Sáng 9.1, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung tài chính - ngân sách đề nghị Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 2.
Đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội |
gia hân |
Cụ thể, Chính phủ đề nghị tăng dự toán vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ năm 2022 của 7 địa phương thêm 226 tỉ đồng; tăng dự toán chi trả nợ gốc của tỉnh Bắc Kạn thêm 33,7 tỉ đồng để tỉnh có căn cứ thực hiện trả nợ trước hạn.
Chính phủ cũng đề xuất bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 nguồn viện trợ không hoàn lại (chi thường xuyên) số tiền 14.713,5 tỉ đồng. Trong đó, phần bổ sung dự toán cho các khoản viện trợ cho phòng, chống dịch Covid-19 là 11.360,4 tỉ đồng; phần bổ sung dự toán cho các khoản viện trợ khác là 3.353,1 tỉ đồng.
Nội dung khác được đề xuất là giảm dự toán chi thường xuyên năm 2021 của Bộ Tài chính số tiền 2.268,3 tỉ đồng (trong đó, của Tổng cục Thuế là 1.134,8 tỉ đồng, của Tổng cục Hải quan là 1.133,5 tỉ đồng) và tăng tương ứng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2021 của Bộ Tài chính.
Cùng đó, cho phép chuyển nguồn số kinh phí này sang năm 2023 để thực hiện đầu tư 95 dự án của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, thời gian giải ngân đến hết ngày 31.12.2024.
Giữa kỳ họp bất thường lần thứ 2, Chính phủ trình Quốc hội đề nghị cho phép 24 địa phương chuyển nguồn 5.016,6 tỉ đồng đã được bố trí trong dự toán để chi cho phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 sang niên độ ngân sách 2022, tiếp tục chi cho phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: "Nếu không xuất hàng thì trả chức cho Bộ" |
"Tôi thấy cũng lạ, tại sao có chuyện chậm trễ thế này?"
Nêu ý kiến thảo luận, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ đặt câu hỏi với Bộ trưởng Tài chính về vấn đề chuyển hơn 2.000 tỉ đồng từ chi phí thường xuyên chưa chi hết của Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế để thực hiện 95 dự án của 2 cơ quan này.
"Tại sao các dự án của 2 đơn vị này không có trong danh mục đầu tư công trung hạn, mà tới bây giờ phải dùng nguồn chi thường xuyên thay vào cho chi đầu tư phát triển? Việc điều chỉnh lần này đã đủ tiền cho các dự án hay chưa, hay sau này cần vốn thêm thì lại xin được điều chỉnh tiếp? Đây có phải hiện tượng lách luật hay không?", ông Hạ nêu loạt câu hỏi.
Theo ông Hạ, Bộ Tài chính với vai trò cơ quan "gác cửa" quản lý tài chính, xin điều chuyển vốn như vậy là chưa nghiêm, nhất là khi kỷ luật, kỷ cương tài chính chưa nghiêm đang như “căn bệnh trầm kha” nhiều năm chưa giải quyết được. Ông muốn Bộ trưởng Bộ Tài chính có giải trình rõ nguyên nhân vấn đề này.
Tương tự, theo ông Hạ, việc đề nghị Quốc hội cho phép chuyển nguồn hơn 5.000 tỉ đồng kinh phí phòng dịch 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách 2022, hay việc điều chuyển vốn vay lại của các địa phương cũng được Bộ Tài chính tổng hợp rất chậm.
"Công tác quản lý, quản trị của vụ chức năng trong thực hiện nhiệm vụ, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, của các vụ như thế nào? Tôi thấy cũng lạ, từng đơn vị quản lý từng mảng một thì tại sao lại có chuyện chậm trễ như thế này. Rõ ràng, từ công tác lập cho đến công tác thẩm định cũng có gì đó chưa thực sự chất lượng cao lắm, chưa sát thực với thực tiễn", đại biểu Hạ nói, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm.
Tương tự, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng đề nghị làm rõ tại sao phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải Quan theo quy định hàng năm mà đề xuất điều chỉnh vốn chi thường xuyên? Bên cạnh đó, đại biểu muốn biết nguyên nhân vì sao vốn chi thường xuyên dư rất cao là 2.000 tỉ đồng?
