Tiền hỗ trợ nhà trọ cần sớm đến tay công nhân

22/05/2022 06:32 GMT+7

Từ 1.4, gói 6.600 tỉ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân từ ngân sách nhà nước bắt đầu được triển khai, dự kiến sẽ có khoảng 3,4 triệu lao động được thụ hưởng chính sách này. Thế nhưng, đến nay đã gần tròn 2 tháng, số lao động nhận được hỗ trợ rất ít.

Trước tình trạng ì ạch chi trả hỗ trợ này, Thủ tướng đã có công điện nhắc nhở đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo tính hiệu quả của chính sách đã ban hành, vốn được đánh giá là rất ý nghĩa và nhân văn. Trong công điện ngày 20.5, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, TP quyết liệt triển khai việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động (NLĐ) theo Quyết định 08/2022 của Thủ tướng, đảm bảo hoàn thành trong tháng 8 tới.

Theo ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, trách nhiệm của địa phương trong triển khai chi trả chính sách hỗ trợ rất quan trọng. Nếu trong quá trình thực hiện có những vấn đề phát sinh, vướng mắc chưa phù hợp với thực tiễn, các địa phương cần có ý kiến ngay, Bộ LĐ-TB-XH sẽ tiếp thu và điều chỉnh.

Một khu nhà trọ ở Q.Gò Vấp, TP.HCM

LÊ TRỌNG

Chịu khổ ải với thủ tục

Theo thống kê tại TP.HCM, dự kiến có hơn 1,1 triệu NLĐ thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08/2022 của Thủ tướng, dự trù kinh phí khoảng 2.000 tỉ đồng. Dẫu số lượng NLĐ cần được hỗ trợ rất lớn, tuy nhiên đến nay hồ sơ gửi về Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP.HCM vẫn còn rất ít. Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM, cho hay tính đến thời điểm hiện nay, đơn vị mới chỉ nhận xác nhận hồ sơ cho 1.439 doanh nghiệp (DN) và 15.001 NLĐ (tức chiếm hơn 0,01%/1,1 triệu NLĐ - PV).

Theo khảo sát của PV Thanh Niên tại một số khu trọ đông NLĐ nghèo, nhập cư như TP.Thủ Đức, Q.8... (TP.HCM), đa số công nhân (CN) đều nóng lòng chờ đợi nhận được tiền hỗ trợ nhà trọ để phần nào trang trải đời sống.

Tại một khu trọ có rất đông NLĐ nhập cư ở P.16, Q.8, chị Minh, quản lý nhà trọ, trăn trở khi thời gian qua đã có không ít trường hợp NLĐ thiếu nhiều tháng tiền trọ rồi trốn đi, còn người ở lại cầm cự, trả góp tiền phòng.

Với chính sách hỗ trợ tiền nhà trọ cho NLĐ theo Quyết định 08/2022 của Thủ tướng, chị Minh vui lây và nắm thông tin hằng ngày để có thể phổ biến lại. Chị nói có một nhóm NLĐ chưa nghe thông báo triển khai từ công ty, còn lại đa số NLĐ mới chỉ dừng lại ở bước nhận mẫu từ DN để kê khai, đem giấy về để chủ nhà trọ xác nhận cư trú. Tuy nhiên các mẫu kê khai cũng phải chỉnh đi chỉnh lại, đặc biệt là điều chỉnh về thời gian ở trọ.

Cần phải “động chân, động tay” lên

PGS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện CN - công đoàn, cho rằng vấn đề quan trọng nhất là nhanh chóng giải ngân số tiền mà Chính phủ hỗ trợ. Các sở LĐ-TB-XH tổ chức thực hiện chính sách của Chính phủ phải “động chân, động tay” lên, nhanh chóng để NLĐ có thêm tiền chăm lo cuộc sống, trước mắt là tiền trả chỗ ở.

Theo ông Thọ, các cơ quan chức năng cần lọc đối tượng, xem xét những ai đang khó khăn nhất thì hỗ trợ ngay. Những người ít khó khăn hơn, sẽ chi trả sau. Cán bộ công đoàn phải nhiệt tình hơn, trách nhiệm hơn để hỗ trợ NLĐ, khẳng định vai trò trong việc đồng hành và giám sát để không xảy ra tình trạng trục lợi chính sách và để CN lao động yên tâm, không cảm thấy mình bị bỏ rơi.

Chị Du Thị Trúc, CN công ty may, ngụ ở TP.Thủ Đức, cũng đang rất sốt ruột chờ nhận tiền hỗ trợ. Chị Trúc cho hay đứa con trai lớn của chị phải bỏ học giữa chừng, nhiều tháng thiếu trước hụt sau, nhà chị đi vay mượn khắp nơi.

