Tòa triệu tập nhưng không có mặt: Xử lý thế nào?

Phan Thương
Phan Thương
30/11/2019 05:15 GMT+7

Nhân chứng, người bị hại, người bị kiến nghị khởi tố dù được triệu tập nhiều lần nhưng vắng mặt không lý do có thể bị áp dụng biện pháp cưỡng chế là dẫn giải.

Liên tục, những phiên xử vừa qua, hàng chục người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nhân chứng khi được HĐXX triệu tập đến tòa đều có đơn xin vắng mặt hoặc vắng mặt không lý do.Từ đó, những người tham gia tố tụng khác đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để triệu tập lại hoặc dẫn giải để đảm bảo việc xét xử công khai, khách quan.
Cụ thể, ngày 19.9,TAND cấp cao tại TP.HCM phải hoãn phiên xử phúc thẩm vụ án “nhận hối lộ” đối bị cáo Hồ Minh Khiêm (nguyên Trưởng phòng Thanh tra thuế Cục Thuế Bình Định), với lý do vắng mặt 12 cán bộ công an và 1 kiểm sát viên dù HĐXX đã triệu tập hợp lệ.
Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Hồ Minh Khiêm, trong hồ sơ vụ án, không có biên bản nào được lập thể hiện tại hiện trường nơi bắt quả tang ông Khiêm nhận hối lộ. Cụ thể, không có biên bản nào thể hiện việc niêm phong tang vật, không có biên bản thể hiện sự kiểm đếm, kiểm định tiền thật hay giả, túi xách của ông Khiêm khi bị bắt quả tang cũng không lập biên bản niêm phong… Vì vậy, cần phải có sự đối chất với các điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án tại phiên tòa để làm rõ các tình tiết.
Đến ngày 26.11, phiên tòa được mở lại mà không có những người vắng mặt trước đó. HĐXX cho biết sẽ căn cứ vào tài liệu, hồ sơ của vụ án để đưa ra quyết định.
Hay trong vụ án xử nguyên CSGT Đồng Nai bắn chết người, HĐXX triệu tập 23 người đến tòa với tư cách người có quyền lợi liên quan, người làm chứng. Tuy nhiên, trong phiên xử sáng 29.11, cả 23 người được triệu tập đều không có mặt tại tòa.

Tất cả nhân chứng, người liên quan cùng phía bị hại trong phiên xử nguyên CSGT Đồng Nai bắn chết người đều vắng mặt tại phiên tòa

Ảnh: Lê Lâm

Trong số 23 người được triệu tập nhưng vắng mặt có Trưởng phòng CSGT tỉnh Đồng Nai, thượng tá Đặng Thế Trung; đại tá Dương Thanh Hải, nguyên Trưởng phòng CSGT tỉnh Đồng Nai, hiện là Trưởng công an H.Long Thành; ông Lê Hùng Hà, nguyên Trưởng phòng Hậu cần Công an tỉnh Đồng Nai.
Chủ tọa phiên tòa cho biết những người này có đơn "xin vắng mặt" và "đã có lời khai trong hồ sơ vụ án” nên phiên tòa vẫn xét xử theo kế hoạch.

Việc vắng mặt không ảnh hưởng, vẫn xét xử

Tại TP.HCM, liên tục những năm gần đây, TAND TP.HCM xét xử các đại án kinh tế gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng cho ngân hàng. Khi vụ án được đưa ra xét xử, HĐXX triệu tập hàng trăm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng. Song, khi vụ án được xét xử, đa số những người này đều có đơn xin vắng mặt và HĐXX đa phần đồng ý vì cho rằng sự vắng mặt của họ không làm ảnh hưởng đến vụ án. Trường hợp, quá trình thẩm vấn, tranh luận nếu phát sinh tình tiết thì HĐXX sẽ tiến hành triệu tập hoặc dẫn giải nếu cần thiết.
Luật quy định như thế nào đối với những trường hợp như thế này? Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo Điều 65 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; và theo Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người làm chứng có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải.
Theo luật sư Tuấn, việc áp giải là một biện pháp cưỡng chế trong hoạt động tố tụng hình sự. Và theo khoản 2 Điều 127 BLTTHS 2015, dẫn giải chỉ có thể áp dụng đối với: Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan; người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
Vì vậy, luật sư Tuấn cho rằng việc hoãn phiên tòa hay tiếp tục xét xử dù vắng mặt người liên quan, nhân chứng sẽ do HĐXX quyết định, nếu xét thấy việc vắng mặt của những người này không làm ảnh hưởng đến vụ án. Trường hợp quá trình thẩm vấn, tranh luận công khai, nếu thấy cần thiết tòa án có thể triệu tập lại hoặc yêu cầu dẫn giải đối tượng bị dẫn giải ra tòa khi họ không chấp hành quyết định triệu tập.
Tháng 6.2017, trong phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Trương Hồ Phương Nga (32 tuổi, quốc tịch Việt Nam và Nga, là Hoa hậu người Việt tại Nga) và đồng phạm Nguyễn Đức Thùy Dung (27 tuổi) bị cáo buộc lừa đảo của ông Cao Toàn Mỹ 16,5 tỉ đồng, nhiều lần HĐXX triệu tập nhân chứng là bà Nguyễn Mai Phương đến tòa nhưng bà Phương đều vắng mặt.
Đến ngày 26.6, chủ tọa đã ký giấy yêu cầu Công an TP.HCM dẫn giải bà Mai Phương phải có mặt tại phiên xử để thẩm vấn công khai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.