Tôi và người chị chưa biết mặt

24/08/2022 09:00 GMT+7

Luôn luôn lặng lẽ, chị cho đi và không cần ai phải biết điều đó. Rất nhiều những học sinh khó khăn của tôi đã nhận được những phần quà lớn từ chị...

1.

Tôi xin lên núi dạy, không chỉ mẹ, cả nhà xúm lại “hù” rất quyết liệt nhưng vẫn không thấy nhằm nhò. Tuổi trẻ sợ gì, vậy là xốc ba lô đi, lên một huyện miền núi phía Tây của tỉnh.

Tôi được phân về trường THCS Sơn Giang. Ngôi trường nằm trên đồi, hoang sơ. Tôi ở nội trú với một vài anh chị đến trước, nó vốn là cái trạm y tế bỏ hoang.

Ngôi trường nằm trên đồi, hoang sơ

tác giả cung cấp

Làm cô giáo vùng cao, mọi thứ không giống chút nào với tưởng tượng trước đó. Học trò đến trường lôi thôi lếch thếch. Trường nghèo dân nghèo, học trò không có điều kiện học tập, các em bỏ học giữa chừng nhiều, giáo viên chúng tôi dạy chính quy lẫn phổ cập ban đêm, phù đạo học sinh yếu kém trong hè…. Phải vậy thôi, vì đây là vùng kinh tế mới, dân di cư là chủ yếu, họ giống nhau ở chỗ là tất cả đều rất… rất nghèo. Người ở đây có câu chuyện đã thành “ giai thoại” của vùng: Cô giáo hỏi học trò: nếu cho em chọn hình phạt, em sẽ phạt Lý Thông thế nào cho thích đáng ? Một cậu học trò trả lời: em sẽ đày hắn tới vùng kinh tế mới. Câu chuyện đó đã đủ để bạn hình dung về cuộc sống của người dân và việc dạy học ở vùng kinh tế mới rồi nên xin được bắt đầu một câu chuyện khác.

Dạy học vùng cao, kỉ niệm mà tôi nhớ nhất đó chính là món quà 20/11 năm tôi mới về trường. Quà học của học trò là những bông cỏ được kết thành vòng, đeo vào cổ cô giáo. Tôi đã xúc động xem đó là vòng nguyệt quế của đời mình.

Rồi đùng một cái, tôi bị tai nạn giao thông, chín phần sống mười phần chết. Hôn mê dài ngày và nằm viện lê lết trong bệnh viện thành phố. Dù vẫn chưa hồi phục tinh thần, thể xác nhưng trong vô thức ruột gan cứ cồn cào nhớ bảng đen, phấn trắng. Tôi hay khóc, đòi được về nhà đi dạy. Lây lất nửa năm rồi tôi cũng được xuất viện.

Xe dừng lại ở đầu thôn, khi được cõng xuống xe, có một em học sinh đứng ở đâu đó chạy tới níu tay cô, khóc… Những ngày hôm sau, học trò mang tới cho cô trái cam, trái đu đủ vườn nhà. Các em thiết tha: mong cô mau hết bệnh đến trường với tụi em – sự yêu mến của học trò đã tiếp cho tôi sức mạnh để gượng dậy sau cú sốc tan hoang cả thể xác lần tinh thần đó. Tôi từng nhiều lần nói với học sinh về những tấm gương nghị lực, và lúc ấy, tôi hiểu rằng: mình cũng sẽ là một tấm gương nghị lực cho học trò.

2.

Tôi chấp nhận những di chứng chấn thương và nỗi đau đổ nát gia đình sau tai nạn và cố gắng đứng trên nó. Tôi đi dạy bằng nhiệt huyết thời trai trẻ và bắt đầu cộng tác với báo chí, đó cũng là lúc tôi bắt đầu quan tâm, giúp đỡ những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Khi những bài viết được đăng trên báo, những nhà hảo tâm gần xa đã tìm đến học sinh, các em được hỗ trợ tiền bạc, máy tính, xe đạp và cả những liều thuốc trị bệnh gia truyền, may mắn hơn, có em còn nhận được sự đồng hành cho tới chừng nào dừng việc học mới thôi. Hạnh phúc là đây, mừng rớt nước mắt, mỗi khi học trò qua cầu nối của cô giáo đã nhận được sự giúp đỡ to lớn, tôi hạnh phúc như người nhận sự giúp đỡ đó là mình vậy, tôi mang ơn sâu xa những tấm lòng Bồ Tát. Tôi bắt đầu thấy mình sống có ý nghĩa, nên công việc dù nhiều lúc cũng gặp những thị phi ngang trái nhưng tôi vẫn không bỏ cuộc, tôi dấn thân, tôi cật lực với hành trình đồng hành cùng học sinh khó khăn, theo - cách - của - mình mà không bận tâm dư luận.

