Tình hình Covid-19 hôm nay 17.2: Học sinh mắc Covid-19 tăng ở nhiều địa phương

17/02/2022 18:36 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Số ca F0 xuất hiện trong nhà trường ở TP.HCM có xu hướng tăng; gần 450 giáo viên và học sinh ở Đắk Lắk nhiễm Covid-19 khi học trực tiếp; hơn 300 học sinh ở Gia Lai mắc Covid-19.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Có 36.190 ca mắc Covid-19 trong nước tại 62 tỉnh, thành. Theo thông báo của Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày hôm qua 16.2 đến 16 giờ hôm nay, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 36.200 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca nhập cảnh và 36.190 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.467 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh cao: Hà Nội 3.893 ca, Thái Nguyên 2.478 ca, Quảng Ninh 2.477 ca, Hải Phòng 1.548 ca, Phú Thọ 1.417 ca, Vĩnh Phúc 1.362 ca, Bắc Ninh 1.362 ca, Nghệ An 1.352 ca, Hải Dương1.350 ca, Nam Định 1.344 ca, Hòa Bình 1.256 ca, Bắc Giang 1.112 ca...

Ngày 17.2: Cả nước 36.200 ca Covid-19, 5.810 ca khỏi | Hà Nội 3.893 ca | TP.HCM 483 ca

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Ninh Bình 1.316 ca, Hải Dương giảm 248 ca, Bình Định giảm 217 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Quảng Ninh tăng 941 ca, Bắc Giang tăng 401 ca, Hòa Bình tăng 282 ca. Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 200 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron tại 17 tỉnh, thành. Theo công bố của các Sở Y tế, hôm nay có 5.810 bệnh nhân khỏi bệnh. Trong 24 giờ qua ghi nhận 90 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, TP.HCM ghi nhận 4 ca (2 ca chuyển đến từ Bình Thuận và Bình Định), Hà Nội ghi nhận 19 ca, Đà Nẵng 8 ca, Nam Định 7 ca trong 2 ngày, Kiên Giang 6 ca, Bình Thuận 5 ca, Bình Phước 3 ca trong 2 ngày…

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM khử khuẩn trước khi vào lớp

ngọc dương

Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin về tình hình học sinh mắc Covid-19 trong 4 ngày qua. Chiều 17.2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ. Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Công tác chính trị - Tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết tỷ lệ trẻ đến trường của cấp mầm non là 66%, tiểu học là gần 96%, THCS hơn 96% và THPT hơn 98%. Thông tin đáng khích lệ là qua thống kê của các trường thì tỷ lệ trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học và lớp 6 đi học tăng dần trong các ngày qua.

Về số ca F0 xuất hiện trong nhà trường, ông Trọng cho biết F0 có xu hướng tăng kể từ đầu tuần này, khi học sinh toàn ngành giáo dục đến trường học trực tiếp. Cụ thể, ngày 14.2 có 27 em, ngày 15.2 có 50 em, ngày 16.2 có 86 em. “Hôm nay, Sở GD-ĐT tiếp tục cập nhật, dự kiến tăng nhẹ so với hôm qua”, ông Trọng nhận định, đồng thời nhấn mạnh các tình huống phát sinh ca nhiễm được y tế địa phương phối hợp chặt chẽ, giải quyết đúng quy trình.

Gần 450 giáo viên và học sinh ở Đắk Lắk nhiễm Covid-19 khi học trực tiếp. Ngày 17.2, tin từ Sở GD-ĐT Đắk Lắk cho biết tính từ ngày 7 - 16.2, toàn tỉnh có 374 học sinh, học viên và 71 cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học nhiễm Covid-19. Cũng theo Sở GD-ĐT Đắk Lắk, hiện tất cả các địa phương trên toàn tỉnh đã cho toàn bộ trẻ mầm non và học sinh phổ thông đến trường học trực tiếp. Tỷ lệ học sinh đến trường mỗi ngày đạt 95%. Trước tình hình tăng số giáo viên, học sinh nhiễm Covid-19, trong bối cảnh vừa dạy học, vừa phòng chống dịch, các trường đã chủ động lên phương án để thay đổi từ hình thức dạy học trực tiếp sang gián tiếp và ngược lại khi tình hình dịch bệnh Covid-19 chuyển cấp độ trong khu vực.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Đắk Lắk, đến nay toàn tỉnh có trên 156.000 học sinh các cấp THCS, THPT, GDTX được tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 (chiếm tỷ lệ 83,06%), 127.000 học sinh tiêm vắc xin mũi 2 (chiếm tỷ lệ 67,62%) và 250 học sinh tiêm mũi 3. Ngoài ra, hiện 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên tiêm vắc xin 2 mũi và 32,91% tiêm mũi 3.

Hơn 300 học sinh ở Gia Lai nhiễm Covid-19. Theo thống kê của ngành giáo dục, hiện toàn tỉnh Gia Lai có 812/838 trường mầm non, phổ thông đã tổ chức dạy học trực tiếp, chiếm 96,9%. Học sinh đã trở lại trường sau nhiều tháng phải học online. Tuy nhiên hiện một số lớp của các trường phải cho học sinh tạm dừng học trực tiếp, chuyển sang hình thức dạy online do có giáo viên, học sinh bị nhiễm Covid-19.

Thống kê mới nhất, hiện đã có 55 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 317 học sinh, sinh viên nhiễm Covid-19. Qua điều tra dịch tễ, tất cả các trường hợp nhiễm bệnh đều lây từ gia đình, bên ngoài khuôn viên trường học. Hiện ngành chức năng chưa phát hiện hiện tượng lây lan dịch bệnh trong trường học. Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai, từ ngày 16.2 đến 10 giờ ngày 17.2, Gia Lai ghi nhận 426 trường hợp dương tính với Covid-19.