Nghe tin hỗ trợ tiền nhà trọ, chị Trúc mừng chảy nước mắt. Thế nhưng, chị lo lắng vì đến nay đã 3 lần chị phải điều chỉnh mẫu đề nghị nhận hỗ trợ và mang về nhờ chủ trọ xác nhận. Chị Trúc cho hay phía công ty vẫn còn đang chuẩn bị hồ sơ và chị cũng không được giải thích vì sao phải điều chỉnh.

Khác với trường hợp của chị Trúc, nhiều NLĐ đang không biết làm sao khi nhiều chủ trọ không xác nhận vào mẫu kê khai. Ông Trương Hoàng Tâm, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP in số 7 (KCN Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM), cho biết: “Khó khăn cụ thể ở đây là phần xác nhận của chủ nhà trọ. Có những CN nhờ xác nhận nhưng chủ nhà trọ ngại hoặc từ chối. Khi tìm hiểu nguyên nhân mới biết họ chỉ là người quản lý nhà trọ chứ không phải chủ trọ đích thực, hoặc chủ trọ không đăng ký cho thuê nhà ở địa phương. Cũng có trường hợp chủ trọ chỉ có vài phòng và cho thuê tạm nên không dám xác nhận”.

“Nếu chủ trọ không xác nhận, NLĐ đứng trước nguy cơ mất khoản tiền hỗ trợ. Chính điều này cần được cơ quan chức năng gỡ vướng”, ông Tâm nói thêm.

Người lao động nản

Mặc dù đã nhận được thông báo của công ty về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, nhưng chị Lê Thanh Hoa, CN đang làm việc tại KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội), vẫn chưa làm hồ sơ.

Chị Hoa cho biết: “Đọc điều kiện tưởng là đơn giản nhưng đi làm thủ tục hành chính lại không dễ. Chủ nhà trọ ở cùng, tôi xin xác nhận được ngay, nhưng công ty yêu cầu thêm là phải nộp xác nhận tạm trú. Tôi mới chuyển chỗ trọ được hơn 1 tuần, chưa kịp khai báo tạm trú ở chỗ mới. Xã làm việc trong giờ hành chính, để xin xác nhận tôi phải xin nghỉ một buổi. Đi làm tăng ca đã mệt lắm rồi, tôi thấy phiền phức nên tính không nhận tiền hỗ trợ nữa”.

Chị Tô Thùy Trang, CN đang làm việc tại KCN Quế Võ (Bắc Ninh), cũng cho rằng thủ tục cần phải đơn giản hơn nữa. “Số tiền hỗ trợ nhà ở 500.000 đồng/tháng cũng giúp NLĐ bớt được một nửa tiền thuê trọ hằng tháng. Ngoài đơn có xác nhận nhà trọ, chúng tôi phải đi công chứng giấy tạm trú để nộp cho công ty. Dù hướng dẫn của Bộ LĐ-TB-XH không thấy yêu cầu này, có thể bên công ty sợ NLĐ gian lận nên đã yêu cầu bổ sung thêm”, chị Trang chia sẻ và cho biết thêm một số đồng nghiệp của chị thuê trọ nơi không có chủ nhà trọ ở cùng, cả xóm trọ phải cử một người đại diện đến nhà chủ ở TP.Bắc Ninh xin xác nhận.

Là một trong những DN triển khai gói hỗ trợ sớm nhất của H.Mê Linh (Hà Nội), bà Đặng Thu Trang, nhân viên Phòng Hành chính - nhân sự Công ty Nitori Furniture VN (KCN Quang Minh, Hà Nội), cho biết đến nay công ty đã gửi danh sách 445 CN đủ điều kiện nhận hỗ trợ lên UBND H.Mê Linh để xác nhận.

Bà Trang chia sẻ: “Với những lao động thuê trọ của các cá nhân thì không gặp vấn đề gì, nhưng có một số lao động thuê chung cư của DN thì gặp trục trặc, những nơi này chỉ xác nhận theo từng tháng chứ không xác nhận 1 lần. Vì vậy, những người này thấy thủ tục đi lại xin xác nhận phiền phức nên đã từ bỏ không nhận hỗ trợ”.

Theo ông Lê Nho Thướng, Chủ tịch Công đoàn Dệt may VN, số lao động đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ thuê nhà trọ là 14.504 người, nếu được hỗ trợ thì tổng số tiền là 15,12 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay số người được nhận thực tế chỉ 4.144 người với số tiền 4,32 tỉ đồng.

“Những người còn lại chưa được nhận do đang vướng mắc về hồ sơ, thủ tục như: không liên hệ được với chủ nhà trọ để xin xác nhận, vướng về thủ tục khai báo tạm trú trước đó, đã nộp hồ sơ đề nghị trợ cấp nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết…”, ông Thướng cho hay và đề nghị cơ quan chức năng cần đơn giản hóa thủ tục, rà soát hồ sơ kịp thời, giải quyết chi hỗ trợ cho NLĐ nhanh chóng để họ giảm bớt khó khăn.

