Tại sao chúng ta có những cá nhân được hàng trăm giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế mà lâu rồi không có một triển lãm nào đáng kể.
Những triển lãm ảnh được tổ chức chỉ đông vào khai mạc rồi vắng đến nỗi phát thương người “canh” sổ cảm tưởng. Và liệu những tác phẩm được giải quốc gia, nếu mở triển lãm, sẽ bán cho ai, được bao nhiêu tiền. Những triển lãm nhiếp ảnh FIAP kiểu VN lại chỉ mời giám khảo theo ý mình và phần lớn giám khảo VN đi chọn. Thế thì làm sao có thể tạo được thị trường nhiếp ảnh sáng tạo, đồng thời thúc đẩy du lịch.
Trong khi, để xây dựng một dự án công nghiệp văn hóa, thương hiệu quốc gia, cần có tư duy làm việc rất công phu, kết nối từng nguồn đầu tư, kiểm đếm từng nhân sự. Có như thế, đề án thương hiệu quốc gia mới hiện diện trên từng con phố, từng chiếc ghế ngồi. Điều đó, không khó tìm thấy trên thế giới. Chẳng hạn, ở thành phố jeans Kojima (Nhật Bản), người ta có thể thấy quần jeans được treo khắp nơi. Những tấm biển lớn hình quần bò cũng được căng lên. Ghế có hình quần bò và ngay cả chiếc kem cũng mang màu xanh của vải bò đặc trưng.
Trong khi đó, “nhạc trưởng” của cả hai đề án Thành phố nhiếp ảnh VN và Nghệ thuật sơn mài VN đều rất “mắc” ở việc chúng ta đã hiểu mình tới đâu và chăm chút cho năng lực của mình thế nào. Thực tế mà nói, Bộ VH-TT-DL hiện cảm thấy rất cô đơn. Họ nhắm được một số thành phố tiềm năng, nhưng có địa phương khi được đặt vấn đề đã ngay lập tức từ chối phắt. Sa Pa là một thành phố như vậy, và ngay cả Hà Nội cũng không mặn mà.
Vấn đề lớn nhất của thương hiệu quốc gia chính là việc xây dựng con người muốn làm thương hiệu quốc gia từ bên trong. Họ cũng phải là những người thích nghi được với công nghiệp văn hóa, thực hiện được việc biến vốn văn hóa thành sản phẩm hái được tiền. Chính vì thế, việc xây dựng thương hiệu quốc gia, có lẽ vẫn nên cố nhưng không nên cố ép chín trong giai đoạn 2020 - 2030 như dự kiến. Nó phải được “đi xa về gần” từ việc xây dựng những cơ hội học tập đào tạo giao lưu cho nhân sự. Như câu chuyện mà TS Triệu Khắc Tiến, Trường ĐH Mỹ thuật VN, kể: Ông chỉ càng có cảm giác rõ ràng hơn về truyền thống khi sang Nhật Bản theo học với một người thầy là truyền nhân đời thứ 10 của một dòng kỹ thuật sơn mài nổi tiếng Nhật Bản. Việc học thi tiến sĩ của ông gồm rất nhiều bài tập về kỹ thuật sơn mài, để rồi khi đó, ông nhận thấy những kỹ thuật sơn mài Việt mình nắm trong tay lỏng lẻo biết bao. “Tôi cảm nhận rất rõ câu các cụ vẫn nói đi xa về gần. Tôi đi sang đó mới biết là mình mất gốc và phải quay về tìm truyền thống. Có nghĩa là mình phải nắm được chính kỹ thuật sơn mài, hoàn chỉnh kỹ thuật sơn mài trong nước đã rồi mới tính được chuyện thương hiệu VN”, TS Tiến nói.
Nếu nhân sự nghiên cứu sơn mài chưa ra đâu vào đâu, nếu nhân sự nhiếp ảnh vẫn cứ mòn mỏi kiểu chụp ảnh “đèm đẹp”, thì những đề án thương hiệu quốc gia sẽ vẫn chỉ là xa vời và hình thức.
Bình luận (0)