"Nhiều khi cũng vì dân nên đành bất chấp nguyên tắc"
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình tại phiên họp |
gia hân |
Giải trình các ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, các khoản vốn viện trợ nước ngoài chưa có trong dự toán mà Chính phủ đề nghị bổ sung, thực tế là những khoản đã chi nhưng không có trong dự toán vì phụ thuộc nước ngoài.
Theo Bộ trưởng Phớc, thường khi có biến động, các tổ chức mới tài trợ và thông báo, lúc đó Bộ Tài chính mới thông báo cho địa phương; hoặc các khoản viện trợ này họ tài trợ trực tiếp các địa phương.
“Vì thế, các khoản tài trợ này thường nhỏ lẻ, bất thường và không có dự toàn từ trước, chúng ta bị động trong lập dự toán”, ông Phớc giải thích.
Ông Phớc nêu, đặc thù năm 2021 - 2022 chủ yếu là tài trợ phòng, chống dịch như kit test, vắc xin và tài trợ trực tiếp địa phương (TP.HCM, Hà Nội…). Các địa phương tiếp nhận phục vụ chống dịch rồi mới tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính.
Việc này khiến nhiều đơn vị rất bị động. “Chúng tôi nhiều khi cũng phải vì dân, nên có trường hợp đành bất chấp nguyên tắc, quy tắc”, ông Phớc cho hay.
Bộ trưởng Phớc nêu thực tế, thời điểm đỉnh dịch tại TP.HCM, lúc này chết rất nhiều người. Tuy nhiên, theo quy định của luật pháp phải có đầy đủ hồ sơ, thủ tục thì Tổng cục Hải quan mới được cho xuất hàng, thông quan.
Lúc đó kit test, vắc xin về, nhà tài trợ thông báo và Bộ trưởng Bộ Y tế tới nhận nhưng Cục Hải quan TP.HCM không cho nhận. Thứ trưởng Bộ Công an lên nhận, Bệnh viện Chợ Rẫy lên nhận cũng không được nhận.
“Lúc đó tôi phải gọi cho Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, nói: "Tôi sẽ chịu trách nhiệm, bây giờ dân chết phải cho ban chỉ đạo chống dịch nhận vắc xin, kit test", nhưng ông này cũng không đồng ý cho xuất hàng. Lúc đó tôi yêu cầu nếu không cho xuất hàng thì trả chức lại cho bộ và tự chịu trách nhiệm. Lúc này, Cục Hải quan TP.HCM mới đồng ý xuất hàng cho Bộ Y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận”, ông Phớc nói.
Cũng theo ông Phớc, có những lúc phải đảm bảo phục vụ dân, cho xuất hàng trước, hoàn thành thủ tục sau. Nhưng có rủi ro, hàng cho xuất đi rồi mà sau này quyết toán không đầy đủ thì sẽ bị truy trách nhiệm.
“Mong đại biểu thấu hiểu, chúng tôi luôn chủ động trong phạm vi của mình, còn những tình huống, hoàn cảnh chưa dự báo được thì phải hết sức sáng tạo trong bối cảnh như vậy. Và phần xin bổ sung chủ yếu là phòng, chống dịch”, ông Phớc nói.
Đối với việc chuyển nguồn kinh phí chi thường xuyên của Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, ông Phớc cho biết: về mặt nguyên lý, khi tiết kiệm được chi thường xuyên để đưa vào đầu tư xây dựng cơ bản, hay nói cách khác là đầu tư phát triển là một việc làm có hiệu quả, một việc tốt.
“Giống như mình "thắt lưng buộc bụng" có tích lũy để đầu tư vào vấn đề sửa nhà, sửa cửa, sửa đường, trang thiết bị, đổi mới công nghệ”, ông Phớc giải thích.
Với việc chưa dự toán từ đầu năm, theo ông Phớc, nhu cầu đầu tư của chúng ta nhiều mà nguồn vốn bố trí đầu tư công ngay từ đầu năm hay đầu nhiệm kỳ có những hạn chế.
"Hơn nữa đây là sự phối hợp giữa 2 bộ, chẳng hạn như quyền ghi vốn đầu tư công là quyền của Bộ KH-ĐT chứ không phải là quyền của Bộ Tài chính. Nhưng Bộ Tài chính sẽ chuyển tiền cho Bộ KH-ĐT để Bộ KH-ĐT bố trí, cho nên cũng có những việc chưa được bố trí đầy đủ. Xin giải trình với đại biểu như vậy”, ông Phớc nói.
Bình luận (0)