Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Cả nước thêm gần 180.000 ca nhiễm. Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, cả nước ghi nhận thêm 178.112 ca nhiễm mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 178.109 ca ghi nhận trong nước (giảm 2.443 ca so với ngày trước đó). Các ca nhiễm mới ghi nhận tại 63 tỉnh, thành phố. Hà Nội vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về số ca bệnh ghi nhận mới trong ngày với 25.311 ca. Một số địa phương có nhiều ca bệnh gồm: Nghệ An (10.511 ca), Lào Cai (9.574 ca), Phú Thọ (7.867 ca), Bắc Ninh (5.020 ca), Lạng Sơn (4.869 ca), Hải Dương (4.856 ca), Thái Nguyên (4.835 ca), Đắk Lắk (4.592 ca), Tuyên Quang (4.389 ca), Bình Dương (4.264 ca).
Trẻ dưới 5 tuổi mắc Covid-19 gặp dấu hiệu này cần báo y tế ngay |
Cũng trong ngày 17.3, Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 24.975 ca (trong đó đã bao gồm 5.000 ca thông báo ngày 16.3 tại Vĩnh Phúc), Sở Y tế Hải Dương đăng ký bổ sung 155.878 ca trên sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin. Hôm nay, Bộ Y tế công bố thêm 135.683 bệnh nhân khỏi bệnh. Hiện cả nước còn 4.435 bệnh nhân nặng đang điều trị. Từ 17 giờ 30 ngày 16.3 đến 17 giờ 30 ngày 17.3, cả nước ghi nhận 76 ca tử vong tại 32 tỉnh thành. Mỗi tỉnh, thành có từ 1-2 ca. Địa phương ghi nhận nhiều ca tử vong nhất là Hà Nội với 7 ca.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho học sinh ở TP.HCM |
khả hòa |
Chính phủ yêu cầu nghiên cứu chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B. Đó là nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết chương trình phòng, chống dịch Covid-19 vừa được Chính phủ ban hành hôm nay 17.3. Chương trình này được thực hiện trong thời gian 2 năm 2022 - 2023. Trường hợp dịch bệnh kết thúc sớm hơn hoặc kéo dài sang năm 2024, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ xem xét việc tiếp tục thực hiện chương trình này hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với tình hình dịch bệnh. Mục tiêu cụ thể của chương trình là bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19: đến hết quý 1/2022 hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người dân từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm chủng; bảo đảm đủ vắc xin và hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trước tháng 9 năm 2022.
Có chiến lược giám sát, phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch trong từng giai đoạn; giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên 1 triệu dân xuống mức thấp hơn mức trung bình của châu Á. Thực hiện linh hoạt nguyên tắc "ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch" theo quy mô và phạm vi hẹp nhất có thể, phù hợp với diễn biến dịch bệnh; áp dụng linh hoạt công thức chống dịch “5K + vắc xin, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”; nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện giám sát thường xuyên, định kỳ và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá nguy cơ lây nhiễm.
Bệnh nhóm A là các bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và có tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Bệnh truyền nhiễm nhóm B là những bệnh nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Số ca giảm, Hà Nội tính chuyện đón khách du lịch quốc tế. Thông tin tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 chiều 17.3, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, tuần vừa qua (từ 10 - 16.3), thành phố trung bình ghi nhận 28.968 ca bệnh/ngày. Trong đó, ngày cao nhất ghi nhận 31.899 ca, song số ca bệnh có dấu hiệu giảm nhẹ. Tại cuộc họp, đại diện Sở Du lịch cho biết, kể từ ngày 15.3, hoạt động du lịch đã được mở cửa hoàn toàn bao gồm cả du lịch nội địa, đón khách quốc tế, đưa khách đi nước ngoài.
Sở Du lịch đang khẩn trương xây dựng phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới đảm bảo an toàn theo hướng dẫn của T.Ư và thành phố. Trong thời gian tới, Sở Du lịch kiến nghị các địa phương có kế hoạch tổ chức hoạt động du lịch đồng bộ, từ các điểm di tích đến các dịch vụ liên quan. Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng đề nghị các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền cho du khách về các tour, sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp còn đang hoạt động để người dân lựa chọn.
Chỉ hơn 60% phụ huynh trẻ mầm non ở TP.HCM đồng ý tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ. Chiều 17.3, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ. Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Công tác chính trị - tư tưởng (Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết kết quả khảo sát sự đồng thuận của phụ huynh học sinh từ 5-12 tuổi về tiêm vắc xin Covid-19 như sau: mầm non có 60,5% đồng thuận, tiểu học 81,2% và THCS 87,7%.
Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục chuẩn bị một cách tốt nhất để sẵn sàng khi có kế hoạch tiêm vắc xin cho học sinh trong độ tuổi này; đồng thời tổ chức tuyên truyền thông tin lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 để tăng sự đồng thuận đối với phụ huynh học sinh. Trả lời câu hỏi nếu học sinh không tiêm vắc xin có được đến trường hay không, ông Trọng cho biết trong đợt tiêm vắc xin cho học sinh từ 12 tuổi trở lên lúc trước và sắp tới là tiêm cho trẻ 5-12 tuổi, việc tiêm vắc xin và tham gia học tập là độc lập tương đối. Do đó, không có chuyện học sinh không tiêm vắc xin thì không được đến trường học. Riêng các em không tiêm vắc xin sẽ có sự quan tâm kỹ hơn.
