp với đồng bào bằng tiếng Khmer cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Đơn vị luôn trân trọng và đánh giá cao vai trò của anh Hải trong tham gia bảo vệ địa bàn và làm công tác dân vận”, thiếu tá Phạm Quang Khoa nói.
Ngoài ra, anh Hải còn tham gia biên soạn các văn bản luật trong Đề án: “Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho các bộ và nhân dân biên giới, hải đảo. Vận động bà con địa phương chung tay xây dựng nông thôn mới, toàn dân tố giác tội phạm. Vận động các sư, người cao tuổi tích cực tham gia phong trào toàn dân đoàn kết xóm, ấp an toàn… và nhiều công việc không tên có liên quan đến công tác đoàn thanh niên mà cấp ủy, chỉ huy đơn vị giao phó.

Làm cho dân tin yêu, xem như con, cháu trong phum, ấp

Anh Hải cho biết anh luôn xác định mỗi công việc, mỗi nhiệm vụ được giao đều có ý nghĩa chính trị quan trọng. “Công việc của tôi luôn gắn với cuộc sống thường nhật của đồng bào. Vì vậy, muốn làm tốt vai trò, trách nhiệm, người cán bộ phụ trách phải am hiểu phong tục, tập quán, tín ngưỡng của đồng bào. Trong thời gian ngắn về nhận công tác ở đơn vị, tôi không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, gần dân để học thêm tiếng nói, tìm hiểu phong tục, tập quán. Tôi luôn khiêm tốn, thật thà, làm sao cho nhân dân tin yêu, xem mình như con, cháu trong phum, ấp thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ”, anh Hải chia sẻ.

Thượng úy Danh Hải dạy tiếng Khmer cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.

ẢNH: ANH PHƯƠNG

Với những nỗ lực của bản thân, cùng với sự giúp sức của đồng đội, chỉ sau thời gian ngắn, anh Danh Hải đã đứng ra vận động được hơn 40 em nhỏ bỏ học quay lại lớp. Các em nhỏ được nhận phụng dưỡng đều chăm học, có bước tiến rõ rệt. Trong chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, anh làm công tác tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị và cấp ủy chính quyền địa phương nơi đóng quân, kêu gọi mạnh thường quân ủng hộ 150 triệu đồng để mua vật liệu xây 3 cầu treo dân sinh nhằm xoá bỏ cầu tạm, cầu khỉ để thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân trên địa bàn. Vai trò của đội trưởng trinh sát vùng biên cũng từ đó được anh phát huy.
Đến nay, thượng úy Danh Hải đã tạo dựng được nhiều cơ sở, tai mắt trong quần chúng nhân dân. Các hoạt động buôn lậu, tiếp tay cho buôn lậu, tệ nạn cờ bạc, rượu chè, trộm cắp bị đẩy lùi. Đồng bào vùng biên giới Kiên Giang yên vui lao động, sản xuất, kinh tế phát triển như hôm nay là có một phần góp sức của anh.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.