Chủ tịch công đoàn một DN có hàng nghìn NLĐ thuộc diện được nhận hỗ trợ tại Bắc Giang cho rằng việc triển khai gói hỗ trợ quá chậm. Đến thời điểm này NLĐ đã bắt đầu ổn định công việc, nếu đến tận tháng 6 - tháng 7 mới giải ngân thì khi đó NLĐ không còn mặn mà với chính sách này nữa.

Không thể tiếp diễn tình trạng “trên bảo dưới không nghe”

Theo Bộ LĐ-TB-XH, tính đến ngày 20.5, Cà Mau là địa phương đầu tiên phê duyệt danh sách chi tiền hỗ trợ cho hơn 2.300 lao động với kinh phí 1,16 tỉ đồng và đã có 3 lao động được nhận tiền. Hiện có 55 địa phương ban hành kế hoạch giải ngân hỗ trợ; 6 tỉnh chưa có động thái và 2 tỉnh Lai Châu, Điện Biên không có lao động thuộc diện hỗ trợ.

Tỉnh Bắc Giang đã dự kiến kinh phí hỗ trợ là 138 tỉ đồng. Trong đó, có 80.000 CN đang làm việc tại các KCN được hỗ trợ với tổng số tiền 120 tỉ đồng, và 10.000 lao động quay trở lại thị trường lao động với tổng số tiền hỗ trợ 18 tỉ đồng. Tính đến 16.5, UBND các huyện và TP thuộc tỉnh Bắc Giang đã nhận được hồ sơ của 22 đơn vị đề nghị hỗ trợ cho 2.905 lượt lao động với số tiền 1,48 tỉ đồng.

Ông Trần Văn Hà, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bắc Giang, cho biết trong những ngày tới sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, đôn đốc các DN đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ kịp thời cho NLĐ. Sở cũng đề nghị các huyện, TP khẩn trương phê duyệt danh sách và tổ chức hỗ trợ kịp thời cho NLĐ; đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát công tác triển khai tổ chức thực hiện theo Quyết định 08/2022 của Thủ tướng.

Đánh giá gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho CN là chính sách rất kịp thời, hợp lòng dân khi NLĐ vừa trải qua đại dịch Covid-19 vô cùng khó khăn, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng chủ trương đúng đắn này không chỉ hỗ trợ NLĐ mà còn giúp DN khôi phục và phát triển sản xuất sau đại dịch. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi gói hỗ trợ đến tay NLĐ kịp thời, càng chậm thì đời sống của NLĐ đã khó khăn càng trở nên khó khăn hơn.

“Thủ tướng đã có công điện, các cơ quan chức năng và các địa phương cần tập trung nguồn lực giải ngân sớm thì gói hỗ trợ mới có ý nghĩa. Nếu không đơn giản hóa thủ tục thì không thể hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý với NLĐ. Các tổ chức chính trị xã hội như MTTQ, công đoàn cần tăng cường giám sát, kiểm tra, cần thiết phải phê bình, nêu tên những địa phương, đơn vị chậm triển khai, không thể để tiếp tục tình trạng “trên bảo, dưới không nghe” và “trên nóng, dưới lạnh” như hiện nay”, ông Lợi thẳng thắn góp ý.

Trước phản ánh của NLĐ về vướng mắc trong thủ tục hành chính, nhất là khó xin xác nhận của chủ nhà trọ, ông Lợi bày tỏ: “Để đẩy nhanh tiến độ, cần phải cải cách thủ tục hành chính. Công đoàn là tổ chức đại diện quyền lợi hợp pháp của NLĐ, do vậy ngoài xác nhận của DN, chỉ cần đại diện công đoàn đứng ra xác nhận cho NLĐ là có thể đủ cơ sở để chi trả tiền hỗ trợ, không nhất thiết yêu cầu chủ nhà trọ xác nhận”.

Nội dung chính sách đã ban hành theo quyết định 08/2022

1 NLĐ đang làm việc trong DN tại KCN, KCX hoặc khu vực kinh tế trọng điểm được hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng khi có đủ các điều kiện sau:

Ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1.2 - 30.6.2022.

Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện trước ngày 1.4.2022; đang tham gia BHXH bắt buộc.

Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng, phương thức chi trả 1 lần hoặc theo từng tháng.

2 Đối với NLĐ quay trở lại thị trường lao động, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng khi có đủ các điều kiện sau: ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1.4 - 30.6.2022.

Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 1.4 - 30.6.2022, trừ hợp đồng lao động giao kết tiếp nối của hợp đồng lao động đã giao kết và thực hiện trước đó.

Đang tham gia BHXH hoặc chưa tham gia nhưng phải có tên trong danh sách chi trả lương của người sử dụng lao động. Thời gian tối đa 3 tháng, phương thức chi trả hằng tháng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.