Thường xuyên lấy lý do để xin chỉ định thầu
Chiều 20.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên chuyên đề, cho ý kiến về dự án luật Đấu thầu sửa đổi. Trình bày tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết dự án luật dự kiến bổ sung quy định các trường hợp chỉ định thầu để tạo điều kiện thuận lợi áp dụng trong các trường hợp cấp bách hoặc cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm. Ông Dũng dẫn một số gói thầu dự kiến áp dụng cơ chế chỉ định thầu như: gói thầu phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; gói thầu thuộc các dự án quan trọng quốc gia cần triển khai ngay; gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn; gói thầu thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ý kiến tại phiên họp |
Gia Hân |
Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng các trường hợp mở rộng chỉ định thầu theo dự thảo luật vốn là các cơ chế đặc thù mà Quốc hội cho phép trong nghị quyết gần đây. Tuy nhiên, các cơ chế này chưa được tổng kết, đánh giá thì dự thảo luật lần này đã thể chế hóa. “Chúng tôi rất băn khoăn mặt tích cực, tiêu cực thế nào? Đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo làm rõ hơn”, ông Thanh nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, lâu nay mỗi khi nói đến đầu tư công, đấu thầu, đấu giá lúc nào cũng có lý do là thủ tục kéo dài, thậm chí ách tắc, rồi nói là do luật, nên đề nghị cơ quan soạn thảo chỉ thẳng nội dung ách tắc, phức tạp khiến việc đấu thầu kéo dài, khó thực hiện. “Các đồng chí chỉ thẳng ra nội dung nào ách tắc, phức tạp, làm cho đấu thầu kéo dài. Và sửa thế nào, có khắc phục được chuyện ấy không? Không đi thẳng vào cái này rất khó. Rồi sửa luật xong vẫn như cũ rồi lại bảo do luật”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, và nói rõ dự án luật chưa làm rõ được việc này.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu đấu thầu được thì giá giảm xuống rất thấp trong khi các cơ quan thường xuyên lấy lý do khó đấu thầu để xin chỉ định thầu. “Như sân bay Long Thành, các anh Đồng Nai báo cáo chúng ta đấu thầu công khai, rộng rãi, nghiêm ngặt và giảm được rất nhiều tiền”, Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị cơ quan soạn thảo phải làm rõ vì sao có tình trạng này để có cách khắc phục.
Dẫn tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông thầu, tham nhũng tiêu cực trong lĩnh vực đấu thầu, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ rõ thực trạng nói trên chỗ nào do pháp luật, chỗ nào thiếu chặt chẽ. “Ta nói bịt lỗ hổng thì lỗ hổng là cái gì, có lỗ hổng không, hổng ở đâu, vá thế nào? Tôi thấy phải đi thẳng vào, chứ nói chung quá”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Sau hàng loạt phân tích, Chủ tịch Quốc hội đánh giá luật đang được sửa theo hướng “kém minh bạch hơn”. “Chúng ta muốn luật hóa để minh bạch, công khai, nhưng đọc các điều khoản sửa tôi lại thấy có thể phát sinh tình trạng làm chậm trễ hơn trong thi hành luật, rồi lại tạo ra sơ hở, thêm thủ tục hướng dẫn khi 30% điều khoản là giao Chính phủ quy định chi tiết”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết dự thảo đã sửa một số quy định để đảm bảo cạnh tranh trong hồ sơ mời thầu. “Điều này nhằm hạn chế đấu thầu hình thức, tức quân xanh, quân đỏ; gian lận trong đấu thầu”, ông Dũng nói và cho biết dự thảo luật cũng thiết kế để khắc phục tình trạng trúng thầu giá rẻ nhưng thực tế phải trả giá đắt như vừa qua.
Luật vướng gì mà Thủ tướng chỉ đạo vẫn thiếu thuốc?
Một vấn đề được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm là ách tắc trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế “có vấn đề gì không mà tổ chức thực hiện lại khó như thế”. “Đến mức Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt mà vẫn thấy khan hiếm thuốc”, ông Thanh nói và cho rằng, cần làm rõ để thấy luật sửa đổi sẽ khắc phục vấn đề này như thế nào.
Liên quan vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm, cần phải làm rõ những vướng mắc hiện nay là do luật hay do nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Y tế ban hành.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng với lĩnh vực y tế, nhiều trường hợp phải tháo gỡ khó khăn nhưng mặt khác phải nghiêm túc và chặt hơn. Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, trước đây, nói thuốc biệt dược không đấu thầu được, nhưng khi mở thêm một kênh đấu thầu bên BHXH thì vẫn đấu thầu được. “Kết quả hai bên làm thì biệt dược vẫn đấu giá được. Vô tư mà giảm giá rất nhiều”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Giải trình sau đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay việc ách tắc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế có nhiều nguyên nhân như dự tính nhu cầu không sát thực tế, đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh trong khi một số đơn vị của Bộ Y tế vừa qua “quá tập trung vào phòng chống dịch, ít người nhiều việc”. “Cũng có tâm lý e dè, đặc biệt là của người đứng đầu”, ông Thuấn nói, đồng thời nhấn mạnh, nếu để BHXH tham gia đấu thầu thuốc tập trung thì “Bộ rất vui mừng, sẵn sàng chuyển giao”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết việc vướng mắc trong đấu thầu của ngành y tế chủ yếu do Nghị định 98 của Chính phủ và các thông tư của Bộ Y tế về mua sắm thuốc, vật tư y tế. “Còn tất cả luật Đấu thầu hiện nay không vướng gì”, ông Dũng nói và cho biết, toàn bộ trang thiết bị, vật phẩm y tế, thuốc, vắc xin… mua trong quá trình chống dịch vừa qua “không vướng gì”.
Bình luận (0)