Tiệc cuối năm thường là nỗi sợ của nhiều người |
VĂN THIÊN |
Muôn điều khổ sở khi đi tiệc cuối năm
Cứ khoảng một tuần thì Phạm Hồng Nhung (22 tuổi), hiện đang làm kế toán cho một trang thương mại điện tử lại nhận được khoảng 2 lời mời đi dự tiệc vào cuối tuần hoặc sau giờ làm. Với đủ loại tiệc từ của công ty, phòng ban rồi đến tiệc của nhóm riêng, bạn bè, gia đình và cô đang dần không thích đi tiệc cuối năm nữa.
“Phần mình lo cho ví tiền vì ai mà chẳng muốn nổi bật trong bữa tiệc nên mình thường chi tầm 600.000-700.000 đồng cho đầm váy, trang điểm, làm móng, giày, phụ kiện… trước khi đi. Ngoài ra, do mọi người hay tổ chức đi cuối tuần mà thường thứ hai trở lại làm việc khiến mình cảm thấy hơi mệt, nên thấy mọi người rủ đi thêm 'tăng hai, tăng ba' thì mình cũng xin phép ‘chuồn’ trước”, Nhung cho hay.
Trường Sinh (ngoài cùng) phải khéo léo từ chối nhiều bữa tiệc cuối năm vì không đủ kinh phí |
NVCC |
Cũng gặp vấn đề tiền nong khi đi tiệc cuối năm, Nguyễn Vũ Trường Sinh, sinh viên Trường ĐH Văn Lang cho biết bản thân đã từ chối rất nhiều bữa tiệc cuối năm chỉ vì không có đủ kinh tế để chung vui cùng mọi người.
“Bạn bè mời mình đi ăn tiệc cuối năm nhưng mà thời gian này mình không có đủ tiền để đi đâu hết, dù mọi người có bảo là không cần lo để mọi người bao nhưng thật sự mình rất ngại nên cũng kiếm lý do để từ chối khéo hết”, Trường Sinh thở dài.
Còn điều khiến anh Lê Văn Lĩnh (23 tuổi), ngụ tại thôn 3, xã Tiên Hiệp, H.Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) khổ sở nhất chính là bị ép uống bia rượu quá nhiều vì bản thân Lĩnh không uống được nhiều thức uống có cồn và anh cũng e dè sợ vi phạm luật giao thông trong thời điểm cuối năm khi đi đường về nhà sau bữa tiệc.
“Có một lần, mình đi dự tiệc thì anh ngồi chung bàn cứ mời uống, mặc dù mình đã từ chối nhưng vẫn bị ép uống và cái kết là say thật. Mình thật sự cảm thấy rất phiền toái và không thoải mái trong bữa tiệc khi mọi người cứ ép uống kiểu: ‘phải uống được bia rượu mới là con trai’, ‘uống một xíu đâu ảnh hưởng gì đâu’ và nói rất nhiều lần”, Văn Lĩnh nói.
Nhiều người rất ngại việc bị ép uống, say xỉn nhiều ngày tất niên |
VĂN THIÊN |
Ngoài bị ép uống rượu bia ra thì Hồ Văn Thiên, sinh viên Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng còn cảm thấy vô cùng khó xử khi trong buổi tiệc chứng kiến bạn bè quá chén với nhau dẫn đến việc say quá rồi nôn và khóc tại quán. Đôi khi, Thiên sẽ là người phải chở hay dẫn người bạn này về nhà an toàn.
“Dịp cuối năm này, một tuần mình sẽ được mời 2 bữa tiệc trở lên, đi nhiều như vậy thì mình cũng cảm thấy hơi cập rập vì uống nhiều quá thì sẽ rất mệt, ảnh hưởng cho sức khỏe và đặc biệt là tốn rất nhiều tiền. Nên mình nghĩ cuối năm gặp nhau ngồi lại nói chuyện, uống nước vui vẻ chứ không nên làm tiệc rồi nhậu nhẹt nhiều”, Văn Thiên bày tỏ.