TP.HCM gấp rút chuẩn bị mọi công tác để tiêm vắc xin cho trẻ 5 - 11 tuổi. Ngày 17.3, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo về chuẩn bị công tác tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em và học sinh từ 5 - 11 tuổi. Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát, lập danh sách trẻ em mầm non, học sinh thuộc độ tuổi tiêm chủng, đồng thời phối hợp với y tế cơ sở và cha mẹ học sinh để đánh giá ban đầu về tình trạng sức khỏe của trẻ. Đặc biệt quan tâm đến những trẻ mắc bệnh lý nền, béo phì… để phối hợp với ngành y tế thực hiện phương án tiêm chủng bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh. Sau khi lấy danh sách, các cơ sở phải nhập thông tin của trẻ vào hệ thống tiêm chủng Covid-19 trước ngày 25.3.
Nhà trường cần có kế hoạch tuyên truyền, tư vấn cho phụ huynh về tác dụng, lợi ích của việc tiêm chủng, những phản ứng có thể gặp sau tiêm và trách nhiệm đảm bảo quyền lợi được tiêm của trẻ. Tạo sự đồng thuận cho các em được tiêm chủng, tăng cường vận động phụ huynh của những trẻ chưa đồng thuận. Sở GD-ĐT cũng cho biết đã cung cấp số lượng trẻ 5 - 11 tuổi về Sở Y tế để ngành y tế có căn cứ, chuẩn bị vắc xin. Để chuẩn bị cho đợt tiêm chủng vắc xin cho nhóm trẻ này, có hơn 5.626 cơ sở giáo dục đã tham gia tập huấn về công tác tiêm chủng. Theo thống kê của Sở Y tế, TP.HCM có khoảng 963.000 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, là lứa tuổi được tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong đợt này.
TP.HCM hướng dẫn các đầu mối liên hệ cho F0 nguy cơ cao, F0 trở nặng. Trước thực trạng người mắc Covid-19 (F0) tại TP.HCM đang tăng, nhưng chủ yếu là cách ly tại nhà, Sở Y tế TP.HCM triển khai khai báo F0 tại địa chỉ https://khaibaof0.tphcm.gov.vn. Ngoài việc khai báo để cấp quyết định cách ly, giấy xác nhận hoàn thành cách ly, F0 là người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ sẽ được tổng đài 1022 nhắn tin thông báo khẩn về trạm y tế địa phương để liên hệ, hỗ trợ cho F0. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), khi trong nhà có người thuộc nhóm nguy cơ cao nghi mắc Covid-19 hoặc F0 trở nặng, cần xử trí đúng để bảo vệ người nguy cơ cũng như chuyển viện kịp thời các trường hợp trở nặng, giúp giảm nguy cơ tử vong.
HCDC khuyến cáo, người thuộc nhóm nguy cơ khi mắc Covid-19 có thể cách ly điều trị tại nhà nhưng cần phải được theo dõi sát, đo nhiệt độ, đếm nhịp thở, đo SpO2 (nếu có) và lắng nghe chính xác các biểu hiện của cơ thể. Cần chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng bao gồm: khó thở, thở nhanh, SpO2 bằng hoặc dưới 96%, đau tức ngực, tím tái, lơ mơ không tỉnh táo..., người nhà cần liên hệ đến trạm y tế, trạm y tế lưu động nơi cư trú để được hỗ trợ xử trí cấp cứu và chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất. Nếu gọi không được, có thể liên hệ tiếp tổng đài 1022, hotline của HCDC, Sở Y tế để được hỗ trợ.
10 triệu chứng thường gặp liên quan hậu Covid-19 nên được khám ngay |
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tự nguyện hoàn trả tiền hỗ trợ. Tại cuộc họp báo chiều 17.3, liên quan câu hỏi của phóng viên về việc "xử lý một số cán bộ của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM nhận tiền ủng hộ khắc phục hậu quả dịch Covid-19", ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, cho biết: "UBND TP.HCM đã giao cho các cơ quan chức năng để thanh tra, kiểm tra và xử lý theo quy định". Phóng viên đặt câu hỏi tại buổi họp báo: "Vì sao các thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Sở LĐ-TB-XH TP.HCM trả lại số tiền đã nhận trước đó từ nguồn vận động phòng chống Covid-19 của Sở ?". Trả lời, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho hay: "Sau khi có văn bản của UBND TP.HCM chỉ đạo, ngày 9.3, Giám đốc Sở, kiêm Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Minh Tấn đã có buổi họp với các thành viên ban giám đốc và có đại diện 18/21 đơn vị tham dự (trong đó có 3 F0) để nghe báo cáo công khai về thu, chi khoản tiền nêu trên và phân tích". Theo đó, "khoảng tháng 12.2021, UBND TP.HCM đã có chi tiền cho ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp rồi. Trên cơ sở đó, tất cả thành viên trong ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Sở đã thống nhất, tự nguyện hoàn trả lại số tiền này".
Bình luận (0)