Hoàn tất thủ tục cấp phép sản xuất thuốc kháng virus điều trị Covid-19 tại Việt Nam. Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) xác nhận, dự kiến quyết định giấy phép lưu hành có điều kiện với thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir cho 3 công ty dược của Việt Nam có vào cuối giờ chiều nay, 17.2. Theo Cục Quản lý dược, 3 công ty trong nước đầu tiên được cấp phép sản xuất thuốc kháng virus điều trị bệnh nhân Covid-19 là: Công ty Liên doanh Stellapharm VN; Công ty CP dược phẩm Boston Việt Nam; và Công ty CP dược phẩm Mekorpha.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý dược, sau khi được cấp phép có điều kiện sản xuất Molnupiravir, các đơn vị phải phối hợp với các cơ sở điều trị thực hiện đúng các quy định hiện hành về thuốc kê đơn, theo dõi an toàn, hiệu quả, tác dụng không mong muốn của thuốc kháng virus trên người Việt Nam; và tổng hợp, báo cáo theo quy định. Các đơn vị sản xuất phải kê khai giá thuốc và được thẩm định giá bởi cơ quan quản lý.

Thêm 4 quốc gia công nhận hộ chiếu vắc xin của Việt Nam. Chiều 17.2, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, đến ngày 16.2 đã có 14 quốc gia và vùng lãnh thổ đồng ý công nhận hộ chiếu vắc xin với Việt Nam. 4 quốc gia mới nhất công nhận hộ chiếu vắc xin của Việt Nam gồm: New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, hộ chiếu vắc xin của Việt Nam đã được Nhật Bản, Mỹ, Anh, Úc, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine và Maldives công nhận.

Bà Lê Thị Thu Hằng cũng cho biết một số đối tác khác cũng đang xem xét, rất tích cực, trao đổi thêm về một số chi tiết kỹ thuật và sẽ sớm khẳng định với chúng ta. Việt Nam cũng đang công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng hay còn gọi là hộ chiếu vắc xin của 79 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được Bộ Ngoại giao các nước và vùng lãnh thổ, các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam thông báo chính thức với Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Việt Nam đã tiêm gần 190 triệu liều vắc xin Covid-19

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dương tính với Covid-19 tại Campuchia. Tại họp báo chiều 17.2, báo chí đề nghị Người phát ngôn Bộ Ngoại giao thông tin về sức khỏe của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khi một số báo chí nước ngoài đưa về việc Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn dương tính với virus gây bệnh Covid-19 khi đang tham dự hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại Campuchia trong 2 ngày vừa qua.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng xác nhận thông tin này cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đang tham dự hội nghị hẹp các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại PhnomPenh, Campuchia trong 2 ngày 16-17.2 theo hình thức trực tuyến theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao và hợp tác quốc tế Campuchia. "Trong thời tham dự hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và các đại biểu Việt Nam thực hiện nghiêm túc quy định về y tế phòng chống dịch bệnh phía Campuchia. Sau khi hội nghị kết thúc, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ về nước và thực hiện cách ly y tế theo quy định. Hiện nay sức khỏe của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn ổn định", bà Hằng cho biết.

Nghệ An cho xe khách, xe buýt hoạt động trở lại sau lệnh cấm. Sở GTVT Nghệ An vừa phát thông báo hỏa tốc thay đổi quy định dừng hoạt động đối với hoạt động vận tải hành khách ở các địa bàn có dịch Covid-19 cấp độ 4. Theo đó, các loại hình vận tải hành khách theo tuyến cố định nội tỉnh, liên tỉnh, xe buýt, hợp đồng, du lịch, vận chuyển học sinh, sinh viên vẫn tiếp tục được phép hoạt động. “Đơn vị kinh doanh vận tải yêu cầu lái xe điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải có hành trình đi qua hoặc đi trong địa bàn địa phương có dịch Covid-19 ở cấp 4 thì không được dừng đón khách nhằm hạn chế tối đa việc lây lan dịch Covid-19”, thông báo viết.

Lý do điều chỉnh quy định này, theo Sở Giao thông vận tải Nghệ An là “việc tạm dừng hoạt động của một số loại hình vận tải hành khách ở địa bàn dịch cấp độ 4 đã làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân và việc dần khôi phục hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vận tải”. Trước đó, Sở GTVT Nghệ An có văn bản yêu cầu tạm hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh Nghệ An đối với các xã, phường có dịch Covid-19 cấp độ 4 kể từ từ 0 giờ ngày 16.2 cho đến khi có thông báo mới.

Số ca nhiễm Covid-19 tại TP.HCM đang tăng, chủ yếu cách ly tại nhà

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, Bộ trưởng GD-ĐT nhận định: "Đưa học sinh trở lại trường được đánh giá đúng lúc, kịp thời". Nhận định này được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc hôm nay 17.2, về tình hình mở cửa trường học, do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì nhằm đánh giá lại 1 tuần học sinh trở lại trường. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, tính từ 7.2 đến nay, tổng số học sinh học trực tiếp là hơn 21 triệu/22,4 triệu em, chiếm 93,71% tổng số học sinh. Nhìn chung, việc đưa học sinh tới trường học trực tiếp được xã hội, nhà giáo, phụ huynh, các chuyên gia... ủng hộ, đồng tình, được đánh giá là đúng lúc và kịp thời. Lãnh đạo các địa phương đã thống nhất chủ trương và đã chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu thực tế, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp, một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, học sinh mắc Covid-19 tăng mạnh khiến nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp kết hợp học trực tuyến. Một số ít địa phương chưa quyết định mốc thời gian cụ thể cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học đến trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.