An toàn hay cả nể?
Nói về vấn đề “Nhiều người khổ sở khi phải đi tiệc cuối năm triền miên”, thạc sĩ Lê Minh Huân, nhà sáng lập và cố vấn Công ty TNHH ứng dụng tâm lý - giáo dục An Nhiên cho biết việc mời nhau dự tiệc tất niên xuất phát từ sự quý mến, muốn tạo cơ hội gặp gỡ, hàn huyên giữa đồng nghiệp trong cùng công ty hay bạn bè, người thân. Tuy nhiên, có nhiều người lại lạm dụng hoặc tổ chức một cách gượng ép, không đúng tinh thần “tiệc tất niên”.
Nên đảm bảo an toàn, sức khỏe cho bản thân dịp tất niên |
THƯỢNG HẢI |
“Trên thực tế, hầu hết các buổi tiệc tất niên, người được mời không phải chi trả hay đóng góp vào chi phí buổi tiệc, trừ những nhóm bạn hoặc các gia đình tự tổ chức nhằm tập trung mọi người để gặp gỡ, trò chuyện. Do đó, nếu thấy việc đóng góp tiền thiếu hợp lý hay quá tốn kém thì nên khéo léo từ chối. Ngoài ra, thói quen của người Việt gặp nhau không trà thì rượu và càng ngày người ta càng lạm dụng rượu bia”, thạc sĩ Minh Huân cho hay.
Thạc sĩ cũng cho biết thêm nhiều người hay khích tướng, ép uống, nhân danh cấp trên, vai vế, địa vị, tuổi tác khiến nhiều người khó xử, không biết từ chối ra sao. Và khiến cho một số vì nể nang mà chấp nhận “hành xác” chính mình bằng việc uống quá chén đến say xỉn, rồi dẫn đến những trường hợp không vui dịp cuối năm như: ẩu đả gây thương tích cho người khác, tự lái xe về trong tình trạng thiếu tỉnh táo, dễ gây tai nạn…
Để người được mời cảm thấy an toàn, thoải mái khi đi dự tiệc cuối năm, thạc sĩ Minh Huân bày tỏ rằng mỗi người cần biết liệu sức mình và lựa chọn buổi tiệc sao cho phù hợp với điều kiện, khả năng đáp ứng của bản thân.
“Bản thân được mời chứ không ‘bị ép’ phải tham dự, do đó, cá nhân toàn quyền lựa chọn nên đến hay từ chối buổi tiệc nào, nếu dự liệu bản thân sẽ bị ép uống, sẽ ‘say quên lối về’ khi tham dự, hãy từ chối tham gia. Trường hợp bất khả kháng phải tham gia một bữa tiệc nhưng không thể dùng rượu bia hoặc dùng quá giới hạn, hãy thông báo trước cho chủ tiệc và những thành viên khác một lý do chính đáng về sức khỏe, về khả năng của bản thân để giúp chúng ta an toàn hơn”, thạc sĩ Huân nói.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng cho biết thêm nếu vẫn bị ép uống thì nên cáo lỗi, rời bữa tiệc và tìm chỗ nghỉ ngơi hoặc nhờ trợ giúp từ người thân để rời bữa tiệc và về nhà an toàn. “Nếu phải rời bữa tiệc cuối năm sớm hơn dự kiến, cần lựa lời chào hỏi, tạm biệt sao cho khéo léo tránh mất lòng nhiều người nhất có thể. Và nếu buộc phải lựa chọn giữa an toàn cho bản thân và làm phật lòng người khác thì nên chọn sức khỏe, chứ ‘cả nể’ hay ‘làm vừa lòng’ người khác sẽ ảnh hưởng xấu đến chính mình”, thạc sĩ này cho hay.
Bình luận (0)