Công việc đồng hành cùng học sinh nghèo không phải lúc nào cũng thuận lợi đâu, tỉ như nếu bài viết không được báo đăng tải, tôi sẽ phải tự thân vận động. Tôi công khai lên facebook, zalo để xin tiền cho học trò. Tôi xin nhận hết sự giúp đỡ của mọi người, ai cho gì nhận đó, không chỉ cho những em được công khai trên bài viết, nếu đợt nào quà nhiều, tôi sẽ liên hệ với nhà trường, chia đều quà cho những học sinh khó khăn khác với hy vọng không bỏ sót em nào – dù chỉ là những phần quà bé mọn. Có những lần, sau khi đã nhờ trang cá nhân nhưng vẫn chưa có kết quả gì, tôi trăn trở nhiều vì nghĩ học sinh đang rất cần sự giúp đỡ, nóng ruột quá, tôi phóng xe từ núi về đồng - dạn dĩ đến những cửa hàng lớn trình bày hoàn cảnh và xin được hỗ trợ ít nhiều. Chưa đủ, tôi về quê mẹ, đến từng nhà xin quần áo cũ còn mặc được, vận động gạo, dầu, mì tôm… sau đó lại tái đăng bài trên trang cá nhân với dòng status thiết tha hơn, vận động bạn bè gần xa hỗ trợ cho các em. Nhất định không để những học trò hiếu học phải bỏ học vì hoàn cảnh, tôi tâm niệm như vậy nên ráng làm hết sức mình.

Làm công việc này, tôi may mắn được kết giao với những tấm lòng Bồ Tát. Đặc biệt với chị ấy, người chị tôi chỉ biết qua cái tên Le My trên facebook. Luôn luôn lặng lẽ, chị cho đi và không cần ai phải biết điều đó. Rất nhiều những học sinh khó khăn của tôi đã nhận được những phần quà lớn từ chị. Trăm lần như một, hễ thấy trang cá nhân tôi kêu gọi giúp đỡ một em học sinh nào đó thì chị có mặt liền, như ông Bụt nhân từ sau khi nghe tiếng khóc của một cô bé đáng thương nào đó. Chị hỗ trợ vô điều kiện. Không hề yêu cầu phải cung cấp thêm thông tin kĩ càng về hoàn cảnh cần giúp đỡ, không cần phải gửi hình làm minh chứng đã gửi tiền đến học sinh, đơn giản tới mức không có một cuộc điện luôn. Đối thoại giữa tôi và chị luôn là những tin nhắn ngắn gọn trên Messenger. Tôi cảm ơn thì chị chối từ, nói: chị phải cảm ơn vì em đã giúp chị có cơ hội được làm việc tốt.

Có một lần, tôi nhắn tin hỏi: chị gửi cho em nhiều vậy mà không đòi bằng chứng, chị không sợ bị lừa sao? Chị nói: chị đưa số tiền đó cho cô giáo, vì tin nó sẽ đến được nơi cần sự giúp đỡ và chị không nghĩ gì khác. Chị còn nói thêm: chị biết, sự giúp đỡ nhỏ nhoi của mình có thể sẽ giúp các em qua được giai đoạn ngặt nghèo chứ không thể làm các em hết khổ được. Muốn giúp nhiều hơn cũng không được. Tôi hỏi thăm thông tin về chị, chị nói mình ở Nha Trang chứ không nói gì hết, chỉ tiết lộ một thông tin: chị từng là bạn học đại học với một đồng nghiệp của em – chỉ có vậy. Tôi tò mò, vào dòng thời gian trên Facebook của chị xốc đảo nhưng vẫn không có thông tin và hình ảnh cá nhân nào. Trên nhà mình, chị chỉ đăng duy nhất những châm ngôn sống đẹp. Cuối cùng, tôi cũng tìm được một tín hiệu và biết chị là bạn của anh T, một đồng nghiệp tôi yêu mến. Hỏi thăm anh T về chị Le My trên facebook, anh nói ngày xưa chị học cùng đại học với anh, sau ra trường mỗi người một nơi, có một thời, hình như nghe bảo chị ấy đã rất khổ sở vì chồng con, còn bây giờ thì đi làm và chọn hành trình thiện nguyện làm lý tưởng. Bao nhiêu đó ( dù không phải thông tin chắc chắn) cũng đủ để tôi trân quý chị, những người đứng dậy từ đổ nát cuộc đời, sẽ dễ dàng đồng cảm với nỗi buồn và khổ đau của người khác.

Một hành trình đẹp, chị ấy như đóa hoa đêm lặng lẽ tỏa hương. Người phụ nữ khiêm nhường, chọn cho đi một cách lặng lẽ đã giúp tôi tin, cuộc sống đâu đó vẫn có phép màu của tình thương … Tôi nhiều lần nhắn tin nói với chị: nếu đủ duyên, em muốn vào Nha Trang cà phê với chị một lần. Nói mãi mà đến nay, chị đã đồng hành với học trò nghèo của tôi một chặng đường dài như vậy mà chị em vẫn chưa có cơ hội được một lần hạnh ngộ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.