Năm học THCS, lớp tôi có một bạn học cá biệt. Danh hiệu “quậy nhất trường” có lẽ không bao giờ vuột khỏi tay bạn ấy. Bạn ở chợ, môi trường xấu đến mức mà mẹ Mạnh Tử nhất quyết chuyển nhà cho con đến ở gần trường học. Bạn có người cha dữ đòn, chuyên lột truồng treo ngược con lên đánh đòn thường xuyên.
Hôm ấy chỉ là một buổi học thêm tiếng Anh. Khi cả lớp đang ngồi học, bỗng mặt thầy đanh lại. Chúng tôi ngơ ngác, không hiểu chuyện gì xảy ra. Thầy tiến đến giữa lớp, nơi cậu bạn ngồi, thẳng tay vung một cái tát đanh gọn. Cậu bạn bị đuổi ra khỏi lớp. Và ít ngày sau, cậu ấy bị đuổi học vì vào giờ chào cờ đầu tuần, khi cả trường đứng im phăng phắc, cậu ấy bật cây dù cái xẹt, cả trường cười rần rần.
Đến bây giờ, tôi vẫn không biết trong giờ học tiếng Anh, cậu bạn nhận cái tát của thầy vì lỗi gì. Chỉ còn nhớ chúng tôi đã sững sờ như thế nào trước sự việc ấy. Ra trường, đi làm đã lâu, cái tát trong buổi học ấy tôi vẫn nhớ như in. Tôi vẫn ước bạn mình vào cái tuổi mới lớn muốn chứng tỏ ấy có một người thầy hiểu mình hơn để có một cuộc đời khác đi.
Bạo lực chỉ có thể dẫn đến bạo lực. Cũng chính cậu bạn bị đuổi học từ năm lớp 8 ấy, trong một buổi tối, vì mâu thuẫn chuyện bên ngoài với một người thầy trong trường, đã cùng một người khác vào tận trường, dùng một khúc gỗ đánh người thầy nằm gục trên sân và đầu bê bết máu.
Khi vào tháng 10.2018, giáo viên ở TP.HCM bắt học sinh lớp 5 phải tự tát vào mặt mình theo cấp số nhân và có em phải tự tát mình 32 cái, chúng ta xem đó là hành động đơn lẻ. Khi giáo viên bắt các học sinh trong lớp tát bạn 231 cái ở Quảng Bình đến mức phải nhập viện, chúng ta phẫn nộ. Nhưng khi chuyện như thế lại xảy ra ở Hà Nội vào ngày 3.12, với lời tố cáo của phụ huynh là cô giáo cho bạn tát học sinh lớp 2 đến 50 cái, sự việc đã trở thành hệ thống.
Từng sự việc không đẹp trong nhà trường liên tiếp xảy ra khiến nơi đây không còn là đồn trú của học sinh trước bạo lực nữa. Trước những cái tát này, tháng 1.2018, một thầy giáo tại Quảng Ninh bị đình chỉ công tác vì đánh học sinh trong giờ học. Tháng 4.2018, cô giáo ở Hải Phòng bắt học sinh uống nước từ giẻ lau bảng. Xa hơn một chút, vào năm 2016, ở Hà Nội, cô giáo cho 40 bạn trong lớp cào và tát vào mặt bạn… Đó là chưa kể chuyện bạo lực tinh thần như cô giáo "im lặng" suốt 3 tháng trời, không nói chuyện, không giảng bài với học sinh tại một trường học ở H.Nhà Bè, TP.HCM.
tin liên quan
Xem xét, xử lý nghiêm vụ giáo viên bị 'tố' bắt học sinh tát bạn 50 cáiGiáo dục đang như tấm chăn thủng lỗ chỗ. Vá lỗ thủng này lại lòi ra lỗ thủng khác. Tính cả hệ thống, tấm chăn ấy đa số vẫn còn nhiều nơi lành lặn. Nhưng lòng tin thì bị xói mòn dần.
Vài ngày trước, một cô giáo từng là hiệu trưởng một trường ĐH lớn đã quá xót xa đứng lên kêu gọi đồng nghiệp hãy cùng họp lại, tìm ra giải pháp hành động vì trường/lớp không bạo lực. Tiến sĩ Lê Nguyên Phương, tác giả của bộ sách “Dạy con trong hoang mang” nhờ giới thiệu để vào trường học có “231 cái tát” để tham vấn tâm lý cho các em.
Mới hôm qua, một tiến sĩ có tên tuổi lĩnh vực xã hội – nhân văn cảm thán rằng ngày xưa, mỗi lần giáo dục có một scandal nào đó, các báo hay gọi điện hỏi quan điểm của chị, chị trả lời, hoặc viết bức xúc của mình lên Facebook. Nhưng hiện tại, cứ mỗi ngày là một chuyện buồn, chị nản đến độ không biết nói gì. Giáo dục nước nhà bức tranh toàn cảnh quá nhiều chuyện chán nản, mặc dù quanh chị, vẫn thấy những gắng gỏi nỗ lực thầm lặng của đồng nghiệp và học trò!
Chị nói đến một khái niệm nổi tiếng của Lỗ Tấn hiện nay ít ai nhớ đến là “quốc dân tính”. Chị nói: “Và mình nghĩ mãi, khi nào thì chúng ta ý thức về “quốc dân tính” của chúng ta? Khi nào chúng ta biết điểm mạnh và quan trọng hơn cả là “liệt căn tính quốc dân”(điểm yếu) để chúng ta tìm cách chữa đây?”.
Điểm yếu hay căn nguyên sâu xa của những cái tát này là gì? Là căn bệnh thành tích gây áp lực nặng nề, khiến thầy cô hành xử không đúng chức trách của mình? Là sự sợ hãi, sợ trường mất thi đua khiến cô giáo hành xử sai? Là nỗi sợ trách nhiệm khiến ngôi trường có “231 cái tát” đưa ra bảng điều tra thiếu nhân văn cho học sinh sau đó? Là việc thiếu trang bị về tâm lý để thầy cô không đủ kiên nhẫn trong việc dạy dỗ học sinh? Là giáo dục thiếu một triết lý lấy tính nhân bản làm gốc trong hoạt động thầy trò?
Dù là nguyên nhân gì, những cái tát liên tiếp vừa qua đã giáng đòn khá mạnh vào ngành giáo dục.
Chúng ta cần phải dũng cảm thừa nhận, bạo lực trong nhà trường không còn là đơn lẻ nữa. Đến mức mà có vị tiến sĩ phải đau đớn nghĩ đến khái niệm “quốc dân tính” trong giáo dục. Và chúng ta đã phải đến lúc có hành động tích cực hơn là những lời nói suông.
Và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ơi, ông hãy hành động đi!
Bình luận (0)